Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan điểm không quá lạc quan trước các thông tin truyền thông quốc tế đăng tải về những loại thuốc 'đột phá' vừa được khám phá trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona chủng mới (nCoV).
Theo Hãng tin Reuters, Đài truyền hình Trung Quốc cho biết, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang đã tìm ra một loại thuốc hiệu quả điều trị nCoV. Trong khi đó, Đài Sky News (Anh) loan tin các nhà nghiên cứu đã đạt được "đột phá quan trọng" trong quá trình phát triển văcxin phòng nCoV.
Khi được hỏi về những thông tin đó, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nói: "Hiện chưa có những liệu pháp điều trị hiệu quả nào được biết có thể chống lại chủng nCoV. WHO khuyến khích mọi người đăng ký tham gia thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized controlled trial) để kiểm tra tính hiệu quả và sự an toàn của liệu pháp điều trị".
Trong khi đó, hãng dược Gilead của Mỹ cho biết, đã bắt đầu những thử nghiệm lâm sàng với những người nhiễm nCoV ở Trung Quốc bằng thuốc Remdesivir, tuy nhiên nhấn mạnh rõ ở giai đoạn này thử nghiệm đó vẫn đang xem xét hiệu quả.
Theo công ty này, hiện đã tăng cường sản xuất thuốc Remdesivir để chuẩn bị sẵn dự trữ thuốc này, phòng khi cần sử dụng cho các dịch bệnh do virus gây ra trong tương lai.
Trong diễn biến liên quan, Viện virus học Vũ Hán thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (có trụ sở tại Vũ Hán, tâm dịch corona) thông báo đã nộp đơn đăng ký bản quyền việc sử dụng thuốc Remdesivir của Hãng dược Gilead để điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Tuần trước, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu của thế giới là New England Journal of Medicine cho biết một bệnh nhân nhiễm virus corona Vũ Hán ở Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục nhanh chóng, tích cực sau khi được điều trị bằng Remdesivir. Đây cũng là loại thuốc được dùng để điều trị người bệnh nhiễm virus Ebola.
Bà Ana Maria Henao-Restrepo từ tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết rằng, hiện WHO đang xem xét để quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được kiểm chứng đầu tiên ở trên người. Các chuyên gia cần quan tâm tới nhiều tiêu chí trong đó bao gồm tính an toàn có thể chấp nhận được của loại vắc-xin, khả năng gây đáp ứng miễn dịch của loại vắc-xin và khả năng có sẵn kịp thời của liều vắc-xin. Tổ chức WHO sẽ công bố quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được thử nghiệm trên người trong vài ngày tới.
Nếu thử nghiệm lâm sàng ban đầu trên người thành công thì cuộc thử nghiệm lớn hơn có thể được tiến hành vào cuối năm nay tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang diễn ra một cách nghiêm trọng. Dù chưa biết dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm hay không nhưng đó là thời gian ngắn nhất có thể để phát triển một loại vắc-xin cho chủng virus mới.
Bởi, theo các nhà khoa học, quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các loại thuốc hay văcxin chống lại một mầm bệnh thường mất nhiều năm và thường cũng đối mặt với rất nhiều sai sót, thất bại. Ngay cả với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, quá trình này có thể được tăng tốc, song giới khoa học hiện tại cũng chỉ hi vọng có thể triển khai các thử nghiệm liệu pháp điều trị 2019-nCoV đầu tiên trên người vào tháng 6 năm nay.
Trước đó, vào năm 2002-2003 khi dịch SARS diễn ra, cũng phải mất 20 tháng để có vắc-xin thử nghiệm trên người khi mà dịch bệnh hầu như đã được kiểm soát. Đến năm 2015 khi dịch Zika bùng phát, các nhà khoa học cũng mất khoảng 6 tháng để phát triển được vắc-xin.
Do đó chúng ta hy vọng rằng với những tiến bộ của khoa học và kinh nghiệm chống dịch đã có, các nhà khoa học có thể phát triển được vắc-xin cho coronavirus 2019-nCoV trong thời gian ngắn hơn.