Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 9/1


Được rao bán là do lấy tận nơi sản xuất nên có giá thành rẻ khiến nhiều người nhẹ dạ, cả tin đặt mua các loại "sâm tươi Hàn Quốc" trên mạng xã hội với giá chỉ từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/kg.
 
 
Chỉ cần gõ cụm từ "sâm tươi Hàn Quốc" lên các trang mạng xã hội, hàng loạt các thông tin về loại sâm này được gửi đến khách hàng. Đáng chú ý, sâm tươi Hàn Quốc được chủ các cơ sở rao bán chỉ với giá 500.000 đồng/kg với loại 6 củ/kg. Với các loại 4 củ/kg, giá sâm cũng chỉ dao động từ 550.000 đồng đến 600.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều khách hàng không khỏi bất ngờ là sản phẩm họ nhận được lại không phải là sâm tươi Hàn Quốc như quảng cáo mà lại là một loại củ có hình dáng tương tự. Nhiều khách hàng đã chủ quan không kiểm tra hàng hoặc nhờ nhận hộ đã không khỏi bức xúc khi rơi vào tình huống này. 

Chị Nguyễn Hải Lan (41 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) bức xúc cho biết: "Cách đây 2 tuần tôi đã đã đặt sâm từ trang fanpage "Sâm tươi Hàn Quốc 580.000". Tôi đang đi làm nên nhờ con gái nhận hộ nhưng khi về kiểm tra thì lại không phải là củ sâm Hàn Quốc như trước đây tôi đã từng mua. Thái ra cũng không hề có mùi vị tương tự. Tôi rất bức xúc nhưng không biết kêu ai chỉ tại mình chủ quan khi không kiểm tra kỹ hàng".

Chuẩn bị ngâm bình rượu sâm ăn Tết nhưng anh Nguyễn Văn Thiết (số 11, ngõ 32, Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội) như "ngã ngửa" khi sản phẩm nhận được lại là đương quy. Anh Thiết cho biết: "Tôi rất bức xúc khi mình đã bị lừa. Củ mà tôi nhận được chỉ là đương quy trong khi quảng cáo là nhân sâm Hàn Quốc. Đáng nói, trang này không hề có địa chỉ và số điện thoại cụ thể".  

Lần theo địa chỉ mà chị Lan cung cấp, qua quá trình tìm hiểu chúng tôi phát hiện hầu hết các hình ảnh mà những fanpage cung cấp đều là giả mạo. Một trong những hình ảnh được các trang fanpage này thường xuyên sử dụng là các nghệ sĩ nổi tiếng cùng sản phẩm. Theo hoa khôi doanh nhân Hương Hoàng: "Tôi chưa từng bán một kg sâm nào với giá như vậy. Tất cả các hình ảnh và thông tin trên đều là giả mạo".

Chị Trương Thị Tranh (SN 1991, ở Xuân Hùng, Hùng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng), một đầu mối cung cấp sâm Hàn Quốc lâu năm cho biết: "Những trang fanpage nào bán sâm với giá 500.000 đồng đến 600.000 đồng là chiêu thức lừa đảo của người bán bởi vì sâm Hàn Quốc giá thấp nhất cũng rơi vào tầm 1.000.000 đồng/kg loại bé. Còn loại 6 củ sẽ rơi vào khoảng 2.000.000 đồng  đến 2.200.000 đồng/kg. Nhiều trang lừa đảo đi lấy hình ảnh sâm thật của bên tôi cũng như các trang khác để quảng cáo sản phẩm khiến khách hàng tin đó là thật. Thậm chí, nhiều nơi, khi sâm được giao đến thì khách hàng không được kiểm tra hàng nên rất nhiều khách đã bị lừa. Thông thường, nó sẽ giả sâm đương quy để gửi đi lừa khách bởi sâm đương quy của Việt Nam chỉ khoảng 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg".

Đồng quan điểm với chị Chanh, chị Nguyễn Thị Hòa  (27 tuổi, Lộc Hà, Hà Tĩnh), là nhân công trực tiếp hái sâm ở nông trường Geasan, Hàn Quốc tâm sự: "Vùng sâm chuẩn Geasan tương tự như vùng trồng chè ở Việt Nam vậy. Tuy nhiên, giá tận vườn đã rơi vào 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/kg. Tuyệt đối, không thể có giá 500.000 đồng/kg được. Mình đã từng gửi sâm về cho bố mẹ. 500.000 đồng chỉ đủ giá vận chuyển".

Chia sẻ với PV, lương y Nguyễn Thị Lý, Hội Đông y Hà Tĩnh nêu rõ: "Sâm tươi Hàn Quốc 500.000 đồng/kg thì không thể có sâm thật được. Theo hình ảnh cung cấp thì đó chính là củ đương quy. Đây là đương quy nam. 

Nhân sâm là loài thảo dược quý hiếm và rất khó trồng, có tên khoa học là (Panax Ginseng) là một vị thuốc quý của y học cổ truyền và được xếp hạng vào 1 trong 4 loại thảo dược quý hiếm "sâm - nhung - quế - phụ" của Đông Y từ hàng ngàn năm trước. 

Đương quy đa phần có tác dụng bổ huyết và không thể có những tác dụng như sâm và không phải ai cũng dùng được đương quy. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai dùng đương quy thì có thể gây sảy thai. Người viêm loét hệ tiêu hóa thì tuyệt đối không thể sử dụng. Không chỉ vậy, nếu để hỏng, dập thì đương quy tươi dễ rất dễ bị mốc thối chuyển từ thuốc bổ sang thuốc độc. Sâm tươi Hàn Quốc giá rẻ nhất cho loại 10 củ cũng sẽ phải từ 1.500.000 đồng/kg nên khách hàng tuyệt đối không được cả tin, tiền mất tật mang".

"Nếu khách hàng kỹ lưỡng hơn có thể dễ dàng nhận biết đương quy và sâm. Sâm tươi Hàn Quốc có màu nhạt hơn hẳn đương quy. Lượng rễ nhánh cũng ít hơn. Vỏ ngoài trơn tru và ít có các u sần còn đương quy thì ngược lại", lương y cho biết thêm.

Tết đang đến gần, nhu cầu mua sâm để ngâm rượu, quà biếu hay chăm sóc sức khỏe đang tăng cao. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, kiểm tra hàng hóa kỹ, tham khảo giá nhiều kênh để tránh tiền mất, tật mang.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC