Thế giới đàn ông

Cách để trở thành một người bố hoàn hảo


Nếu bạn là một người bố, hoặc chuẩn bị là một người bố trong tương lai và bạn đang đọc những dòng này trên Menback, tôi tin chắc rằng bạn là người quan tâm tới việc chăm sóc con cái và hiểu được tầm quan trọng của vai trò người bố trong việc nuôi dạy con cái. Bạn cảm thấy bối rối vì không biết mình phải làm gì cho đúng ư? Đừng lo, bài viết này sẽ giúp bạn trở thành một người cha tốt.
 
 
Đàn ông Việt hiện đại đừng ngại chăm con

Lúc Andi mới sinh, mỗi buổi sáng tôi thường bế con ra đứng trước cửa nhà phơi nắng. Có lần, cô hàng xóm thấy cảnh đó đã cảm thấy hết sức bất ngờ vì hai lần sinh con, chồng cô đều không nhúng tay gì vào việc chăm sóc con cho đến khi con lớn. Chồng cô, một công chức nhà nước, ngoài việc đi làm ở cơ quan về thì thời gian còn lại ở nhà lên mạng lướt web xem phim, chơi game hoặc đi nhậu với bạn bè bỏ hết việc chăm sóc nhà cửa và con cái cho vợ. Tối nào con khóc không ngủ là chồng cô lại bực tức đánh con và chửi vợ về cái tội dỗ con mà cũng dỗ không xong làm mất giấc ngủ của anh ta. Hiện tại hai bé nhà hàng xóm đang học tiểu học và việc đưa đón con mặc nhiên là bổn phận của người mẹ. Hôm nào mẹ bận thì con tự đón xe ôm về, cho dù bố có rảnh rỗi nằm nhà xem TV đi nữa thì cũng khó mà nhờ bố đón giùm.

Tôi biết chồng cô không phải là người đàn ông Việt Nam duy nhất nói không với việc chăm con mà có một bộ phận không nhỏ đàn ông Việt Nam đều như thế. Tôi đã gặp nhiều ông bố Việt Nam mặc dù có hai ba con nhưng vẫn chưa từng làm qua những việc như thay tã, bế con hay cho bé bú bình. Nhiều ông bố thà thời gian rảnh để đi cafe với bạn hoặc lên mạng chơi game nhưng không hề phụ vợ chăm con vì cho rằng việc đó không phải là việc của đàn ông làm. Nếu phải bắt buộc phải chăm con thì họ mặt nặng mày nhẹ chì chiết cả vợ lẫn con như thể con không phải là con ruột của mình. Không ít lần tôi từng chứng kiến trong những quán cafe hoặc ăn sáng, người vợ phải loay hoay với hai đứa con nhỏ vừa đút vừa dỗ cho từng đứa ăn trong khi ông chồng ngồi thảnh thơi vừa ăn sáng vừa chúi đầu vào điện thoại. Với lý do phải bận đi làm kiếm tiền về lo cho gia đình hoặc chuyện chăm con là chuyện của phụ nữ, rất nhiều người đàn ông Việt Nam đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con cái khi còn nhỏ cho mẹ và bà mà không chịu chia sẻ. Và khi con mình phạm lỗi hoặc khó dạy thì họ lại lặp lại câu đổ thừa kinh điển “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” với vẻ vừa bực dọc vừa mỉa mai nhưng hoàn toàn không hề có một chút đắn đo suy nghĩ rằng trách nhiệm của người cha ở đâu trong chuyện này.

Trong sáu năm sống ở Mỹ, tôi thấy hầu hết các ông bố Mỹ đều chăm con rất khéo. Khác với ở Việt Nam khi bà nội hoặc bà ngoại sẽ góp phần vào việc chăm sóc cháu, các cặp vợ chồng phương Tây thường phải chăm sóc con một mình mà không có ông bà hay người giúp việc bên cạnh. Vì thế đàn ông phương Tây đều mặc định việc chăm sóc con là trách nhiệm của mình chứ không phải chỉ riêng gì của vợ. Chẳng những biết thay tã, tắm rửa, pha sữa, khuấy bột, dỗ con ngủ…các ông bố Tây còn rất giỏi trong việc dỗ con nít khóc hoặc bày trò chơi với con. Ở các công viên hoặc khu vui chơi trẻ con của các nước phương Tây, không hề hiếm thấy hình ảnh những ông bố Tây to đùng râu ria xồm xoàm thậm chí xỏ khoen, xăm trổ đầy mình nhưng lại bày đủ trò ngớ ngẩn để chơi đùa với con nhỏ. Tôi đã từng chứng kiến những ông bố Mỹ còn kiên nhẫn hơn vợ trong việc dụ con ăn hoặc dỗ cho con nín khóc. Họ làm tất cả những điều đó hết sức tự nhiên và với một sự tự hào không giấu diếm chứ không hề cảm thấy ngượng ngùng khó chịu.

Sở dĩ có sự khác biệt lớn trong trách nhiệm làm cha của bố Tây và bố Việt chính là do truyền thống trọng nam khinh nữ của tư tưởng Khổng Nho vốn đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của biết bao nhiêu thế hệ người Việt từ bao đời. Một bé trai khi ra đời đã được xem là bảo vật trong gia đình và nghiễm nhiên được miễn đụng tay tới những việc được xem là của phụ nữ như chuyện nhà, chợ búa bếp núc. Khái niệm thông cảm và chia sẻ những nỗi cực nhọc của những người phụ nữ trong nhà như mẹ, chị…gần như không tồn tại trong cuộc sống của những bé trai mà ngược lại những gì các em thấy là người mẹ quán xuyến hết tất cả mọi việc trong gia đình kể cả nuôi dạy con cái còn bố mình thì phần lớn ngồi không để vợ phục vụ sau giờ đi làm về. Trong thế giới quan của những bé trai này, việc nhà cửa bếp núc và chăm sóc con cái mặc nhiên là trách nhiệm của người phụ nữ.

Còn đối với các bé gái, chính những người phụ nữ trong gia đình như bà và mẹ đều dạy con gái rằng thiên chức và hạnh phúc của người phụ nữ là phục vụ cho chồng cho con còn công việc của người đàn ông là kiếm tiền về lo cho gia đình. Việc đẻ con, chăm con và dạy con mặc nhiên là bổn phận và trách nhiệm của người mẹ chứ không phải người bố. Một khi người chồng muốn chia sẻ công việc nhà hoặc chăm sóc con cái với vợ thì chính mẹ chồng sẽ can thiệp trực tiếp hoặc cạnh khóe bóng gió con trai mình yếu đuối sợ vợ khiến cho người con trai đôi khi vì áp lực của mẹ mà bỏ cuộc.

Người đàn ông Á Đông truyền thống còn được dạy là phải cứng rắn với con chứ không được thể hiện sự thương yêu “yếu đuối” như đàn bà đối với con cái. Thay vì cho phép mình được gần gũi và vui vẻ với con cái, người bố Việt Nam phải xây dựng cho mình một hình tượng lạnh lùng và nghiêm khắc với mỗi lời nói với con là một mệnh lệnh và sẵn sàng sử dụng bạo lực để trừng phạt con khi chúng không nghe lời. Hình ảnh ông bố “dữ đòn” khiến con sợ phổ biến hơn trong truyền thống giáo dục gia đình Việt Nam hơn là hình ảnh ông bố vui tính và thân thiện với con cái.

Trong khi đó, xã hội phương Tây coi trọng quyền bình đẳng giới nên các cậu bé trai luôn được dạy làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ từ bé. Khi lớn lên, thanh thiếu niên phương Tây thường sống tự lập tách rời khỏi sự bảo bọc của cha mẹ nên họ có một thời gian dài học cách chăm sóc bản thân mình và nếu có sống chung với người yêu, họ sẽ học cách chia sẻ trách nhiệm và chăm sóc cho nhau. Muốn ra sống riêng với người yêu, điều đầu tiên các anh cần phải biết là chia sẻ công việc với đối phương vì không có cô gái nào yêu mù quáng tới mức rước một gã gia trưởng vào sống chung để bản thân mình trở thành ô-sin hầu hạ.

Các bà mẹ chồng phương Tây cũng sẽ cảm thấy xấu hổ nếu con trai mình lười nhác việc nhà hoặc đối xử gia trưởng với vợ vì họ xem đó là thiếu sót trong việc dạy con của mình khi xưa. Hơn nữa khái niệm dạy con bằng đòn roi nghiêm khắc hoặc phải làm cho con sợ để con nghe lời cũng đã không còn hợp thời với cách giáo dục hiện đại của người phương Tây mà thay vào đó là việc người cha phải dịu dàng, thân thiện và tâm lý đối với con cái mình. Hình ảnh ông bố “dữ đòn” hoặc lớn tiếng quát nạt con cái chẳng những khiến người đàn ông mất điểm trầm trọng trong cách nhìn của xã hội mà còn có thể dẫn tới những phiền phức về mặt pháp luật thậm chí mất quyền nuôi con nếu những hành vi đánh đập con cái bị tố cáo là bạo hành.

Những lợi ích quan trọng trong việc chăm sóc con cái của người đàn ông
Việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con cái với vợ không đơn thuần chỉ là một việc mà cánh đàn ông nên làm mà nó còn mang lại nhiều lợi ích vô cùng quan trọng đối với người đàn ông. Nếu bạn chưa từng nghĩ tới những lợi ích này thì đây chính là lúc bạn nên tham khảo chúng một cách nghiêm túc.

1. Thắt chặt tình cảm vợ chồng:
 
Những người đàn ông không chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái với vợ thường có khuynh hướng coi thường những việc “phụ nữ”. “Có mỗi việc trông con mà làm cũng không xong” là câu nói cửa miệng của họ vì cho rằng đi ra ngoài kiếm tiền mới khó. Những người đàn ông này cũng thường có khuynh hướng ngoại tình cao hơn nhất là trong những lúc người vợ vì quá mệt mỏi với việc chăm sóc con cái mà lạnh nhạt trong chuyện chăn gối với chồng. Trong khi đó, những người đàn ông chia sẻ trách nhiệm chăm con với vợ thường sẽ thương yêu và thấu hiểu sự cực khổ của vợ hơn và cũng ít có khuynh hướng ngoại tình hơn. Bạn tôi, một người đàn ông thành đạt và có địa vị xã hội nhưng vẫn chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con nhỏ với vợ, đã tâm sự rằng anh không thể ngoại tình mặc dù có rất nhiều chân dài vây quanh vì anh cảm thấy điều đó thật ích kỷ và có lỗi với vợ và con mình.

2. Thắt chặt tình cảm đối với con cái:
 
Các nghiên cứu về gia đình ở phương Tây đều chỉ ra rằng mối quan hệ cha con của những ông bố dành trên 1 tiếng đồng hồ một ngày để chơi đùa và dạy con học tốt hơn hẳn những mối quan hệ cha con của những ông bố thường xuyên vắng nhà hoặc không thường xuyên chơi đùa cùng con. Những đứa trẻ thường xuyên tương tác với cả bố lẫn mẹ có khuynh hướng gắn bó với gia đình, kính trọng cha mẹ và ít dành thời gian chơi game, xem tivi hoặc giao du với bạn bè xấu hơn. Khi lớn lên, các bé trai sẽ có khuynh hướng chăm sóc gia đình tốt như bố còn các bé gái sẽ có khuynh hướng chọn những người chồng tử tế giống như bố mình.

3. Được trở lại tuổi thơ một lần nữa:
 
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải làm người lớn và tiếc nuối những ngày tháng tuổi thơ vô tư của mình hoặc bạn muốn thực hiện những giấc mơ còn dang dở lúc còn bé thì việc chơi đùa và chăm sóc con sẽ là “cỗ máy thời gian” tốt nhất có thể đưa bạn trở về với thời thơ ấu một lần nữa. Việc chơi đùa với con mỗi ngày không những giúp cho bạn được sống lại những ký ức tuổi thơ của mình mà còn giúp cho bạn giảm bớt áp lực căng thẳng do công việc gây ra.

4. Cải thiện chỉ số trí thông minh cảm xúc (EQ) của người đàn ông:
 
So với phụ nữ, đàn ông thường được xem là thờ ơ, thiếu kiên nhẫn và thiếu tinh tế hơn trong việc nhận biết cảm xúc của người khác. Việc chăm sóc và chơi đùa với con cái sẽ giúp người đàn ông cải thiện được những nhược điểm này về trí thông minh cảm xúc (EQ). Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những người đàn ông dành thời gian để chăm sóc và chơi với con sẽ kiên nhẫn, nhạy cảm và ít nóng nảy hơn những người đàn ông không quen với việc giữ trẻ. Khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề ở những người đàn ông thường xuyên ở bên con cũng thấp hơn đáng kể so với những ông bố không chăm con. Một người đàn ông yêu trẻ con và biết làm việc nhà cũng được đánh giá là “lãng mạn” và “đáng tin cậy” hơn trong mắt của phụ nữ.

5. Giúp sống lâu hơn:
 
Một tin vui nữa cho những người bố dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc con cái là họ có khuynh hướng sống lâu và khỏe mạnh hơn những người đàn ông không chăm con vì họ có ý thức về sức khỏe cao hơn. Đàn ông trông con sẽ thường ít khi hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích vì họ ý thức được tác hại của những thứ đó đối với sức khỏe của bản thân và sức khỏe của con mình. Trách nhiệm làm cha cũng khiến cho những người đàn ông này lái xe an toàn hơn hẳn những ông bố không thường xuyên ở bên con mình.

6. Giúp con cái thành đạt và sống lành mạnh:
 
Cuối cùng những đứa trẻ được sự chăm sóc đầy đủ của cha lẫn mẹ sẽ có sức khỏe thể chất lẫn tinh thần tốt hơn hẳn những đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của người cha. Các bé trai gần bố nhiều sẽ mạnh mẽ, tự tin và có thành tích học tập tốt hơn những bé trai sống nhiều bên mẹ. Còn những bé gái lớn lên trong một gia đình có cha mẹ thương yêu nhau và có trách nhiệm sẽ có khuynh hướng ít quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên hơn. Con cái lớn lên từ những gia đình hạnh phúc với sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ cũng thường có quyết định đúng đắn hơn trong việc chọn bạn đời cũng như nuôi dạy con cái sau này.

Những việc đàn ông nên làm để trở thành một người bố tốt
 
Nếu bạn là một người bố, hoặc chuẩn bị là một người bố trong tương lai và bạn đang đọc tới những dòng này, tôi tin chắc rằng bạn là người quan tâm tới việc chăm sóc con cái và hiểu được tầm quan trọng của vai trò người cha trong việc nuôi dạy con cái. Bạn cảm thấy bối rối vì không biết mình phải làm gì cho đúng ư? Đừng lo, sau đây là những việc bạn có thể làm để trở thành một người cha tốt.

1. Quan tâm chăm sóc vợ khi mang thai:
 
Việc thể hiện trách nhiệm của một người cha phải được bắt đầu từ khi con bạn còn ở trong bụng mẹ. Một người phụ nữ từ lúc mang thai cho tới khi sinh con trải qua rất nhiều thay đổi về mặt thể chất lẫn tâm lý mà người đàn ông không thể nào hiểu được. Đó là còn chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn trong thời gian mang thai và khi vượt cạn. Chia sẻ việc nhà với vợ, chở vợ đi khám thai định kỳ, đưa đón vợ đi làm và nấu ăn bồi bổ cho vợ là những điều tối thiểu một người chồng có thể làm để chia sẻ với vợ những khó khăn khi mang thai và thể hiện tình yêu thương đối với đứa con chưa chào đời của mình.

2. Chia sẻ việc chăm sóc con cái với vợ:
 
Nếu vợ bạn vừa mới sinh cho bạn một thiên thần bé nhỏ, hãy chia sẻ công việc chăm sóc con cái với vợ mình chứ đừng dồn hết trách nhiệm nặng nề đó lên cho vợ. Đây cũng là cách bạn thể hiện tình yêu và sự biết ơn của mình đối với vợ. Đừng bảo rằng bạn không quen làm những việc chăm sóc trẻ con như pha sữa, thay tã, quấy bột… Việc tốt nghiệp đại học ra trường đi làm và phấn đấu vượt qua những thử thách trong công việc bạn còn làm được thì những chuyện chăm con chỉ là chuyện rất nhỏ. Điều quan trọng là bạn có muốn làm hay không mà thôi.

3. Dạy con cách cư xử của một “gentleman” đúng nghĩa:
 
Một đứa con trai có trở nên một người đàn ông đúng nghĩa khi trưởng thành hay không phụ thuộc rất lớn vào cách mà cha của cậu bé đó đã dạy con mình. Tương tự, một cô gái khi trưởng thành sẽ có khuynh hướng chọn cho mình một người chồng có những nét tương đồng với tính cách của bố. Là một người cha tốt, bạn hãy chú trọng việc dạy con cách thương yêu và tôn trọng phụ nữ qua việc thương yêu và tôn trọng mẹ của các con mình. Hãy dạy con mình sống có trách nhiệm với gia đình bằng cách đừng bê tha rượu chè hoặc suốt ngày bỏ mặc vợ con không về nhà. Nếu muốn dạy con làm việc nhà thì hãy làm gương cho con bằng cách chia sẻ việc nhà với vợ. Còn nếu muốn con cư xử như một cách văn minh, lịch sự thì người bố cũng phải không được cư xử bạo lực hoặc thô lỗ với vợ con.

4. Dạy con chơi thể thao:
 
Việc dạy con chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời gần như là một trách nhiệm không thể thiếu và cũng là sở trường của các ông bố. Có quá nhiều thứ để một người cha có thể làm với con mình từ việc tập cho con đi xe đạp, đá bóng, tập một môn võ thuật hay tập bơi. Cuối tuần thay vì nằm ườn ở nhà chơi điện tử, xem tivi hay đi nhậu nhẹt với bạn bè, hãy dẫn cả gia đình đi câu cá, dã ngoại hoặc tham gia các hoạt động hướng đạo ngoài trời. Các ông bố Tây thường làm rất tốt những điều này, còn các ông bố Việt chúng ta thì sao?

5. Dạy con làm những việc của “đàn ông”:
 
Là một người đàn ông, nếu bạn chê những công việc bếp núc hay dọn dẹp nhà cửa là chuyện của phụ nữ thì bạn phải làm tốt những công việc của đàn ông như sửa điện, nước, sửa xe, đóng đồ gỗ hoặc sửa sang những đồ gia dụng trong gia đình. Nếu bạn có con trai thì đừng quên dạy cho con mình những kỹ năng đó. Sẽ thật là bất công và vô lý nếu những chuyện phụ nữ thì bạn và con trai để cho vợ và mẹ gánh vác, còn những chuyện đàn ôn lẽ ra phải làm thì cha con bạn lại không biết làm mà phải thuê người ngoài vào làm thế.

6. Dạy con những kỹ năng xã hội cần thiết:
 
Một đứa trẻ trưởng thành vào đời cần nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sống hơn là những thành tích ở trường học hay tấm bằng đại học. Và điều đáng tiếc là nhà trường lại không phải là nơi cung cấp cho con bạn những điều này. Là một người cha, đây là những cơ hội tốt để bạn dạy cho con mình những kỹ năng thiết thực để con bạn vào đời từ khi con bạn còn đang ngồi ghế nhà trường như kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng chọn bạn mà chơi, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cũng như kỹ năng quản lý thời gian của con. Hãy giúp con bạn hiểu rõ về những sở trường và sở đoản của bản thân cũng như giúp con định hướng ngành học trong tương lai khi bé chuẩn bị vào đại học.

7. Giáo dục giới tính:
 
Việc giáo dục giới tính cho con cái ở tuổi dậy thì chưa bao giờ là một điều dễ dàng nhưng lại hết sức cần thiết đối với những bậc phụ huynh. Khi con bạn bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý, hãy là người bạn lớn của con để nghe con tâm sự thay vì cấm đoán vô lý. Nếu bạn có con trai, hãy dạy con những kiến thức về giới tính và an toàn tình dục mà người đàn ông phải để con bạn biết bảo vệ bản thân cũng như bạn gái của mình. Nếu bạn có con gái, hãy phối hợp với vợ bạn dạy cho con cách bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ quấy rối tình dục và cách nhận biết những thể loại đàn ông tồi tệ luôn tìm cách giăng bẫy dụ dỗ những cô gái trẻ ngây thơ.

8. Dạy con những vấn đề thường thức tự nhiên, kinh tế và chính trị xã hội:
 
Một trong những sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái là cấm con thắc mắc “những chuyện linh tinh” ngoài bài vở trong trường. Nếu con bạn tò mò ham thích học hỏi, hãy xem đó là một điều may mắn và hãy cố gắng để học hỏi để trả lời những câu hỏi của con bạn ở các lĩnh vực. Khi con bạn còn nhỏ, hãy cùng con đọc sách hoặc xem những bộ phim khoa học về thế giới động vật hoang dã, vũ trụ, lịch sử loài người hoặc kể cho con nghe những câu chuyện về những danh nhân thế giới. Khi con bạn ở độ tuổi trung học hoặc đại học, hãy thường xuyên cùng con bàn luận những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình hình kinh tế chính trị xã hội trong và ngoài nước. Để làm được điều này, những ông bố cần phải luôn học hỏi để mở rộng hiểu biết của mình trong mọi lĩnh vực. Một ông bố giỏi giang hiểu biết rộng luôn là niềm tự hào lớn của con cái, đặc biệt là các cậu con trai, hơn là những ông bố giàu có hoặc chức cao.

9. Định hướng thẩm mỹ về nghệ thuật cho con:
 
Các nghiên cứu về tâm lý giáo dục học chỉ ra rằng, con cái chịu ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ từ bố nhiều hơn từ mẹ. Một người bố có nhiều tài lẻ hoặc có “gu” về nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh sẽ là một lợi thế vô cùng to lớn trong việc nuôi dạy con cái trở thành một người đa tài đa năng sau này. Hãy nhớ rằng một quyển sách bạn đọc cùng con, một bộ phim bạn xem cùng con hoặc thậm chí một bài hát bạn nghe cùng con bạn cũng góp phần định hình phát triển thị hiếu thẩm mỹ của con bạn. Con bạn không cần phải là một Mozart hay Picasso, nhưng việc sau này khi chúng lớn lên với một thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật tốt cũng là đã khiến đời sống tinh thần của chúng tuyệt vời và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Đã đến lúc các ông bố Việt Nam hiện đại nhận thức được rằng cách làm cha theo kiểu giao hết trách nhiệm cho vợ và dùng roi vọt để dạy con là quá lỗi thời và sai trái mà hãy mạnh dạn thay đổi quan niệm về trách nhiệm của mình. Tất nhiên các anh có thể viện đủ trăm thứ lý do nếu không muốn thay đổi, nhưng cho dù là lý do gì cũng vậy, việc né tránh làm tròn trách nhiệm làm cha chỉ làm gây tổn hại tới sự phát triển tâm sinh lý của con và có ảnh hưởng xấu đối với mối quan hệ cha con vì tình cảm cha con, cũng như tất cả những thứ tình cảm khác, không thể ép buộc mà phải được vun đắp hàng ngày bằng những hành động thiết thực.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC