Thông Tin Trước Vòng Ðấu

Chelsea trước chung kết: Chờ bản lĩnh vô hình


Chelsea bị đánh giá thấp hơn Man City ở trận chung kết Champions League 2021, nhưng điều đó không khiến người hâm mộ họ lo ngại. Ngược lại, The Blues luôn biết cách vượt qua khó khăn để thể hiện thứ bản lĩnh vô hình mà họ đã tôi luyện gần 2 thập kỷ dưới thời tỷ phú Roman Abramovich.

Bản lĩnh vô hình


Roman Abramovich thâu tóm Chelsea vào năm 2003 và lập tức chiêu mộ giám đốc điều hành M.U, Peter Kenyon về Stamford Bridge. Đây là thương vụ bước ngoặt, mở ra một con đường chính xác giúp Chelsea thay đổi hoàn toàn lịch sử và thậm chí, cả phong cách - triết lý bóng đá.

Ở mùa giải đầu tiên của Roman, Chelsea dưới sự dẫn dắt của Claudio Ranieri vẫn theo đuổi thứ bóng đá cống hiến. Họ về nhì ở Premier League, chỉ sau nhà vô địch bất bại Arsenal, ghi được 67 bàn thắng và thủng lưới 30 lần - những thành tích cũng chỉ kém Arsenal.

Chelsea tạo ra triết lý và phong cách đặc biệt trong thời gian ngắn

Tuy nhiên, sự tiến bộ trông thấy của Chelsea ở mùa giải 2003/04 không đủ giúp Ranieri giữ ghế. Tham vọng của Abramovich cùng cái đầu lọc lõi của Peter Kenyon hiểu rằng họ cần một con đường khác, một cách tiếp cận khác để thành công ngay lập tức. Đây là điều không dễ dàng, bởi lẽ Premier League trong nhiều năm trước là chuyện riêng của Arsenal và M.U. Nhưng Chelsea đã biến mọi chuyện trở nên đơn giản khó ngờ bằng những lựa chọn chính xác tuyệt đối, trong đó đặc biệt là việc sa thải Ranieri để mời về nhà đương kim vô địch Champions League, Jose Mourinho.

Không chỉ chọn HLV có cá tính mạnh, Chelsea cũng lùng sục khắp châu Âu để săn tìm các cầu thủ chất lượng cao và đang có khao khát vinh quang tột bậc. Khác với những CLB giàu sổi sau này, The Blues hiếm khi theo đuổi những ngôi sao thành danh. Nhờ phương châm đó, họ tạo ra một tập thể giàu bảnh lĩnh, lì lợm và những chiến thắng liên tiếp đã biến những yếu tố này trở thành “văn hóa” ở Stamford Bridge.

Nếu có gì người ta e sợ, đánh giá cao nhất ở Chelsea trong gần 20 năm qua, thì đó chính là sự lì lợm. Một trong những bằng chứng thuyết phục nhất là Chelsea luôn vượt qua khủng hoảng một cách khó tin sau mỗi lần thay tướng. Họ cũng nhanh chóng trở thành thế lực ở châu Âu thay vì mất nhiều thời gian như PSG hay Man City hiện tại.

Ít ai nhớ rằng Chelsea đã vào bán kết Champions League ngay trong mùa giải đầu tiên thay đổi triệt để (2004/05), và trên đường đi, The Blues đã khiến Barcelona và Bayern Munich phải ôm hận ra sao. Chiến thắng kinh điển của họ trước Barca của Ronaldinho “ma thuật” luôn nằm trong số các trận đấu hay nhất lịch sử giải đấu. Trong thực tế, Chelsea cũng chỉ thua Liverpool ở vòng bán kết vì “bàn thắng ma” của Luis Garcia.

Những năm sau đó, bóng đá châu Âu chưa bao giờ hết những câu chuyện về tinh thần Chelsea, như cách họ vào đến chung kết năm 2008 với một HLV tạm quyền không ai biết là ai - Avram Grant, khiến Barcelona dính vào bê bối trọng tài năm 2009 với một HLV... tạm quyền khác là Guus Hiddink. Đến năm 2012, Chelsea lần đầu tiên vô địch Champions League sau khi sa thải HLV. Di Matteo cũng là người không ai tin tưởng khi được trao trọng trách. Đáng nói hơn, The Blues lên ngôi ngay trên sân của đối thủ - Bayern Munich, trong một trận đấu mà họ chịu đựng suốt 120 phút và ghi bàn ngay trong cú dứt điểm trúng đích đầu tiên ở phút... 87.

Chính nhờ những trận đấu như thế, Chelsea chưa bao giờ bị xem thường ở châu Âu, ngay cả ở những giai đoạn CLB Anh bị coi thường nhất. Chelsea luôn tạo ra cảm giác, ở hoàn cảnh càng khó khăn, họ càng khó bị đánh bại. Càng bị đánh giá thấp, họ càng biết cách tạo ra bất ngờ.

Chelsea luôn lì lợm một cách đáng sợ

Cơn gió mát Thomas Tuchel

Chính vì bản chất của Chelsea là vậy, nên không ai nghi ngờ họ sẽ thành công với một HLV có cá tính và khao khát chiến thắng tột đột như Thomas Tuchel. Chỉ sau 4 tháng, HLV người Đức đã chứng minh The Blues chọn ông là đúng. Từ một đội bóng mất phương hướng và hoảng loạn cùng Frank Lampard, Chelsea thắng như chẻ tre. Cho dù hụt mất chức vô địch FA Cup, nhưng họ đã hoàn thành mục tiêu vào top 4 và có thể thoải mái tiến đến trận chung kết Champions League.

Đáng nể hơn, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Tuchel đã lần lượt đánh bại các HLV xuất sắc nhất ở Premier League, bao gồm cả Jurgen Klopp và Pep Guardiola. Sự lì lợm luôn chảy trong huyết quản các cầu thủ Chelsea, và họ chỉ cần một cơn gió mát để thổi bùng lên sức mạnh vốn có.

Giống như chính Pep Guardiola từng mô tả, Tuchel là mẫu HLV có “đáp án cho mọi vấn đề”. Chelsea của Lampard phòng ngự thiếu chắc chắn, ông lập tức vá lại, biến họ trở thành đội bóng khó bị xuyên thủng nhất châu Âu. Những cái tên tưởng như bỏ đi như Rudiger, Christensen hay Azpilicueta đều trở lại mạnh mẽ khó ngờ. Hàng công của Chelsea kém duyên, ông khai thác họ theo cách khác, hiệu quả hơn. Mount trở thành nhạc trưởng, Havertz làm số 9 ảo, hay Werner chạy ra chiến thuật. Có thể Werner dứt điểm quá tệ, nhưng đừng quên sự xuất hiện của tiền đạo này và tốc độ của anh là yếu tố chính giúp The Blues mở ra hàng loạt cơ hội ghi bàn.

Giống như Pep, Tuchel là người cầu toàn, luôn muốn mọi thứ trở nên hoàn hảo, ám ảnh với bóng đá. Chính vì thế, ông luôn chuẩn bị kỹ từng chi tiết cho trận đấu và từ đó đưa ra các phương án hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên mà một cựu cầu thủ vô danh, xuất phát điểm thấp như Tuchel lại có vị thế như ngày hôm nay.

Nếu có gì để tin vào chiến thắng cho Chelsea, thì đó chính là sự kết hợp giữa bản lĩnh vô hình của họ và sự chi tiết trong chiến thuật của Tuchel.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC