Cảnh báo đời sống

Máy tính, điện thoại cũng có thể là nơi chứa mầm bệnh virus corona


Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện virus corona trên tay nắm cửa tại nhà của một bệnh nhân nhiễm bệnh.
 

Tin tức trên báo Tuổi Trẻ, công bố thông tin này là ông Trương Chu Bân (Zhang Zhou Bin), Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu.

Theo tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc (People’s Daily), đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tại Quảng Châu phát hiện virus corona xuất hiện ở môi trường bên ngoài.

Cũng theo Trương Chu Bân, ngoài tay nắm cửa, những nơi khác có thể chứa mầm bệnh virus corona là điện thoại di động, bàn phím máy tính và van nước.

Theo ông Trương, những gì chúng ta biết về virus corona chủng mới đó là loại virus này chủ yếu lây nhiễm thông qua những giọt nước bọt và tiếp xúc. Tuy nhiên, với phát hiện mới này người dân có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc gián tiếp.

Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu cho biết: “Chằng hạn khi chạm tay vào bề mặt có virus, sau đó dùng tay ăn uống hoặc dụi mắt của mình. Phát hiện này cho thấy, chúng ta nhất định phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trong đó việc rửa tay là vô cùng quan trọng".

 Virus corona có thể có ở nhiều nơi như tay nắm cửa, máy tính, điện thoại. Ảnh minh họa

Gần đây, các chuyên gia y tế thuộc Bệnh viện Nhân dân của Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phối hợp nghiên cứu và đưa ra cảnh báo: virus corona có thể truyền nhiễm qua hệ tiêu hóa.

Theo tờ Tân Hoa xã, các nhà khoa học đã tìm thấy acid nucleic của virus corona trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến.

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, chủng mới của virus corona còn có khả năng truyền nhiễm qua đường phân-miệng nhất định. 
 

Cũng trong một diễn biến liên quan tới tình hình dịch virus corona, trên trang web chính thức, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định: "Kháng sinh không có tác dụng chống các loại virus, mà chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn", đồng thời nêu rõ 2019-nCoV là một loại virus, do đó sử dụng kháng sinh để phòng hay điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus nCoV, vẫn có thể điều trị bằng kháng sinh vì bệnh nhân có thể đồng nhiễm vi khuẩn.

Theo WHO, cho tới nay chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể phòng ngừa hoặc điều trị chủng virus nói trên, tuy nhiên, một số biện pháp chữa trị đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. Hiện WHO đang phối hợp với các đối tác để đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển các phương pháp phòng chống.

WHO khẳng định mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, trong đó người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim là những đối tượng dễ bị nhiễm nhất.

Về thông tin các vật nuôi như chó, mèo có thể nhiễm nCoV, WHO cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào về việc này. Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo mọi người nên rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi để tránh nhiễm những loại vi khuẩn như E.coli và Salmonella có thể lây từ động vật sang người.

 
(Theo VietQ) 

 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC