Về nguyên tắc thì xe máy hoạt động khắc nghiệt hơn ô tô, nó chỉ có một xi lanh, vòng tua cao hơn nhiều do đó dầu xe máy đòi hỏi độ nhớt cao hơn. Không giống như ô tô, dầu nhớt dùng cho xe máy phải vừa bôi trơn buồng đốt vừa bôi trơn hộp số cho nên có sự khác biệt đáng kể.
Ngoài ra theo các chuyên gia về ô tô, việc xe máy sử dụng dầu nhớt dành riêng cho ô tô là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt, sẽ khiến cho các chi tiết bên trong động cơ xe máy bị biến dạng và nhanh giảm tuổi thọ. Đồng thời, chính do thói quen đổ dầu máy “thừa hơn thiếu” còn có thể làm gẫy tay biên hoặc vỡ hộp số.
Cụ thể, động cơ xe máy hoạt động ở tốc độ cao hơn nhiều so với ô tô. Do đó, chịu tải lớn hơn, làm việc ở nhiệt độ cao hơn và đòi hỏi mức độ bảo vệ chống mài mòn cao hơn. Số vòng quay của động cơ lớn còn làm tăng nguy cơ tạo bọt, tăng nhiệt độ, làm giảm khả năng chịu tải của dầu nhớt và đẩy nhanh quá trình oxi hóa. Đồng thời, động cơ xe máy có tỉ số nén lớn hơn động cơ ô tô nên mức độ chịu tải và nhiệt lượng phát sinh cũng cao hơn. Nhiệt độ cao trong động cơ thúc đẩy nhanh quá trình xuống cấp, rút ngắn tuổi thọ và tăng lượng cặn lơ lửng trong dầu. Không chỉ vậy, động cơ xe máy thường vận hành gấp đôi động cơ ô tô nên phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và chịu tải cao hơn.
Đáng chú ý, bên trong động cơ ô tô có khoang chứa dầu nhớt riêng biệt để bôi trơn hàng trăm chi tiết máy, còn động cơ xe máy không có khoang chứa này. Do đó, việc sử dụng dầu nhớt ô tô cho xe máy có thể gây ra hiện tượng trượt hộp số, khiến động cơ bất ngờ bị vỡ khi đang vận hành. Do đó dầu nhớt xe máy cần phải có cấp chất lượng và độ bền trượt cao hơn để đảm bảo độ bền của lớp màng dầu bôi trơn.