Bia thủ công và các khái niệm 'nhập môn' cơ bản
Nổi lên từ những năm 2015-2016, bia thủ công giờ đây không còn là một xu hướng, mà đã trở thành phong cách sống đặc trưng của một bộ phận người dân sinh sống ở chốn Sài thành. Và không như những thú vui thông thường, người uống bia thủ công cần nắm được kiến thức cơ bản về dòng bia đặc sắc này.
Ngày nay, thật không khó để tìm cho mình một quán bia thủ công ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang,… Nổi lên như một trào lưu vào năm 2015-2016 cùng những cái tên nổi trội như Pasteur Street Brewing Co., Heart of Darkness, bia thủ công đang dần thiết lập vị trí của mình như một thú chơi, một phong cách sống mới.
Người uống bia thủ công không chỉ xem đây như một thức uống kích thích, mà bản thân ly bia cũng chính là “tâm điểm” của những cuộc hẹn, những buổi trò chuyện. Không chỉ tỉ mỉ ở phương thức sản xuất, bia thủ công còn đa dạng về hương vị và kiểu loại. Không dễ để nhận ra sự khác biệt này nếu bạn là người mới bắt đầu, và bạn sẽ phát điên khi phải đọc qua những cái tên hay chỉ số khó hiểu mình chưa từng nghe qua. Chính vì vậy, chúng tôi xin tổng hợp một số khái niệm cơ bản về bia thủ công, giúp các bạn mới đỡ “bỡ ngỡ” khi bước chân vào sân chơi thú vị này.
Bia thủ công (Craft Beer) là gì?
Nói một cách nôm na, bia thủ công là dạng bia được sản xuất bởi các nhà máy bia vừa và nhỏ (microbreweries) với số lượng ít (dưới 15,000 thùng bia Mỹ mỗi năm). Khác với những công ty bia lớn tập trung vào số lượng và giá thành, các nhà làm bia nhỏ lẻ này chú trọng vào hương vị và chất lượng của bia. Chính vì thế, dù thường chỉ chiếm một tỉ trọng khá nhỏ trong thị trường nhưng bia thủ công lại có sức ảnh hưởng rất lớn với ngành công nghiệp bia nhờ vào sự tỉ mỉ, chất lượng và đa dạng của mình.
Bia thủ công hay Real Ale?
Real Ale thực chất là tên gọi của bia thủ công được đề xuất bởi Campaign for Real Ale (Chiến dịch cho Real Ale) vào năm 1973 tại Anh. Đây là tên gọi để chỉ các loại bia được sản xuất truyền thống, không lọc hay khử trùng, được chứa trong các thùng gỗ, và không dùng khí ga nén. Cho đến khi dòng bia này du nhập sang Mỹ, cái tên Craft Beer mới ra đời.
Bia gồm có gì?
4 thành phần chính: nước, hoa bia, mạch nha và men. Nước là thành phần chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 95%), và tùy vào hàm lượng khoáng của nước, bia sẽ có mùi vị khác nhau. Tiếp theo là hoa bia (hop). Đây chính là nhân tố tạo nên độ đắng và hương thơm độc đáo của từng loại bia. Và hai “gương mặt” cuối cùng là mạch nha và men. Hai thành phần này sẽ giúp tạo nên độ cồn cho bia thông qua quá trình lên men.
Thông thường, các nhà làm bia sẽ sử dụng men cerveza (Saccharomyces cerevisiae) cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, ở một số bia, men dại (Brettanomyces) cũng được sử dụng. Đây là loại men đặc biệt, vì rất khó để xác định được hương vị bia mà men dại đem lại. Mỗi một chai bia men dại là một trải nghiệm hoàn toàn riêng biệt. Chính vì vậy, đây cũng là một phần thú vị của bia thủ công.
Độ cồn, độ đắng, độ đặc?
1. ABV - Alcohol By volume
Đây là thuật ngữ nhằm chỉ độ cồn trong bia (%). Số % càng lớn thì nồng độ bia càng mạnh. Với các loại bia lager/pilsner, ABV sẽ thường ở mức 5%, cũng là mức độ nhẹ nhất trong các bia thủ công. Chính vì vậy, hãy chú ý đến thông số này và lựa chọn cho mình loại bia phù hợp với khả năng.
2. IBU - International Bitterness Unit
Đây là thuật ngữ nhằm chỉ độ đắng của bia, từ 0 đến 100+. Chỉ số IBU càng cao, bia càng đắng. Vị đắng là yếu tố hấp dẫn nhưng cũng đáng sợ với nhiều người, do đó hãy kiểm tra IBU thật kỹ trước khi gọi bia bạn nhé. Và thông thường, bia có IBU dưới 25 sẽ là bia nhẹ. Đây có thể là loại bia phù hợp cho các bạn “nhập môn”.
3. Body
Tên tiếng Việt là “thể bia”, nhằm để chỉ chất nền, độ đặc và đậm của bia. Bạn có thể cảm nhận được những tính chất này khi bia chảy qua cuốn họng. Hầu hết các bia lager/pilsner sẽ có “body nhẹ”, và số còn lại sẽ từ “medium” cho đến “nặng”, tức mùi vị cũng đậm và đặc hơn.
Có bao nhiêu loại?
Để có thể phân biệt chính xác, thì có đến hàng chục loại bia thủ công khác nhau. Tuy nhiên, các loại bia ấy có thể gộp thành 5 loại chính.
1. Pale Ale
Đây là dòng bia nặng tinh chất hoa bia, do đó vừa rất thơm cũng vừa rất đắng. Với mùi hương khá trong và thanh của mình, bia Pale Ale có thể đi cùng với đa số các loại thức ăn. Và một trong những loại bia phổ biến nhất của dòng bia này là India Pale Ale (IPA).
Hương vị chính: cam quýt, quả mọng, trái cây nhiệt đới, bánh quy, vị cỏ
2. Belgian
Như chính cái tên của nó, dòng bia này xuất phát từ Bỉ, thường dựa vào sự kết hợp hài hòa giữa men và các hương vị - gia vị, đường nâu, kể cả cây thuốc lá. Một số bia dòng này sẽ mang màu sắc sáng, hương vị thanh - pale, single, tripel - trong khi số còn lại - dubbel, quadruple - sẽ khá đậm về màu sắc và thể bia (body) - độ đậm và đặc của bia.
Hương vị chính: ấm, ngọt hơi hướng mùa thu, bơ cứng, caramel, hạt
3. Wheat
Hầu hết các loại bia sẽ sử dụng 100% lúc mạch mạch nha. Tuy nhiên, với Wheat, bia sẽ kết hợp 40-60% lúa mì, cho ra một hương vị nhẹ, tươi, và trong hơn.
Hương vị chính: kẹo cao su, chuối, cam quýt, ngò thơm
4. Red/Amber/Porter/Stout
Nồng hơn, đậm hơn và thơm mùi mạch nha hơn so với người anh em Blonde, dòng bia khá “hung hăng” này thường khá ngọt và đậm. Red, Amber, và Brown sẽ có thể bia từ nhẹ đến trung bình, trong khi Porter và Stout sẽ mang thể bia trung bình đến nặng.
Hương vị chính: bơ cứng, caramel, chocolate, cà phê, bánh mì nướng
5. Lager/Pilsner
Không quá nặng, đắng ngọt rõ rệt cùng màu sắc tươi sáng, lager và pilsner chính là “người bạn của mọi nhà” của bia thủ công. Ai cũng có thể thưởng thức dòng bia này một cách đầy thích thú.
Hương vị chính: cam quýt, thảo mộc, caramel
Thưởng thức sao cho đúng?
Đối với thưởng thức bia thủ công, từ tốn là rất quan trọng, Bạn cần cảm nhận rõ rệt hương vị của bia từ lúc ngửi cho đến khi bia đã chảy vào cổ họng. Hãy tập trung vào 4 yếu tố chính: vị, hương, cảm giác miệng và “ngoại hình” (bao gồm màu sắc, độ trong và độ dày-giữ lâu của bọt bia).
Hãy thưởng thức bia trong ly thủy tinh cao, bạn có thể xoáy bia xung quanh ly và ngửi hương vị tỏa ra. Hãy tập trung vào mùi hương bạn ngửi được. Mùi hương cảm nhận được là tùy thuộc mỗi người, nên đừng lo nếu bạn có một cảm nhận khác với người bạn của mình.
Cuối cùng, hãy nhấm một ít bia. Hãy chú tâm đến hương vị bạn cảm nhận nơi cuối lưỡi. Cùng với đó là độ đậm đặc, cũng như cảm giác “tràn đầy” của bia. Dư vị (aftertaste) của chúng là gì? Màu sắc của chúng ra sao, đậm hay nhạt?
Tổng hợp nhiều nguồn