Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Jillian Kubala cho biết, trứng, sữa, thịt, đặc biệt là ức gà, là những nguồn thực phẩm rất giàu protein. Protein là dưỡng chất quan trọng giúp cơ bắp phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về lượng protein mà cơ thể cần nạp mỗi ngày.
Nhu cầu protein của cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ vận động thể chất, tình trạng sức khỏe và cân nặng. Những yếu tố này có thể khiến nhu cầu protein của mỗi cá nhân khác nhau khá nhiều. Tuy nhiên theo các nhà khoa học Đại học Y Washington cho biết, chế độ ăn giàu protein có thể giúp giảm cân nhưng lại làm tăng nguy cơ tim mạch.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho chuột ăn chế độ nhiều chất béo, mục đích để phát triển mảng bám động mạch chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 ăn nhiều chất béo và protein cao, nhóm 2 ăn nhiều chất béo với hàm lượng protein thấp.
Các nhà khoa học nhận thấy, nhóm 1 không chỉ bị xơ vữa động mạch mà tình trạng này còn tồi tệ hơn đáng kể so với những con chuột nhóm 2. Ở chuột nhóm 1, mặc dù không tăng cân nhưng chúng đã phát triển thêm khoảng 30% mảng bám trong động mạch so với chuột nhóm 2. Hơn nữa, loại mảng bám tích tụ trong động mạch của nhóm 1 có xu hướng không ổn định, có thể dễ dàng bị phá vỡ khỏi thành động mạch, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và tăng khả năng bị đau tim.
Còn theo khuyến cáo của Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ (ACSM), mỗi người nên ăn 0,5-0,8 g protein cho mỗi pound (khoảng 450 g) trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là nếu một người nặng 68 kg thì họ cần phải ăn 75-120 g protein/ngày. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn giàu protein dựa chủ yếu vào thịt thì cần một số điều chỉnh. Với các loại thịt nạc, chẳng hạn như thịt gà không da, thì không nên ăn quá 155 g/ngày.
Ngoài ra, mọi người chỉ nên ăn 4-5 bữa có nhiều thịt nạc mỗi tuần, hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò, heo và tránh ăn nhiều chất béo bão hòa, natri, đường và nước ngọt. Ăn quá nhiều thịt có hàm lượng protein cao trong thời gian dài có thể gây hại cho thận, khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất nước. Tình trạng mất nước xảy ra khi thận phải làm việc quá mức khi phải xử lý nitơ, một phụ phẩm sinh ra sau quá trình chuyển hóa protein và đào thải lượng protein dư thừa. Hiện tượng này sẽ khiến cơ thể bị khát, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều.
Ngoài ra, chế độ ăn quá nhiều protein từ động vật, ít ăn thực vật còn khiến cơ thể dễ bị táo bón do chế độ ăn thiếu chất xơ, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, bà Luiza Petre, cảnh báo.