Cảnh báo đời sống

Bé trai 5 tuổi bị sặc kẹo mút suýt tử vong


Một ông bố đang kêu gọi cấm kẹo mút vì cậu con trai 5 tuổi đã bị sặc dẫn đến nghẹt thở suýt tử vong.
 

Ông Brett Cole đang cảnh báo các bậc cha mẹ khác về sự nguy hiểm của những viên kẹo mút vì cậu con trai 5 tuổi của ông đã bị sặc kẹo dẫn đến nghẹt thở suýt tử vong.

Bé trai 5 tuổi bị sặc kẹo mút suýt tử vong

Viên kẹo khiến bé trai 5 tuổi suýt tử vong. Ảnh: The Sun 

Brett nói rằng ông thường cấm con của mình ăn kẹo mút. Ông Brett cho hay: " Tôi đã nghe về những vụ hóc kẹo nên chúng tôi thường không cho con mình ăn. Tuy nhiên các con của tôi được tặng một ít kẹo trong ngày Halloween và chúng rất thích nên tôi đã chấp nhận cho chúng".

"Khi đứa bé bắt đầu nghẹt thở, tôi đã sơ cứu tại chỗ bằng cách vỗ mạnh vào lưng nhưng nó không có tác dụng. Thật may, một trợ lý chăm sóc sức khỏe cao cấp giúp chúng tôi làm long được viên kẹo ra khỏi cổ họng của con tôi", Brett tường thuật lại sự việc.

Ông nói thêm: "Tôi chỉ muốn cho mọi người nhận thức được những nguy hiểm. Tất cả chúng tôi đều khóc, chúng tôi rất lo lắng". Brett đã cảnh báo những người khác trên Facebook và đã có hơn 35.000 người đã chia sẻ bài đăng. Ông nói rằng ông đã đọc những bình luận khác từ các bậc cha mẹ, nhiều người người nói rằng con cái họ cũng bị sặc kẹo. 

Hóc – sặc là những hiện tượng thường gặp ở trẻ. Đôi khi trong những trường hợp nặng, nếu cha mẹ không biết cách và không kịp xử lý trong vòng từ 5 đến 10 phút thì tính mạng trẻ có thể bị đe dọa.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm cách khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện. 
 
(Theo VietQ) 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC