Thế giới đàn ông

Xu hướng Metrosexual: Đàn ông làm đẹp, tại sao không?


Xuất hiện vào lúc giao thời giữa thế kỉ 20 và thế kỉ 21, khái niệm "Metrosexual” đã đánh dấu sự ra đời của định nghĩa về nam tính trong thời đại mới, một thời đại mà việc làm đẹp sẽ không còn là đặc quyền của chị em phụ nữ.
 
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về Metrosexual, cùng với một vẻ đẹp được trải chuốt tỉ mẫn của cánh mảy râu, đến từ trào lưu đàn ông làm đẹp.
 
 
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều phải phì cười trước bộ dạng của nhân vật Thần Sấm Thor trong bộ phim Avengers: Endgame với râu tóc xồm xoàm, thân hình đồ sộ và đặc biệt là cái bụng bia căng tròn. Tuy nhiên, bộ dạng đậm chất Viking này của Thor lại chính là khuôn mẫu được áp đặt cho định nghĩa về sự nam tính một thời. Đã từ rất lâu rồi, hình ảnh một người “đàn ông thực thụ” luôn gắn liền với độ đồ sộ của cơ bắp, những bộ râu xồm xoàm cùng phong cách thời trang bụi bặm và thậm chí là có phần hơi luộm thuộm. Trải qua một thời gian dài, những định kiến về một “gã đàn ông” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cho đến giai đoạn cuối thế kỷ 20, với sự bùng nổ của văn hóa pop culture cùng sự xuất hiện của khái niệm Metrosexual, thì khuôn mẫu cứng nhắc kia đã dần bị thay thế bởi xu hướng mới này, cùng làn sóng đàn ông làm đẹp.
 
Cụm từ “Metrosexual” lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà báo Mark Simpson trong bài viết “Here comes the mirror men” (Tạm dịch: “Khi cánh đàn ông trải chuốt”), đăng trên tờ The Independent của Anh Quốc vào ngày 15/11/1994. Thuật ngữ này là một sự kết hợp giữa hai từ, Metropolitan (Cư dân thành thị) và Heterosexual (Dị tính). Để định nghĩa về metrosexual, chúng tôi xin được trích một đoạn từ bài viết năm xưa của Mark Simpson: “Một người đàn ông kiểu metrosexual thường sẽ sống và làm việc tại những thành phố lớn với mức thu nhập khá cao và ổn định. Những người này thường sẽ có xu hướng chăm chút về tóc tai, ngoại hình và sẽ là khách hàng quen thuộc của những cửa hàng thời trang hoặc mỹ phẩm. Nếu như ở thập niên 80, những người đàn ông metrosexual chỉ xuất hiện trên các tạp chí thời trang như GQ, thì bắt đầu từ những năm 90, bạn sẽ bắt gặp xu hướng này ở mọi nơi.”
 
Sự lan tỏa của metrosexual và trào lưu đàn ông làm đẹp
 
Những năm đầu thế kỷ 21 đánh dấu sự bùng nổ của phong cách metrosexual trong lối sống của cánh đàn ông hiện đại, với đại diện tiêu biểu nhất là danh thủ David Beckham. Mặc dù là một ngôi sao sáng trong thế giới bóng đá – môn thể thao luôn gắn liền với sự mạnh mẽ và quyết liệt của cánh mày râu, nhưng số 7 huyền thoại của Manchester United luôn rất tỉ mẫn trong việc chăm sóc vẻ bề ngoài của bản thân. Beckham luôn xuất hiện trước công chúng với một mái tóc bồng bềnh được trải chuốt kĩ lưỡng đến từng sợi, những bộ trang phục sành điệu, được đính kèm những món trang sức bóng bẩy. Thậm chí, chàng Beck rất thích đi shopping cũng như làm đẹp tại spa.
 
Dĩ nhiên sự chăm chút ngoại hình quá đà của Beckham đã tạo nên một phong cách quá khác biệt so với hình tượng cứng cáp vốn đã được đóng đinh với phái mạnh. Tuy nhiên, mặc dù phải nhận khá nhiều ý kiến trái chiều, hay thậm chí là những nghi vấn về giới tính từ cánh truyền thông, chàng tiền vệ tài hoa vẫn thành công trong việc xây dựng một hình ảnh nam tính rất mới, cùng vẻ ngoài bóng bẩy cũng như các kiểu tóc được đều đặn thay đổi. Trong khi đó, tại kinh đô điện ảnh Hollywood thì việc đàn ông làm đẹp vốn cũng không còn quá xa lạ. Có lẽ không quá khó để liệt kê với những nam tài tử như Bradd Pitt, Orlando Bloom hay Johnny Deep với hình tượng được trau chuốt từ trên phim ra ngoài đời.
 
Đó là câu chuyện ở phương Tây, còn trong xã hội phương Đông, xu hướng metrosexual thậm chí còn lan tỏa với tốc độ chóng mặt hơn. Trên thực tế, nét đẹp của nam giới trong văn hóa Châu Á đã luôn có một vẻ mềm mại như các nam nhân “mặt hoa, da phấn” trong các tác phẩm của Trung Hoa, hay đặc biệt là những chàng trai “đẹp hơn hoa” của Hàn Quốc. Nền công nghiệp giải trí ở các cường quốc Châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản vốn đã luôn gắn liền với khái niệm metrosexual cùng những ngôi sao mày râu nhẵn nhụi, làn da trắng buốt, cơ thể vừa vặn và mái tóc được chải chuốt cẩn thận.
 
Là một quốc gia đi đầu về việc sử dụng mỹ phẩm, đối với xã hội Hàn Quốc, đàn ông làm đẹp vốn đã không còn là một câu chuyện mới mẻ. Quá trình chăm sóc bề ngoài của nam giới xứ sở kim chi không chỉ gói gọn trong sự chỉnh chu của trang phục, tập thể dục thường xuyên hay vệ sinh cơ thể mà còn là quy trình dưỡng da với đầy đủ các loại mỹ phẩm, mái tóc được chăm sóc không thua gì các chị em phụ nữ , hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ.
 
Metrosexual và xã hội Việt Nam
 
Sức lan tỏa của xu hướng metrosexual tại các nước Á Châu có thể được ví von như “cá gặp nước”, tuy nhiên ở Việt Nam, chuyện đàn ông làm đẹp vẫn còn phải chịu những sự kì thị nhất định. Mặc dù đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng trào lưu metrosexual vẫn chưa được hiểu theo một cách đúng nhất. Trên thực tế, cụm từ “metrosexual” không dùng để chỉ một xu hướng tình dục hay một phong cách nhất định nào cả. Một người đàn ông metrosexual sẽ có những ý thức nhất định về việc chăm sóc vẻ bề ngoài của bản thân, chứ không nhất thiết phải sở hữu vẻ đẹp của một ca sĩ Hàn Quốc.
 
uy nhiên, so với quy chuẩn mạnh mẽ và có phần bụi bặm, truyền thống về phái mạnh kiểu như “Râu hùm, hàm én, mày ngài. Vai năm tấc rộng, người mười thước cao” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) thì rõ ràng, việc một người đàn ông làm đẹp cho vẻ bề ngoài là rất khó được chấp nhận. Và như một lẽ dĩ nhiên, từ những nam nghệ sĩ đi đầu trào trào lưu metrosexual tại Việt Nam hay thậm chí chỉ đơn thuần là những người đàn ông hiện đại có xu hướng chăm chút từ tóc tai, da mặt cho đến body hay quần áo, đôi khi phải chịu những sự kì thị về giới tính cũng như đánh giá sai lệch về “độ đàn ông” của họ.
 
Đàn ông làm đẹp, không còn là đặc quyền của phái đẹp hay của những chàng gay
 
Trong nhịp sống của thời đại mới, khi mà tầm quan trọng của phần nhìn đang ngày một tăng cao, thì việc “đàn ông làm đẹp” vẫn phải chịu những sự kỳ thị sai lệch rõ ràng đã và đang tạo nên một thiệt thòi cho nam giới ở Việt Nam. Nực cười thay, nếu như sự lan tỏa của trào lưu metrosexual được đón nhận nồng nhiệt và thậm chí còn tạo ra một khái niệm mới về vẻ đẹp nam giới “Đẹp như diễn viên Hàn Quốc”, thì tại Việt Nam, một người đàn ông lam đẹp lại phải chịu những ánh mắt không mấy thiện cảm.
 
Trên thực tế, bên cạnh những quy chuẩn khô cứng và lỗi thời, thì xu hướng nhìn nhận theo kiểu double-standard (tiêu chuẩn kép) có thể được xem như rào cản lớn nhất giữa giới đàn ông hiện đại ở Việt nam và sự lan tỏa của xu hướng metrosexual. Từ phim ảnh cho đến đời thực, hình tượng “đàn ông làm đẹp” của cánh mày râu nước ngoài luôn có xu hướng được đón nhận một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
 
Chúng ta có thể kể đến chàng cung thủ tiên tộc Legolas do Orlando Bloom thủ vai trong loạt phim huyền thoại Chúa tể những chiếc nhẫn luôn khiến khán giả phải ngẩn ngơ bởi khuôn mặt không góc chết, mái tóc bạch kim dài thượt cùng làn da trắng sáng, hay một Johnny Depp luôn xuất hiện cùng phong cách thời trang sành điệu, điểm xuyến bởi các món trang sức như nhẫn bạc, bông tai hay thậm chí là đôi mắt được kẻ mascara, và không thể quên đi đại diện tiêu biểu cho trào lưu metrosexual là David Beckham.
 
Gần như tất cả mọi người đều phải tấm tắc ít nhiều trước vẻ đẹp của những cái tên kể trên, và không một ai có thể phủ nhận được sự nam tính của họ, dù cho họ có một làn da láng mịn, họ có đeo những đôi bông tai lấp lánh hay sở hữu một mái tóc được trải chuốt đến từng sợi. Thế nhưng, vì sao khi đàn ông Việt Nam, thậm chí là giới nghệ sĩ, bắt đầu dành nhiều sự chú ý hơn đến bề ngoài bản thân, họ lại phải nhận về những ý kiến trái chiều và thậm chí là bị gán cho những từ ngữ rất không hay như “bê đê” hay “ẻo lã” ?
 
Đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận, làm đẹp không phải là một đặc quyền của phụ nữ hay của những chàng gay mà là một nhu cầu chính đáng cho tất cả mọi người, bất kể giới tính nào. Một vẻ ngoài chỉnh chu có thể giúp đánh bật lên cá tính cũng như tăng lên sự tự tin của bạn, qua đó có thể tạo ra những ấn tượng tốt đẹp trong giao tiếp hằng ngày, từ đi làm, gặp gỡ bạn bè cho đến các cuộc hẹn hò và cả những cuộc gặp gỡ liên quan đến công việc như: phỏng vấn hay họp với đối tác, vân vân. Không ai có thể phủ nhận việc một chàng trai với trang phục chỉnh tế từ quần áo đến một đôi giày sạch sẽ, vẻ ngoài sáng sủa và tóc tai gọn gàng luôn dễ gây được thiện cảm hơn rất nhiều so với một anh chàng với phong cách luộm thuộm, quần jean thùng thình, dép lê và mái tóc rối bù.
 
Câu chuyện đàn ông làm đẹp bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau, từ quá trình tập gym, tuân theo chế độ ăn uống giúp đảm bảo tỉ lệ cơ và mỡ phù hợp, có một sự quan tâm nhất định đến phong cách thời trang, cho đến trải chuốt tóc tai hay sử dụng những sản phẩm chăm sóc để đảm bảo một làn da khỏe khoắn. Có thể thấy, trào lưu metrosexual không hề làm giảm đi sự nam tính của đàn ông hiện đại, mà trái lại, nó còn giúp những chàng trai thế hệ mới trở nên thời thượng và thanh lịch hơn. Cái thời của những gã đầu húi cua, quần áo xộc xệch với chiếc bụng bia cùng làn da đen xạm đã qua từ rất lâu rồi. Ở thời đại mới, đàn ông “chuẩn man” là phải đẹp một cách chỉnh tề, dù là bạn đang ưa thích vẻ đẹp unisex của Hàn Quốc, sự lịch lãm của một quý ông hay vẻ ngoài phong trần, lãng tử.
 
Từ trước đến nay, luôn có một sự tranh cãi dài hơi trong xã hội Việt Nam. Đã không ít lần, cánh mày râu Việt Nam chỉ trích chị em phụ nữ vì xu hướng hâm mộ cuồng nhiệt những nghệ sĩ nước ngoài, đặc biệt là những ngôi sao Hàn Quốc với một vẻ đẹp mà theo các anh là “không được nam tính”. Tuy nhiên, nhìn nhận công tâm thì sự ái mộ đó là một minh chứng cho thấy sức hút từ những chàng trai biết quan tâm đến bề ngoài của mình, cũng như lợi thế của việc đàn ông làm đẹp. Ai cũng thích thế giới quan của mình được tô điểm bởi những thứ đẹp đẽ. Thế nên, liệu có công bằng không khi chúng ta trách chị em phụ nữ chỉ vì họ biết trân trọng cái “đẹp”, trong khi chính chúng ta lại quá vô trách nhiệm với người nhìn. Và ở đây tôi muốn nói thêm, hãy bỏ qua định kiến mà nhìn thẳng vào vấn đề để công nhận, so sánh giữa một người đàn ông dị tính ăn vận lôi thôi và một người đàn ông đồng tính biết chải chuốt vừa phải và sạch sẽ, ai sẽ mang lại sự cuốn hút thị giác hơn?
 
Đàn ông làm đẹp không phải vì anh ta “ẻo lã”, yếu đuối hay muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý mà là vì anh ta ý thức được trách nhiệm với bản thân cũng như với những người đối diện với mình. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng nếu lớp nước sơn không tạo được ấn tượng tốt thì liệu có ai bỏ thời gian để xem gỗ có tốt không?
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC