Chúng ta mới bắt đầu nhận thức được một số rủi ro ngắn hạn và dài hạn liên quan đến các hóa chất trong bao bì, chẳng hạn như: béo phì, ung thư, các bệnh liên quan đến tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Một số nhà ủng hộ người tiêu dùng đã nói rằng: việc loại bỏ một số chất có nguy cơ gây hại ra khỏi thực phẩm nên được tiến hành từ lâu.
Leonardo Trasande, bác sĩ nhi khoa đã kể tên các loại bao bì thực phẩm mà người tiêu dùng có thể tránh sử dụng, đồng thời, trả lời câu hỏi: Vậy cái gì có thể thay thế những bao bì này?
Bao bì Takeaway-ngay cả bao bì bằng giấy
Ví dụ, polystyrene, thường được gọi là Xốp, một chất gây ung thư tạo nên cơn ác mộng đối với môi trường. Các thành phố lớn như New York , Washington và San Francisco đã cấm sử dụng giao hàng các loại ly cà phê, đĩa và hộp được làm bằng xốp. Các cơ sở thực phẩm tiên tiến cũng đã thay thế vật chứa xốp và các bao bì nguy hiểm khác bằng chất liệu an toàn hơn đến từ thực vật. Nhưng nhiều trong số những bao bì trông có vẻ an toàn lại có thể chứa nhiều hóa chất nguy hiểm bên trong.
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi các nhóm vận động người tiêu dùng Safer Chemicals, Healthy Family và Toxic-Free Future cho thấy: gần 2/3 hộp đựng giấy từ 5 cửa hàng tạp hóa lớn nhất có chứa hàm lượng flo cao. Nghĩa là bao bì có thể đã trải qua quá trình sử dụng PFAS, một nhóm hóa chất công nghiệp được sản xuất tại Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra với 11% các tiệm bánh mỳ và cửa hàng thức ăn nhanh. PFAS đã được chứng minh là chất hóa học gây ra các vấn đề về sinh sản, phát triển, chức năng gan, thận và hệ thống miễn dịch ở động vật thí nghiệm. Nó cũng có thể liên quan đến tỷ lệ sinh nở thấp và rối loạn tuyến giáp.
Những gì bạn nên sử dụng thay thế là các hộp giấy nâu hoặc trắng được làm từ 100% giấy tái chế, có chỉ định là phân hủy được.
Hộp/Lon nhôm
Các hộp nhôm có mặt khắp mọi nơi, thường được lót bằng bisphenol A (BPA). BPA, một chất phụ gia chế tạo nhựa, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho là an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm, tuy nhiên có bằng chứng cho thấy BPA hoạt động như một chất gây rối loạn nội tiết. Các công ty sản xuất đã tự nguyện ngừng sử dụng BPA trong bao bì dành cho sữa bột và bình sữa, nhưng nó vẫn tồn tại trong chai nước và nhiều loại túi, gói thực phẩm khác. Rối loạn nội tiết được gây ra có liên quan đến ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, vô sinh và rối loạn chuyển hóa.
Trasande khuyên bạn nên tránh sử dụng lon nhôm nhiều nhất có thể, ngay cả khi nhãn hàng tuyên bố là không có BPA. Ông đề nghị sử dụng đồ uống và thực phẩm được đóng gói trong đồ thủy tinh, cũng như trái cây và rau quả không được bảo quản trong các hộp/lon nhôm.
Nói không với đồ nhựa số 3, 6, 7
Bên cạnh tác động đến môi trường, nhựa có liên quan tới một loạt các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tiêu biểu, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ kêu gọi người tiêu dùng tránh ba loại nhựa có biểu tượng tái chế là các số 3, 6 và 7 .
Số 3 thường được tìm thấy trong bao bì dùng một lần và được làm từ polyvinyl clorua. Nó có thể giải phóng phthalate, một loại hóa chất phổ biến được sử dụng để làm cho nhựa trở nên dẻo hơn. Chất này hoạt động như một tác nhân gây rối loạn nội tiết tố và có thể gây ra béo phì ở trẻ em, các bệnh liên quan tim mạch và cản trở sự phát triển bộ phận sinh dục nam.
Số 6 cũng thường xuất hiện trong các hộp mang đi dùng 1 lần, và khi được làm nóng, nó có thể giải phóng styrene, gây nên trầm cảm và mệt mỏi. Ở liều cao, nó cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng thận .
Số 7, thường được tìm thấy trong các chai nước lớn, có thể chứa BPA, chất gây rối loạn nội tiết có liên quan đến ung thư, rối loạn chuyển hóa và vô sinh.
Tránh các hộp nhựa dùng 1 lần. Các sản phẩm nhựa được dán nhãn với các thuật ngữ “greenware” hay “bio-based” (các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường hoặc các loại được sản xuất dựa trên cơ sở sinh học), thì ít gây hại hơn, nhưng không có nghĩa chúng an toàn 100%. Ngay cả nhựa sinh học, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có thể đi kèm với nguy cơ gây hại tồn tại trước quá trình sản xuất. Một trong số chúng vẫn sẽ giải phóng khí nhà kính khi bị thải vào bãi rác, hoặc đơn giản hơn là nhiều thứ vốn dĩ không thể tái chế.
Sản phẩm bọc nhựa
Một số người tiêu dùng có thể cho rằng trái cây và rau quả được bọc trong nhựa có thể sạch hơn những loại còn lại. Nhưng bao bì nhăn nheo hoặc bám dính lại có thể cho phép các hóa chất xâm nhập vào thực phẩm của bạn.
Trasande cho biết loại nhựa bọc này có thể chứa phthalate, một trong những chất gây rối loạn nội tiết phổ biến nhất
Chúng ta nên mua trái cây và rau quả không có bất kỳ loại bao bì nào. Tốt hơn nữa, dự trữ sản phẩm được lấy trực tiếp từ thị trường nông sản địa phương sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm.
Cốc cà phê
Cốc cà phê trông có vẻ vô hại, nhưng hầu hết các cốc giấy được phủ bằng nhựa, giúp chúng không bị rò rỉ. Điều đó có nghĩa là những người uống trà hoặc cà phê đang trộn chất lỏng còn nóng với nhựa. Đây có lẽ không phải là “điều an toàn nhất để thực hiện trong một thời gian dài”, ông Elizabeth Balkan, Giám đốc chất thải thực phẩm tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho biết, “nhựa có khả năng bị rò rỉ khi bị đun nóng”.
Thay vào đó, bạn nên bảo vệ môi trường và đồ uống bằng cách mang cốc của riêng mình đến quán cà phê.
Bao bì nhựa có thể sử dụng trong lò vi sóng
Rất nhiều hộp đựng và bình chứa đựng thực phẩm đông lạnh có thể được cho là an toàn khi dùng với lò vi sóng. “Thực tế, không có thứ gì được gọi là nhựa an toàn cho lò vi sóng”, ông Trasande nói. Làm nóng bất kỳ loại nhựa nào trong lò vi sóng cùng có thể làm cho hóa chất thấm vào thực phẩm bạn sắp ăn.