Thế giới đàn ông

Bài tập kéo dây rèn thể lực của cầu thủ U23 Việt Nam


Với bài tập kéo dây đôi, nhiều cầu thủ phải nằm ra sân lấy sức giữa các động tác.
 
 
Sáng 12/3, đội tuyển U23 Việt Nam tập luyện cho vòng loại U23 châu Á 2020, diễn ra từ ngày 22 đến 26/3. Đối thủ của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-Seo lần lượt là Brunei, Indonesia, Thái Lan.

Để tăng thể lực phần thân trên cơ thể, các cầu thủ thực hiện liên tiếp bài tập kéo dây. Cường độ tập liên tục 2 buổi một ngày, mỗi buổi 90 phút đòi hỏi cầu thủ phải có sức bền. Nhiều người phải nằm ra sân lấy sức giữa các động tác. Trợ lý Lee luôn giám sát, đốc thúc từng cầu thủ trong buổi tập. 

Bài tập với dây đôi này được gọi là Strength training hay Resistance training, có tác dụng cải thiện thể chất nhờ luyện tập cơ bắp, dưới sức ép của ngoại lực để tăng "thể lực" - physical strength.

"Strength training" dựa trên nguyên lý cơ bắp phải vận động để vượt qua một lực đối nghịch, khiến cơ bắp phải co lại. Thường xuyên luyện tập "Strength training", các cơ bắp trở nên khỏe hơn và đặc hơn, giúp vóc dáng săn chắc.

Bài tập Strength training được thực hiện nhờ sử dụng nhiều loại lực kháng khác nhau bao gồm trọng lượng cơ thể, tạ (dumbbell, kettlebell), máy tập.

Bác sĩ thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (chăm sóc thể lực cho tuyển thủ bóng rổ Hà Nội và CLB Hanoi Buffaloes), cho biết loại dây đôi mà các vận động viên thể thao hay tập gọi là dây chun kháng lực, có tác dụng phát triển, duy trì sức mạnh từng bộ phận cơ thể nhất định. So với tập tạ thông thường, dây chun có thể dùng trong nhiều điều kiện khác nhau, kháng lực linh động tùy ý hơn, không bị ảnh hưởng bởi một lực kéo cố định như tạ.

Khi tập với dây đôi, vận động viên luôn phải chống lại lực kéo của dây. Nếu tập hai người thì lực kéo sẽ càng linh hoạt. Loại hình tập luyện này rất phù hợp với các môn thể thao đối kháng, khi vận động viên phải vận động với những phát lực khó đoán trước.

Theo bác sĩ Tuấn, không chỉ trong bóng đá mà nhiều bộ môn thể thao khác, vận động viên cũng tập luyện bài tập với dây đôi bởi nó mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tập với dây chun kháng lực giúp tăng khối lượng cơ. Càng có nhiều cơ thì mức trao đổi chất ở trạng thái nghỉ càng cao. Cơ bắp cần nhiều năng lượng để duy trì và hoạt động hơn nên nó sẽ khiến cơ thể đốt năng lượng hiệu quả hơn. Hơn hết, nó còn làm chậm lại quá trình mất cơ bằng việc tăng mật độ cơ và sức mạnh của chúng.

Tập với Strength training còn tăng khả năng oxy hóa mỡ của cơ, có ích cho việc giảm mỡ. Ngoài ra, nó còn phát triển nhóm cơ mang tính chất cân bằng (Stabilizers) và các nhóm cơ đối lập (Antagonists), từ đó tránh chấn thương.

"Bài tập này cực kỳ hiệu quả ở cả những người thường xuyên vận động cũng như ít vận động", bác sĩ Tuấn cho biết.

Ngoài rèn thể lực, những người có vấn đề về sức khỏe như bị bệnh tim, viêm khớp... rất phù hợp để tập với dây chun kháng lực.

(Tổng hợp nhiều nguồn)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC