Bản tin thể thao

TIN THỂ THAO HOT 29/3


*V-League và rủi ro từ mật độ thi đấu

V-League 2021 dự kiến tạm nghỉ sau vòng 10, thay vì đá hết 13 vòng giai đoạn I, nhưng kiểu đá đồn dập hiện nay ẩn chứa nhiều rủi ro.

15 phút cuối trận Đà Nẵng - SLNA trên sân Hòa Xuân hôm 23/3, các cầu thủ chủ nhà hầu như không chạy nổi theo trái bóng, dù khi đó họ đang phải cố tìm bàn gỡ hòa. Những pha tấn công nguy hiểm không thể được kết thúc một cách gọn gàng khi cả Hà Đức Chinh lẫn ngoại binh to khỏe Rafaelson đều khống chế bóng trong tình trạng đuối sức. SLNA cũng không khá hơn. Trong 30 phút cuối, họ hầu như chỉ dồn người phòng thủ, tranh phủ phá bóng, và không có pha phản công sắc nét nào sau khi Phan Văn Đức nâng tỷ số lên 2-1 ở phút 65. Sau trận đấu, bên cạnh việc phàn nàn trọng tài, HLV Đà Nẵng, Lê Huỳnh Đức thừa nhận một số học trò không đủ sức khỏe. Và thực tế thì ngay trong hiệp một, Đà Nẵng đã thay hai cầu thủ, rồi sử dụng nốt quyền thay người còn lại ở phút 55.

HAGL tung Công Phượng vào sân và nhanh chóng tạo đột biến, khi khai thác triệt để sự xuống sức của hàng phòng ngự Viettel

Cả Đà Nẵng lẫn SLNA đều mất nhiều thời gian để di chuyển trước trận đấu. Đà Nẵng vừa từ Quy Nhơn trở ra, trong khi SLNA đi vào sau trận vòng 4 đá ở Vinh. Nhưng cái nóng của miền Trung hiện nay, và việc phải đá vòng 5 chỉ sau bốn ngày nghỉ là vấn đề quá lớn với sức khỏe cầu thủ. Và không chỉ có trận đấu ở sân Hòa Xuân xảy ra hiện tượng cầu thủ kiệt sức, trận cầu trên sân Thiên Trường giữa Nam Định và Bình Định cũng có những diễn biến cho thấy thể lực cầu thủ đang giảm sút.

Theo lịch thi đấu, vòng 10 của V-League 2021 sẽ kết thúc vào ngày 18/4. Nếu tính từ ngày giải tái đấu với loạt đá bù vòng 3 từ ngày 13/33, chỉ trong 36 ngày, các cầu thủ phải chơi đến 8 trận, trung bình 4,5 ngày một trận. Cá biệt, có những đội như Viettel, đá bù vòng 3 vào ngày 14/3 nhưng lại đá vòng 10 vào ngày 16/4, đá 8 trận chỉ trong 33 ngày, tức bốn ngày một trận.

Mật độ thi đấu dồn dập như thế không hề quen thuộc với cầu thủ Việt Nam, khi xét trên điều kiện di chuyển đặc thù. Không phải trận nào, các đội cũng có thể ngồi máy bay để đến nơi sau hai ba giờ đồng và có thêm thời gian nghỉ ngơi. Các quãng đường 400 đến 500 kilomet thường sẽ di chuyển bằng xe, coi như mất một ngày. Mùa trước, V-League cũng đá dồn lịch kiểu này, nhưng cũng chỉ trong khoảng 5-6 vòng đấu, và với mật độ trung bình 5 ngày một trận.

Nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở vấn đề sức khỏe, mà còn tác động đến những yếu tố chuyên môn. Thống kê cho thấy, tại vòng 5, trong 14 bàn được ghi, thì có đến 8 bàn đến từ phút 50 đến phút 65, chiếm đến 57% số bàn thắng. Đặc biệt, không có bàn nào diễn ra sau phút 70. Ngược lại, trong 45 bàn của bốn vòng đấu đầu tiên, chỉ có 8 bàn được ghi trong khung thời gian phút 50-70 (tỷ lệ 17%), và có đến 10 bàn được ghi sau phút 85.

Các thống kê này vẫn chưa mang tính chất toàn diện. Nhưng nếu soi kỹ diễn biến cũng như tình trạng thể lực các cầu thủ, chúng ta có thể lý giải việc không xuất hiện bàn thắng muộn, và tại sao lại tăng đột biến các bàn thắng ở phần đầu mỗi hiệp đấu. Trận Viettel - HAGL trên sân Hàng Đẫy là ví dụ. Đội khách ghi cả ba bàn - từ phút 58 đến 68 - theo cùng một kịch bản, đó là tăng tốc cực nhanh khi cả hệ thống phòng ngự của Viettel hầu như không kịp phản ứng.

Tính chất tranh đua của V-League mùa này là điều không phải bàn cãi. Sau năm vòng, ranh giới thành - bại của các đội vẫn chưa có gì rõ ràng. Điều đó, về lý thuyết, sẽ càng khiến cho năm vòng đấu kế tiếp trở nên quyết liệt hơn trong từng trận đấu. Nhưng với việc chỉ được nghỉ ngơi thật sự trọn vẹn ba ngày giữa các vòng đấu, rõ ràng câu chuyện về chuyên môn sẽ trở nên ít quan trọng hơn yếu tố thể lực. Khi trình độ gần như tương đồng, số ngoại binh như nhau, đội nào có nền tảng thể lực tốt hơn mới là đội chiếm ưu thế.

Các nghiên cứu độc lập của những chuyên gia Nhật Bản từng sang tham gia điều hàng V-League từ cách đây năm, sáu năm cho thấy cầu thủ Việt Nam chỉ đủ thể lực đá tốt trong khoảng 57 phút. Đấy là giai đoạn mà tính chất đua tranh của V-League không cao, nhiều trận cầu vô thưởng, vô phạt. Thì nay, khi mỗi trận đấu là một "cuộc chiến", mật độ thi đấu dày đặc như vậy, thì số phút chơi đúng sức của cầu thủ có lẽ chỉ còn khoảng 50 mà thôi. Với chừng đó thời gian, cũng không thể yêu cầu chất lượng của các trận đấu sẽ tăng lên. Rất khó có những trận đấu đầy tính cống hiến từ đầu đến cuối, bởi trong 30 phút cuối trận, cầu thủ hai đội đi nhiều hơn chạy, khống chế bóng lỗi, hụt hơi trước thời điểm ra chân dứt điểm.

Chấn thương dễ xảy ra trong bối cảnh lịch đấu dày đặc hiện tại.

Nhưng điều đáng lo hơn cả, đó là rủi ro chấn thương sẽ tăng với cấp số nhân. Chấn thương sẽ xảy ra khi VĐV cố gắng quá sức chịu đựng của cơ thể. Rồi khi thể lực xuống nhanh, kỹ thuật sẽ không còn ngay hàng, thẳng lối nên dễ dẫn đến phạm lỗi thô bạo, gây chấn thương cho đối phương. Đấy là chưa kể, đá mệt quá cũng gây ra cáu gắt, tức tối, mất kiểm soát hành vi.

Chấn thương kinh hoàng của Đỗ Hùng Dũng là một hồi chuông báo động. Việc đá dồn, đá gấp như thế này, tưởng là hỗ trợ tuyển Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị cho loạt trận cuối giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 vào tháng Sáu. Nhưng có khi đến lúc tập trung, HLV Park Hang-seo chẳng còn bao nhiêu trụ cột để xếp đội hình. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội FC, sau khi Hùng Dũng phải nghỉ dài hạn, đến lượt tiền đạo chủ lực Bruno cũng sẽ vắng mặt khoảng hơn 4 tuần. Cứ qua mỗi vòng đấu mà cầu thủ "rụng" dần như vậy, chưa chắc các CLB đủ người để thay thế, chứ chưa nói đến chuyện giới thiệu nhân tố mới cho HLV Park Hang-seo.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC