Cảnh báo đời sống

Uống nước thường xuyên có tiêu diệt được Covid-19?


Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều phương pháp phòng trừ Covid-19 được lan truyền trong đó có phương pháp là thường xuyên uống nước.
 

Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, các nhà khoa học đang nỗ lực hết sức tìm ra các phương pháp phòng ngừa và chữa trị cho người bệnh. Những ca tử vong và nhiễm bệnh mới ngày càng gia tăng khiến người dân hết sức hoang mang. Từ thực tế này, người dân cũng ra sức tìm các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình mình.

Có rất nhiều cách có thể để Covid-19 xâm nhập vào cơ thể, vì vậy nước uống không có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Ảnh: BBC 

Tuy nhiên, trước tình trạng này, nhiều thông tin về cách phòng tránh, chữa trị được lan truyền. Mới đây, một bài đăng được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội nói rằng mọi người nên đảm bảo miệng và họng luôn ẩm và hãy uống nước sau mỗi 15 phút.  Lý do là, nếu uống nước thường xuyên sẽ giúp rửa virus xuống thực quản, do đó nó có thể bị axit dạ dày tiêu diệt.  

Kalpana Sabapathy, một nhà dịch tễ học lâm sàng tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn cho hay: "Tôi không thể hiểu được logic của lời khuyên này, nó hoàn toàn vô lý". 

Sabapathy giải thích rằng nhiễm trùng thường bắt đầu sau khi chúng ta tiếp xúc với hàng ngàn hoặc hàng triệu hạt virut, do đó, việc trôi một số ít virut xuống thực quản không thể giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Ngay cả khi virus chưa tìm được đường vào bên trong các tế bào của đường hô hấp nó cũng có thể xâm nhập vào cơ thể theo những cách khác. Mặc dù một số người có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào miệng bằng ngón tay bị nhiễm bẩn, nó cũng có thể xâm nhập vào cơ thể bằng cách chạm vào mũi hoặc mắt.

Nguy cơ chính của việc nhiễm phải virut này là do hít phải những giọt nhỏ chứa hàng ngàn hạt virut sau khi một người ho hoặc hắt hơi hay kể cả virut tồn đọng trong không khí hay bề mặt sau đó. 
 

Và có một lý do khác khiến uống nước không thể ngăn chặn virut là một khi virut Covid-19 xâm nhập vào dạ dày nó có thể mạnh hơn rất nhiều mà axit dạ dày cũng không tiêu diệt được chúng.

Trước đó các nhà khoa học cũng từng phát hiện một loại virut có "họ hàng" với Covid-19. Họ đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus đã xâm chiếm ruột của một bệnh nhân và cho thấy rằng nó có thể dễ dàng xâm chiếm các tế bào từ ruột. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu, liệu rằng, điều này có đúng với Covid-19 hay không nhưng một số bệnh nhân đã báo cáo các triệu chứng như buồn nôn và tiêu chảy.

Các chuyên gia từ Trung Quốc đang cảnh báo rằng có những dấu hiệu nó có thể lây nhiễm qua đường tiêu hóa . Theo một báo cáo, hơn 50% số người mắc Covid-19 có virut trong phân của họ, nơi nó tồn tại rất lâu sau khi được loại bỏ khỏi phổi. Và hiện chưa có nghiên cứu nào xem xét liệu nước uống có thể ngăn ngừa nhiễm trùng Covid-19 hay không, vì vậy kỹ thuật này không dựa trên khoa học hay thực tế - chỉ là những tin đồn. 

Trên thực tế, chỉ có nghiên cứu xem xét liệu súc miệng bằng nước có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp hay không. Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian 60 ngày, những người tham gia súc miệng bằng nước ba lần một ngày ít bị các triệu chứng hô hấp hơn so với những người súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc không dùng. Tuy nhiên, những phát hiện này cũng không thể áp dụng để phòng trừ Covid-19, chúng nguy hiểm hơn rất nhiều.

Nghiên cứu này chỉ tập trung vào các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, chủ yếu liên quan đến xoang, họng và đường thở, trong khi Covid-19 cũng được biết là nhiễm trùng đường hô hấp dưới, xâm nhập vào ngực và phổi. Thứ hai, đáng chú ý rằng đó là một nghiên cứu tương đối nhỏ, trong đó những người tham gia được yêu cầu tự báo cáo các triệu chứng của họ (thay vì được đánh giá khách quan).

Sabapathy nói rằng, mặc dù việc bảo mọi người giữ ẩm miệng và uống nước cứ sau 15 phút nghe có vẻ vô hại, nhưng lời khuyên sai lệch này có thể ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Cách tốt nhất vẫn là tránh tiếp xúc nhiều người nếu không cần thiết và rửa tay thật sạch.  
 
(Theo VietQ) 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC