Theo thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Vinmec, khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí – phế quản, viêm mũi xoang,...Khi xông hơi, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ được đẩy bám dính vào lớp lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm.
Do đó, máy khí dung hô hấp được sử dụng khá phổ biến trong nhi khoa. Khả năng hấp thu thuốc khí dung vào máy đạt khoảng 2%. Thời gian tác động của thuốc khí dung khá ngắn, khoảng 3 – 4 tiếng. Vì vậy, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng khí dung cho trẻ 2 – 3 lần/ngày. Tùy theo bệnh đường hô hấp trên hay dưới, tùy loại bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc pha để thực hiện phương pháp khí dung cho phù hợp.
Tuy nhiên hiện nay rất nhiều người đã tự ý mua các loại máy khí dung về nhà để tự điều trị, nhất là cho trẻ dùng không theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm.
Dùng khí dung quá nhiều cho trẻ có thể gây hại cho phổi lâu dài
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi con mình bị bệnh viêm đường hô hấp, khó thở cần phải dùng khí dung càng nhiều càng tốt để bé mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới khí dung quá nhiều và phụ thuộc thuốc, gây tổn hại lâu dài cho phổi. Theo lý giải của các bác sĩ, vì phần lớn thuốc khí dung là corticoid, sử dụng quá liều có thể gây tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng lưu ý, đối với các loại tinh dầu hay ống hít làm thông mũi bán sẵn không được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ (dưới 18 tháng tuổi) vì có thể gây ức chế hô hấp. Các loại thuốc dạng dung dịch để khí dung có nhóm aminoglycosid không được sử dụng cho những trẻ chưa biết nói vì có thể gây ngộ độc ốc tai, dẫn tới điếc. Người lớn cũng không được lạm dụng bừa bãi khí dung vì sẽ gây nghiện và giảm khứu giác.
Bên cạnh đó, ngay cả với bệnh hen, nhiều chuyên gia cũng không khuyến khích khí dung ở nhà. Lý do vì khi khí dung nhiều, người thân của bệnh nhân sẽ không biết được dấu hiệu bệnh nặng lên, lúc phát hiện thì đã nguy kịch.
Không chọn kích thước mặt nạ phù hợp dễ gây thất thoát thuốc
Mặt nạ phải có kích thước thích hợp và được đặt ngay ngắn trên mặt trẻ, nếu không lựa chọn sai kích thước phần lớn các hạt sương sẽ không đi vào mũi hoặc đường thở. Việc để mặt nạ cách mặt dù chỉ một khoảng hở nhỏ cũng khiến thuốc bị thất thoát với tỷ lệ lớn, tương ứng. Vì vậy yêu cầu trẻ phải đeo mặt nạ kín sát vào mặt nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng máy phun khí dung được phát huy tối đa.
Cho trẻ ngồi sai tư thế khi dùng máy khí dung
Khi sử dụng máy phun khí dung, trẻ cần đeo mặt nạ hay ngậm ống thở miệng, đồng thời hít thở khoảng 5 - 10 phút cho đến khi hết thuốc. Nếu bé không ngồi thẳng hoặc không hợp tác thì sẽ không thể nhận đủ liều thuốc chỉ định. Do đó phụ huynh phải khuyến khích trẻ ngồi thẳng người khi dùng máy phun khí dung.
Không tự lên lịch khí dung cho trẻ
Việc tùy tiện lên lịch khí dung cho trẻ khi bị ốm, sốt mà không tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình bác sĩ đề ra có thể dẫn tới những hậu quả khó lường như có thể gây quá liều thuốc gây hại cho phổi. Do đó phụ huynh phải tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc khí dung cũng như lịch trình sử dụng máy phun.
Để trẻ phụ thuộc liệu pháp khí dung
Nếu đã quen với khí dung trong một thời gian dài, trẻ có thể bắt đầu dựa dẫm, xem liệu pháp này là chỗ dựa tinh thần của mình. Mỗi khi bắt đầu cảm thấy khó thở, điều đầu tiên trẻ muốn làm là dùng khí dung. Người lớn cũng không được lạm dụng bừa bãi để tránh bị nghiện và giảm khứu giác.
Phụ huynh cũng nên đặc biệt lưu ý, trẻ có thể đòi dùng khí dung chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ, hoặc viện cớ này hòng trốn thoát, không bị la mắng. Để tránh rơi vào tình huống như vậy, cha mẹ không nên đồng ý cho trẻ sử dụng máy phun khí dung bất cứ khi nào bé muốn hoặc nói khó thở.
Không vệ sinh thường xuyên dụng cụ máy khí dung
Máy phun khí dung tạo môi trường ấm và ẩm, rất thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Vì vậy nếu không thay mới và muốn dùng lại, cần rửa sạch và lau khô mặt nạ / ống thở miệng sau mỗi lần sử dụng. Tháo rời ba bộ phận cốc đựng thuốc và đổ hết thuốc còn thừa, sau đó dùng nước xà phòng ấm rửa sạch các phần rồi tráng lại bằng nước. Lấy khăn sạch lau khô tất cả bộ phận, phơi dụng cụ tại nơi mát và không để nước bắn vào.
Bảo quản khí dung sai cách