Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thiếu ngủ?
Nếu bạn vẫn cảm thấy ổn dù ngủ ít, thì đó là do bạn không biết mình sẽ tuyệt thế nào nếu ngủ đủ nhiều thôi.
Thế giới tồn tại một chứng bệnh hiếm gặp mang tên “mất ngủ đến chết” (fatal insomnia). Người bệnh từ lúc xuất hiện những triệu chứng ban đầu như suy giảm trí nhớ, khó ngủ, mất ngủ hẳn… cho đến lúc tử vong kéo dài từ vài tháng đến hơn năm. Tất cả những gì họ có thể làm khi biết mình mắc bệnh là chờ đợi trong sự bất hạnh và đau khổ. Vì cho đến nay, chưa có bất kỳ thuốc hay phương pháp chữa trị nào cho fatal insomnia.
Rất may là chứng bệnh này tương đối hiếm gặp, mỗi năm cứ 1.000.000 người mới có 1 người mắc. Chúng ta, những người vốn luôn tiếc việc đi ngủ mỗi tối (và lại tiếp tục tiếc vì ngủ quá ít vào sáng hôm sau), nên cảm thấy may mắn vì vẫn còn khả năng thiêng liêng này.
Ngủ là hành động cực kỳ tuyệt vời, đến mức khó hiểu. Giới khoa học suốt nhiều thập kỷ, sau khi đã đưa con người ra khỏi vũ trụ lẫn đi xuống mặt nước, vẫn chưa thể tìm ra đáp án cho câu hỏi: rốt cuộc chúng ta ngủ để làm gì?
Xét ở phương diện tiến hóa, việc ngủ là một bất lợi. Việc để não rơi vào tình trạng “ngoại tuyến” tạm thời có thể đưa con người vào tình huống gặp nhiều rủi ro như bị thú dữ hoặc chính đồng loại của mình tấn công. Cơ chế buồn ngủ cũng khiến việc đi săn gặp nhiều bất lợi.
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc ngủ giúp não bộ thanh lọc lại chính mình, loại bỏ tạp chất sau một ngày mệt mỏi. Điều này không sai, nhưng vẫn chưa thể khẳng định đây là mục đích cuối cùng của việc ngủ.
Việc nghiên cứu giấc ngủ đến nay vẫn gặp nhiều bế tắc, vì (1) người ta không thể đi sâu, “tham quan” hay tìm hiểu cơ chế não bộ của tình nguyện viên lúc họ ngủ và (2) việc đo xem khi ngủ vùng não nào hoạt động mạnh, vùng nào hoạt động yếu hay lượng chất nào tăng, chất nào giảm… không những không giúp sáng tỏ về giấc ngủ mà còn khiến giấc ngủ trở nên phức tạp và khó hiểu hơn.
Do đó, phần lớn nghiên cứu về giấc ngủ hiện nay tập trung vào chứng mất ngủ. Bạn có thể thử bằng cách tìm từ khóa “study about sleep ncbi”, phần lớn kết quả trả ra đều về tác hại của việc thiếu ngủ, mất ngủ… và những nghiên cứu đại loại vậy. Như đã từng có nghiên cứu cho thấy động vật như chuột sẽ chết nếu mất ngủ từ 2-3 tuần. Còn ở người, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở chuyện biết rằng nếu người khỏe mạnh bị tước quyền ngủ trong 24h, họ sẽ gặp ảo giác hoặc có những triệu chứng giống với tâm thần phân liệt.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thiếu ngủ?
Trước khi đi tiếp đến phần sau, tôi nghĩ rằng bài này sẽ khá buồn ngủ, và đó là dấu hiệu tốt. Đã lâu rồi chúng ta đã không thật sự cư xử tử tế với giấc ngủ của mình, nếu không muốn nói là có phần ngược đãi nó. Thế nên sẽ rất vui nếu bài viết này giúp bạn dễ ngủ hơn.
Theo CDC, ở Mỹ cứ 3 người thì có 1 người thiếu ngủ, con số này có thể không chênh lệch nhiều với số liệu quốc tế. Việc thiếu ngủ có thể khiến chúng ta trở nên:
1. Thiếu ngủ sẽ khiến bạn dễ bị tổn thương hơn
Trên ngắn hạn, việc thiếu ngủ khiến chúng ta bị mất tập trung, rối loạn cảm xúc và rối loạn tâm trạng (dễ chán nản và bực tức), thiếu hụt nhận thức, giảm trí nhớ và hiệu suất hoạt động… Còn ở dài hạn, thiếu/mất ngủ được cho là có liên quan đến tăng huyết áp, rối loạn mỡ trong máu, bệnh tim mạch, các vấn đề liên quan đến cân nặng, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường týp 2 và ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cũng tăng ở nam giới bị rối loạn giấc ngủ.
Việc ngủ có liên quan mật thiết đến giảm cân, vì khi thiếu ngủ, cơ thể tiết ra một số chất kích thích sự thèm ăn, trong khi ngăn cản tiết ra một số chất ức chế sự thèm ăn. Do đó việc thức khuya thường đi kèm với thèm ăn khuya (việc ăn khuya, bản thân nó cũng cực kỳ có hại), và buồn ngủ ban ngày cũng kéo theo chứng buồn miệng.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở nam giới bị rối loạn giấc ngủ cao hơn vì những hoạt động liên quan đến vận hành máy móc hay yêu cầu sự tập trung như lái xe thường xảy ra tai nạn liên quan đến giấc ngủ. Số vụ tai nạn do tài xế thiếu ngủ thậm chí còn nhiều hơn do say xỉn. Có một thuật ngữ gọi là “microsleep” (tạm dịch: chợp mắt), là những giấc ngủ ngắn kéo dài khoảng 30s mà các tài xế hay gặp phải, nhưng họ không hề biết là họ đã ngủ trong khoảng thời gian đó.
Nhưng dù “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” hay “thiếu ngủ có thể khiến bạn bị đủ thứ bệnh” là những sự thật không thể chối cãi, chúng vẫn không khiến chúng ta cảm thấy áy náy một chút nào cả. Vì đó là những sự kiện xảy ra trong tương lai xa.
Con người không được lập trình kỹ lưỡng để lo lắng cho tương lai xa vì tổ tiên chúng ta chỉ biết ăn, ngủ, làm tình và lặp đi lặp lại. Họ không có ý niệm về việc “bị bệnh tim trong 30 năm tới” (có khi họ còn chẳng sống lâu đến vậy). Nên những dự báo về sức khỏe trong đâu đó vài chục năm tới, dường như không thể gợi lên bất kỳ cảm xúc nào dù chúng có thật.
2. Ngủ ít khiến bạn trông kém hấp dẫn
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã dùng hình ảnh của các tình nguyện viên bao gồm hình chụp họ khi ngủ đủ giấc và khi thức liên tục hơn 1 ngày. Những bức ảnh này sau đó được đưa cho những người khác nhận xét, đánh giá. Kết quả cho thấy mọi người đánh giá những bức ảnh khi thiếu ngủ là kém khỏe mạnh, thiếu sức sống và thiếu hấp dẫn hơn so với những bức ảnh ngủ đầy đủ.
Bạn sẽ nghĩ rằng tất nhiên những người da tái, mắt thâm, tóc tai phờ phạc do thiếu ngủ sẽ trông kém hấp dẫn hơn những khuôn mặt tươi tắn. Nhưng hình chụp không thể hiện rõ những biểu hiện trên, thậm chí gần như khó phân biệt (có thể tự kiểm chứng ở link nghiên cứu bên dưới phần bình luận). Có lẽ tiến hóa đã giúp chúng ta né tránh những khuôn mặt thiếu ngủ do yếu tố sinh học (vốn có liên quan đến hàng loạt bệnh tật như đã đề cập ở trên) và xã hội (loại người tiền sử nào lại thiếu ngủ cơ chứ?).
Thế nên, thiếu ngủ không những khiến mắt bạn thâm, da bạn tái mà chúng còn khiến bạn trông kém hấp dẫn và thiếu sức sống từ ngay cả khi chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào.
Có thể bạn sẽ bảo rằng, oh, mình không cần sự xinh đẹp được đánh giá cao bởi người khác, mà tập trung đến vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ hơn?
3. Thiếu ngủ còn khiến bạn ngu đi
Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu ngủ có thể khiến suy giảm nhận thức, trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định – đối với cả thiếu ngủ ngắn hạn lẫn dài hạn. Nghiên cứu khác cụ thể hơn, cho thấy sinh viên y khoa thiếu ngủ dẫn đến kết quả thi cử kém hơn, đặc biệt với những trường hợp thiếu ngủ những ngày trước thi.
Nghiên cứu khác chỉ ra trong sinh viên nói chung, thiếu ngủ không những khiến tinh thần giảm sút, mà còn ảnh hưởng đến những hoạt động thể chất.
Thiếu ngủ cũng được chứng minh là có liên quan đến chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn tâm trạng/cảm xúc. Bản thân những chứng bệnh này lại khiến việc đi ngủ (thậm chí là sống) trở nên khó khăn hơn. Tâm lý bất ổn, chúng ta thậm chí không còn là bản thân nữa, chứ đừng nói đến chuyện là phiên bản thông minh của chính mình.
Chúng ta đều biết rằng việc thiếu ngủ không đem lại bất kỳ điều gì tốn đẹp (ngoài một ít thời gian dùng vào việc lãng phí), nhưng việc ngủ đầy đủ ngày nay tương đối khó khăn.
Với những người sắp xếp thời gian kém (phần lớn chúng ta nằm trong nhóm này), buổi tối là thời điểm tự do làm được nhiều việc, nhưng phải trả giá vào ngày hôm sau – vốn phải tỉnh táo để học hoặc làm việc. Nhưng vì thiếu ngủ, hiệu suất của bạn vào ban ngày sẽ kém hơn, lại dẫn đến làm việc bù và thiếu ngủ. Một vòng luẩn quẩn.
Chẳng nhẽ cuộc đời cứ trôi qua theo kiểu chạy đua giấc ngủ thế này mãi sao?
Đây có lẽ là câu trả lời bạn phải tự tìm.
Quay trở lại giấc ngủ, nhiều quan điểm cho rằng giấc ngủ đã giúp cộng đồng trở nên gắn kết hơn, cũng như giúp phân phối vai trò trong nhóm. Như đã đề cập ở trên về sự nguy hiểm của con người khi đi ngủ, tổ tiên chúng ta thường phải thay phiên canh gác giấc ngủ cho nhau.
Đó là lý do mà nhiều người ngủ trễ, nhiều người ngủ muộn, phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi (trưởng thành thường ngủ trễ, già và trẻ thường ngủ sớm hơn và đặc biệt người già thì thức sớm) hay thậm chí là xuất hiện một vài cá nhân thuộc nhóm “sleepless elite” (tạm dịch: giới tinh hoa ngủ ít) vốn chỉ cần ngủ vài tiếng/ngày nhưng vẫn hoạt động tốt.
Nhìn chung, cuộc sống đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, như các bạn cũng đều biết. Nên việc ăn, ngủ, làm tình nếu như ngày xưa là mục đích tối thượng của con người (chúng ta làm để ăn, đợi đến đêm để ngủ và thu hút nhau để duy trì nòi giống) thì bây giờ chúng dần trở thành gánh nặng. Việc ăn, ngủ (và làm tình, với phần lớn người trưởng thành) đã trở nên dễ đạt được và là nhu cầu cơ bản.
Chúng không còn là đích đến, mà gần như trở thành thủ tục cần phải đáp ứng cho cơ thể mà chúng ta sở hữu. Do đó, chúng ta cần phải chủ động sắp xếp thời gian thực hiện 3 việc này sao cho hợp lý, bên cạnh những việc phức tạp và hấp dẫn khác của thời hiện đại như như làm việc, kiếm tiền, đọc truyện, xem phim, hóng drama hay nói xấu người khác hay suy nghĩ về khủng hoảng hiện sinh vào lúc 2h sáng.
Nhưng liệu những hoạt động nhiêu khê ấy có thật sự giúp ích cho chúng ta hay không? Hãy ta chỉ đang tự bào mòn sức lực và trí lực của mình cho dòng chảy cuồn cuộn của xã hội thôi?
Hãy yêu lấy bản thân mình, và hãy ngủ một giấc thật ngon vào tối nay. Có thể việc này không giúp bạn thành công, nhưng ít ra làm một đứa thất bại ngủ đủ giấc vẫn hơn một đứa đã thất bại lại còn thiếu ngủ, nhỉ?
Tổng hợp nhiều nguồn