Theo thông tin lan truyền trên mạng, chế độ ăn chay này kéo dài 49 ngày nhưng đến ngày thứ 41 thì bà H. phải đi cấp cứu.
Găp họa vì ăn không đúng cách
Bà H. không phải trường hợp duy nhất gặp phải biến chứng với chế độ ăn chay này, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa cấp cứu một bệnh nhân 57 tuổi (ngụ Gia Lâm, Hà Nội) cũng bị ngừng tuần hoàn vì ăn chay theo hướng dẫn trên mạng.
Bệnh viện K từng tiếp nhận một trường hợp ung thư dạ dày nhưng được phát hiện sớm. Bệnh nhân là một phụ nữ ở Quảng Ninh, được bác sĩ khuyên chỉ cần phẫu thuật là có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, khi nghe nói phải phẫu thuật, bệnh nhân lại đòi về nhà tự chữa. Nghe theo lời bạn bè, người phụ nữ này chọn chế độ ăn các loại gạo lứt, gạo thảo dược... để chữa ung thư dạ dày, thậm chí uống nước gạo lứt thay cho nước lọc hằng ngày.
Sau vài tháng, người nhà phát hiện bệnh nhân sụt cân nhiều và khuyên đừng ăn gạo lứt nữa nhưng người này không nghe. Đến khi bị nôn ra máu phải nhâp viện cấp cứu thì ung thư đã di căn và không còn khả năng cứu chữa.
Hay trường hợp bệnh nhân L.T.H. 38 tuổi, ở Hà Tĩnh khi được bệnh viện chẩn đoán bị ung thư vú, bệnh nhân này đã chọn cách chữa ung thư bằng phương pháp thực dưỡng. Theo chị H. phương pháp ăn theo chế độ này sẽ giúp đẩy tế bào ung thư ra khỏi cơ thể mà không cần phải phẫu thuật.
Sau đó, bệnh nhân H. đã áp dụng phương pháp thực dưỡng bằng gạo lứt với muối mè hằng ngày suốt một thời gian dài. Đến đầu năm 2019, chị H. bị sụt cân rất nhiều, khó thở, sức khỏe suy kiệt. Khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn. Ung thư đã di căn kèm tràn dịch màng phổi. Do đó, các bác sĩ khuyên bệnh nhân ung thư nên điều trị theo chỉ định của bác sĩ và không nên nghe theo các phương pháp phản khoa học khác được lan truyền trên mạng.
Ăn chay sao cho đúng
Gần đây, trào lưu ăn chay lan truyền khắp các mạng xã hội. Người ta ăn chay để giảm cân, dưỡng nhan thậm chí là để chữa bệnh. Một trong những cách ăn chay phổ biến nhất hiện nay là ăn gạo lứt với muối mè.
Gạo lứt là loại gạo chỉ xay bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, chưa xát bỏ lớp cám gạo bên trong nên vẫn giữ được các chất dinh dưỡng quan trọng có trong hạt gạo. Đây là loại gạo rất giàu dưỡng chất, đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhận thấy, một lon gạo lứt khi nấu thành cơm chứa 84mg magiê, trong khi đó ở gạo trắng chỉ có 19mg. Lớp cám của gạo lứt cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.