6 bí quyết giúp sẵn sàng trở lại làm việc sau Tết
Một tuần nghỉ Tết đã nhanh chóng trôi qua. Bất kể Tết đối với bạn là khoảng thời gian tuyệt vời nhất năm hay bạn chỉ là một trong những kẻ chạy trốn nó thì có một sự thật không thể phủ nhận rằng đây luôn là thời gian mà những biến động cảm xúc diễn ra mạnh mẽ ở tất cả mọi người. Và những tác động của kỳ nghỉ lễ dài ngày này lên bạn là không thể tránh khỏi, đặc biệt là những khó khăn bạn dễ dàng gặp phải trước khi có thể thích nghi lại với công việc.
Tất nhiên, thời gian thích nghi cho mỗi người là khác nhau. Có những người vô cùng nhanh chóng đã có thể bắt nhịp khi trở lại làm việc sau Tết, nhưng có thể ngồi ngay cạnh họ là một người bị tác động nghiêm trọng về mặt thể chất và tinh thần khi quay lại công việc sau nghỉ lễ.
Những khó khăn chính khi trở lại làm việc sau Tết chủ yếu bị tác động bởi giờ sinh hoạt thay đổi, môi trường sống thay đổi đối những người phải về quê hoặc ăn Tết, áp lực từ việc so sánh và những kỳ vọng, một chút hoang mang vì Tết luôn là khi người ta nói đến sự khởi đầu mới nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu. Và làm thế nào nếu bạn không yêu thích công việc hiện tại của mình? Có thể điều đó sẽ khiến bạn khó thích nghi lại với công việc hơn là những người yêu thích những gì họ đang làm.
Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn chấp nhận rằng kỳ nghỉ đã kết thúc và bắt tay trở lại làm việc sau Tết trong một trạng thái sẵn sàng và nhiều năng lượng nhất.
1. Quay trở lại lịch sinh hoạt cũ
Sau những ngày mà thời gian ngủ nghỉ và thói quen ăn uống thay đổi sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong việc quay trở lại lịch làm việc cũ. Hãy ngủ sớm vào đêm hôm trước để đảm bảo cho mình một buổi sáng đầu tiên đi làm của năm không bị vội vã, tốt hơn hết là nên đến sớm hơn vì điều đó sẽ khiến bạn thấy sẵn sàng và thoải mái hơn.
Ngoài ra vào ngày hôm trước bạn có thể chuẩn bị trước bữa trưa cho ngày làm việc đầu tiên hoặc chốt kèo ăn trưa với một người bạn mà bạn mong muốn được gặp.
2. Tận hưởng bầu không khí Tết còn sót lại và chấp nhận rằng chúng đang qua đi
Hầu hết công ty đều dành thời gian cho những sự kiện lì xì và chúc tụng đầu năm, hãy tận hưởng những hoạt động chào hỏi đầu năm ấy bởi nó sẽ cho bạn thấy rằng không có gì phải vội cả. Và khi trở lại làm việc hãy luôn nhớ rằng chậm thì chắc, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất khi trở lại làm việc sau Tết như sắp xếp lại bàn làm việc và chuẩn bị cho mình một chai nước lọc bên cạnh.
Trong trường hợp bạn đang làm việc tự do hay mới nghỉ việc và có dự định tìm công việc mới sau Tết. Cũng đừng quá gây áp lực cho bản thân bằng việc lao vào làm hay tìm việc hoặc thực hiện các mục tiêu ngay lập tức kể cả khi bạn quá phấn khích để bắt đầu. Thưởng cho mình một tách trà hay một ly cà phê, một bản nhạc hay bất cứ thứ gì mà bạn thích ngoài công việc sau đó mới bắt đầu làm việc một cách tập trung và từ tốn.
3. Chuẩn bị một danh sách những việc cần thực hiện trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau Tết
Có lẽ bạn sẽ muốn làm một danh sách những định hướng lớn hơn cho cả năm nhưng có lẽ ngày đầu tiên khi phải thích nghi lại với môi trường làm việc thì một vài mục tiêu nhỏ sẽ giúp tinh thần bạn ổn định và tập trung hơn. Những ý tưởng lớn sẽ khiến bạn bị phân tán, mơ mộng và sau cùng có thể bạn sẽ không đạt được thành quả nào trong ngày đầu tiên làm việc bởi bạn đã để trí tưởng tượng đi quá xa. Hãy đặt ra mục tiêu nhỏ và tạo cho mình một sản phẩm công việc nhỏ cho ngày làm việc đầu tiên.
4. Sẽ thế nào nếu như bạn không yêu thích công việc hiện tại của mình hoặc đã nghỉ việc và mông lung trong việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân?
Đây có lẽ là một vấn đề khá lớn mà không ít người gặp phải. Và đặt trong bối cảnh sau Tết chắc chắn bạn không hề muốn nghĩ đến việc phải quay lại làm công việc mà mình không yêu thích hay hoang mang về những định hướng tương lai.
Hãy dành thời gian trước ngày đi làm lại hoặc với những bạn đã nghỉ việc thì cũng hãy cho mình một mốc thời gian tự làm việc tại nhà (hoặc coworking space) tương tự như những người khác.
Tập trung vào bản thân và viết lại những gì bạn nghĩ về mình, về nơi mà bạn đang thuộc về và nơi mà bạn kỳ vọng sẽ thuộc về, những kỹ năng mà bạn có và những điều bạn muốn có. Trong lúc này bạn càng cần phải thực sự quan tâm đến bản thân thay vì bỏ bê và tự trách móc mình. Có thể bạn phải chấp nhận rằng mình đang không biết thứ mình thực sự muốn. Vậy hãy đặt mục tiêu học tập những kiến thức và kỹ năng cần có cho hầu hết các ngành nghề như: ngoại ngữ, những kiến thức về tâm lý học ứng dụng, sáng tạo,…
5. Đối diện với những công việc còn tồn đọng từ năm cũ
Không phải cứ một năm qua đi là mọi thứ lại được làm mới lại từ đầu. Có rất nhiều việc còn tồn đọng từ năm cũ đang chờ bạn giải quyết. Đôi khi nó là một dự án lớn nhưng có thể nó chỉ là một mục tiêu nhỏ đang thực hiện dở dang mà bạn hoàn toàn có thể lảng tránh chúng để làm lại một danh sách những mục tiêu khác. Nhưng lời khuyên cho bạn là tâm thế của một người cho rằng mọi thứ cần được làm mới là không phù hợp trong hoàn cảnh này, nó sẽ chỉ khiến những năm sau của bạn rơi vào trạng thái tương tự.
Hãy đối diện với quá khứ và những gì còn đang tồn đọng, sẵn sàng bắt đầu công việc đầu tiên trong ngày đầu tiên đi làm bằng cách làm nốt những gì còn đang dang dở. Điều đó sẽ giúp bạn khỏi phải bỡ ngỡ bởi một khởi đầu mới toanh và đồng thời bạn cũng sẽ ý thức được rằng ngày hôm nay chỉ là một sự tiếp tục, không có gì phải căng thẳng cả.
6. Hãy chia sẻ và thành thật
Bạn không phải là người duy nhất phải chịu đựng những khó khăn khi tiếp tục công việc vào những ngày đầu tiên của năm mới. Nếu có ai đó mà bạn tin tưởng rằng họ có thể lắng nghe bạn thì hãy chia sẻ với họ. Hoặc nếu việc bắt đầu công việc vào năm mới tồi tệ đến mức ảnh hưởng quá lớn tới bạn và bạn không thể chia sẻ được với ai thì hãy tìm đến những dịch vụ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp.
Và có thể có những công việc mà bạn chưa sẵn sàng để giải quyết nhanh chóng ngay được, hãy thành thật về điều đó với sếp của bạn để có thể thảo luận vào đưa ra giải pháp.
Tổng hợp nhiều nguồn
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016