Thế giới đàn ông

Bị cảm lạnh có nên tập thể dục hay không?


Là một người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, chắc chắn bạn không hề mong muốn mình bị cảm lạnh. Cảm giác lừ đừ, ê ẩm luôn khiến bạn mệt mỏi, nhưng bạn cũng không muốn phá bỏ thói quen thể thao của mình. Vậy đâu là lời khuyên tập luyện đúng đắn dành cho những ai đang bị bệnh?
 
 
Để có thể quyết định chính xác chế độ tập luyện thể thao khi bị cảm lạnh, bạn cần xác định rõ triệu chứng của mình. Và triệu chứng của bệnh cảm lạnh sẽ được chia thành 2 nhóm: triệu chứng vùng trên cổ và triệu chứng vùng dưới cổ. Thay đổi chế độ tập luyện thế nào, sẽ phụ thuộc vào 2 nhóm triệu chứng trên.
 
Triệu chứng vùng trên cổ
 
Với những triệu chứng vùng trên cổ, bạn thường sẽ bị nghẹt mũi, đau cổ họng, hay hắt xì hơi chẳng hạn. Với nhóm triệu chứng này, bạn vẫn có thể duy trì chế độ tập luyện của mình ở mức độ nhẹ, vừa phải. Hãy thử sử dụng thuốc thông mũi không gây buồn ngủ để giúp chống chọi lại căn bệnh cảm lạnh. Khi cảm thấy mình đủ năng lượng, bạn hoàn toàn có thể đến phòng gym; chỉ cần giảm cường độ tập luyện lại một chút thôi.
 
Ngoài ra, hãy cân nhắc những người tập xung quanh. Luôn rửa tay sạch sẽ, và lau sạch dụng cụ sau khỉ sử dụng hoặc những vị trí bạn vô tình hắt hơi vào. Cố gắng ho hoặc hắt hơi vào vai, tránh ho vào bàn tay vì như thế sẽ khiến vi khuẩn cảm cúm lây lan nhanh chóng hơn.
 
Nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy tiếp tục giảm cường độ tập luyện, hoặc kết thúc buổi tập sớm hơn thông thường nhằm tránh bị kiệt sức. Khi đã khỏe lại thì bạn có thể quay trở lại cường độ bình thường của mình. Lao đầu vào những bài tập cường độ cao khi bạn không thực sự đủ khỏe sẽ khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu, làm chậm quá trình hồi phục của bạn.
 
Triệu chứng vùng dưới cổ
 
Với những triệu chứng vùng dưới cổ, bạn sẽ thường ho, khó thở, tức ngực, buồn nôn, ói mửa hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, bạn gặp phải những triệu chứng toàn cơ thể như sốt hoặc đau khớp. Những lúc như thế, thực sự bạn nên hoãn lại buổi tập của mình.
 
Sở dĩ như vậy, vì những triệu chứng này cho thấy bệnh tình của bạn đang khá nghiêm trọng. Sức khỏe của bạn lúc này đã giảm đi đáng kể, và bạn không còn đủ sức cho các bài tập thể dục của mình. Nếu cứ tiếp tục tập luyện, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề về hô hấp, mất nước, chóng mặt hoặc thậm chí là bất tỉnh.
 
Bị cảm lạnh thì nên tập bài thể dục nào?
 
Khi mắc bệnh, bạn tập luyện bài gì không quan trọng, mà điều bạn cần lưu tâm chính là cường độ. Ví dụ, nếu thông thường bạn vẫn hay tập chạy nước rút, lần này hãy giảm cường độ và tập chạy bộ. Hoặc nếu bạn hay tập cử tạ, hãy giảm số kí xuống và tăng số lần lặp mỗi set của bạn lên. Giữa mỗi set tập, bạn nên nghỉ giải lao lâu hơn.
 
Nếu bạn tham gia các lớp thể dục, có lẽ bạn nên bỏ qua các bài tập nhóm và chỉ tập các bài solo. Với bệnh cảm lạnh, bạn không nên tiếp xúc với người khác quá nhiều, tránh lây lan căn bệnh sang những người xung quanh.
 
Đây là lời khuyên từ Drew Watson, bác sĩ thuộc khoa chỉnh hình và bộ phận phục hồi chức năng thuộc y học thể thao, Đại học Y và Y tế Công cộng Wisconsin.
 
Với những lời khuyên trên,hy vọng các bạn sẽ có những giải pháp tập luyện thích hợp khi mắc phải căn bệnh cảm lạnh, giúp cân bằng chế độ tập luyện và đảm bảo sức khỏe cá nhân.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC