Thế giới đàn ông

6 mẹo hay giúp làm dịu làn da cháy nắng


Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài là cách tốt nhất để ngăn ngừa làn da cháy nắng khó chịu. Nhưng nếu như bạn lỡ chìm vào giấc ngủ trên bờ biển đầy nắng, hoặc quên thoa kem chống nắng lên một điểm nào đó cũng đủ làm da bạn bị cháy nắng và tổn thương. Vậy đâu là những mẹo hay giúp làm dịu làn da cháy nắng?
 
 
Da cháy nắng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn cả vẻ ngoài đỏ ửng và bỏng rát của nó. Bất kì loại cháy nắng nào cũng gây tổn hại đến DNA trong tế bào da của bạn, dẫn đến đột biến gây ung thư da.
 
Vì vậy, sử dụng kem chống nắng đúng cách là chìa khóa. Nhưng nếu mọi chuyện đã lỡ, làm thế nào để xoa dịu cơn đau bỏng rát khó chịu ấy? Thực hiện theo 6 bước gợi ý sau để làm dịu làn da cháy nắng của bạn.
 
Che chắn cẩn thận bằng kem chống nắng
 
Nếu bạn đang ở ngoài trời và nhận thấy da mình đang trở nên nóng, đau hay chuyển sang màu đỏ thì đó là lời báo hiệu bạn nên vào trong nhà hoặc tìm cho mình một bóng râm để “trú ẩn”. Sau đó, hãy thoa kem chống nắng cho chỉ số SPF tối thiểu là 30 vì bạn vẫn có khả năng tiếp xúc với tia UV ngay cả khi bạn ở trong bóng mát.
 
Sẽ mất khoảng 15 phút để kem chống nắng được hấp thụ vào da. Nếu bạn muốn tiếp tục hoạt động ngoài trời của mình, hãy bổ sung cho cơ thể một ly nước mát trong thời gian chờ đợi kem chống nắng phát huy tác dụng. Trong trường hợp cơ thể bạn vẫn còn nóng rát, làm ướt một phần khăn bằng nước lạnh và chườm lên trán, hoặc đặt nhẹ lên vết bỏng.
 
Tắm mát để làm dịu da cháy nắng
 
Kết thúc cuộc chơi dưới ánh nắng mặt trời, hãy tắm nước mát để giảm cảm giác nóng rát. Nước mát cũng làm giảm lưu lượng máu dư thừa đến da, giúp giảm viêm và đỏ. Kiểm soát áp lực vòi sen ở mức thấp để không làm vỡ mụn nước và gây nhiễm trùng. Tốt hơn, bạn có thể ngâm bồn cho đến khi da dịu lại, thêm một vài muỗng baking soda nếu có. Đảm bảo không ở trong bồn quá 20 phút để tránh khô da.
 
Nếu vết bỏng chỉ ở một phần nhỏ trên cơ thể của bạn, như khuôn mặt hoặc vai, chườm mát cũng là một phương án tốt. Chỉ cần lưu ý không chườm đá trực tiếp lên vết bỏng, điều này có thể gây tổn thương nặng hơn.
 
Dưỡng ẩm vùng da cháy nắng
 
Sau khi tắm, lau khô làn da cháy nắng nhạy cảm của bạn bằng cách thấm nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Trong khi làn da vẫn còn ẩm, thoa kem dưỡng ẩm có thành phần làm dịu như đậu nành hoặc nha đam. Đó là chìa khóa để làn da cháy nắng đỡ ngứa và được bù nước.
 
Với những vùng thực sự đau đớn, bạn nên bôi kem hydrocortisone OTC (dạng không kê toa) để giảm ngứa, đỏ và sưng. Và lưu ý, hãy tránh xa các loại kem có thành phần benzocaine, thành phần gây kích ứng da hoặc gây phản ứng dị ứng.
 
Sử dụng thuốc giảm đau
 
Nếu cảm thấy không thể chịu đựng được cơn đau, hãy dùng thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen. Chúng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn bằng cách chống viêm và giảm sưng.
 
Chăm sóc dài ngày
 
Trong vài ngày tới, tiếp túc giữ ẩm cho làn da bằng cách thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên. Chăm sóc và che chắn ánh nắng cẩn thận, làn da cháy nắng của bạn sẽ nhanh chóng hồi phục.
 
Nhớ uống thật nhiều nước, vì nó giúp bạn hydrat hóa làn da từ bên trong. Bạn có thể tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ cho đến khi cơn đau dịu đi.
 
Đừng gãi hoặc kích thích da
 
Mất khoảng một tuần để vùng da cháy nắng lành vết thương. Cố gắng không làm bất cứ điều gì gây khó chịu cho nó, bao gồm gãi, lột da bong tróc, chọc mụn nước, tẩy tế bào chết và chà xát mạnh. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng qua những vết trầy. Chọn quần áo chất liệu cotton mềm để tránh cho làn da nhạy cảm của bạn bị cọ xát và tổn thương.
 
Nếu vết bỏng của bạn không đỡ hơn sau một tuần, hoặc có các triệu chứng như đau nặng, phồng rộp, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp. Đến bác sĩ để được điều trị tốt nhất.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC