Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 27/6


Măng cụt xanh lên đời thành đặc sản có giá lên tới nửa triệu đồng/kg

Mỗi kg măng cụt chín đang được bán với giá từ 40-60 nghìn đồng/kg nhưng ruột của quả măng cụt xanh lại có giá lên tới 550-700 nghìn đồng/kg.
 
 
Là loại trái cây được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, quả măng cụt thường được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Khi chín, măng cụt có lớp vỏ cứng có màu tím đen, bên trong có các múi màu rắng, ăn có vị ngọt thanh được nhiều người ưa thích.

Thông thường, người tiêu dùng đã quen với hình ảnh quả măng cụt chín được bày bán khắp các cửa hàng hoa quả với giá từ 40-60 nghìn đồng/kg nhưng ít ai biết được rằng quả măng cụt xanh, vừa chua vừa chát lại được lùng mua với giá đắt hơn măng cụt chín.

Chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, măng cụt xanh được chị bán với giá 75 nghìn đồng/kg nếu mua cả quả, còn ruột măng cụt thì có giá lên tới 550 nghìn đồng/kg. Khách muốn mua phải đặt trước vì không phải ai cũng biết ăn loại quả này.

“Măng cụt xanh rất hiếm vì chỉ những người sành ăn, biết ăn mới đặt mua. Những người khác, không biết chế biến thì có cho họ cũng vứt đi vì vừa chua vừa chát không thể nuốt nổi”, chị Huyền cho hay.

Theo chị Huyền, măng cụt xanh rất cứng và có nhiều mủ, nếu người mua không biết sơ chế thì ruột măng cụt sẽ bị đen và ăn sẽ bị chát. Chưa kể, mỗi kg măng cụt xanh khi gọt bỏ vỏ chỉ được 150g ruột. Vì vậy, để có 1kg ruột măng cụt phải gọt mất 6-8kg măng cụt cả vỏ.

“Hàng hiếm lại sơ chế mất thời gian nên mỗi lần lấy 2-3 tạ măng cụt chín tôi mới lấy kèm khoảng 20kg măng cụt xanh để trả hàng cho khách”, chị Huyền nói.

Từng được thưởng thức món gỏi gà măng cụt khi đi du lịch, chị Thuỳ Linh, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm nào cũng đặt măng cụt xanh về chế biến cho cả nhà thưởng thức.

Chị Linh cho biết, nếu măng cụt chín ăn ngon 1 phần thì măng cụt xanh trộn gỏi gà ăn ngon gấp 10 lần. Ăn vừa giòn vừa ngọt, không chát một chút nào.

Để ruột măng cụt không bị chát, chị Linh cho rằng, khi gọt phải chuẩn bị 1 chậu nước sạch chứa quả măng cụt chưa gọt, chậu còn lại pha thêm chút muối để rửa ruột măng cụt sau khi gọt. Khi gọt phải mang găng tay để tránh nhựa măng cụt bám vào da.

“Dùng dao sắc để gọt lớp vỏ cứng bên ngoài rồi để vào chậu nước đã pha nước muỗi loãng. Tiếp đó rửa sạch và ngâm ruột măng cụt vào chậu nước đá cho măng cụt giòn. Thái thành từng miếng như bông hoa sau đó kết hợp với thịt gà luộc để làm gỏi”, chị Linh phân tích.

Ngoài thịt gà, các nguyên liệu cần có để làm thành món gỏi măng cụt không thể thiếu đó là cà rốt thái sợi, hành tây, lạc rang, hành phi, rau răm thái nhỏ.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu sẽ mang tất cả trộn đều với mắm chua ngọt và tỏi ớt. Vị mềm, ngọt của thịt gà kết hợp với vị giòn ngọt của măng cụt, vị thơm ngậy của thịt gà và hương thơm của các loại rau gia vị, trở thành món ăn mà ai ăn một lần cũng không thể nào quên.

Chị Bùi Nguyễn Ngọc Hà, trú tại thị xã Bình Long (Bình Phước) cho biết, măng cụt xanh mỗi năm chỉ có một mùa nên năm nào đến mùa chị cũng đặt măng cụt xanh ở Lái Thiêu (Bình Dương) về chế biến với giá 500.000 đồng/kg.

Theo chị Hà, Lái Thiêu là xứ sở của măng cụt, món gỏi măng cụt cũng là món ngon nổi tiếng tại nơi đây. Cứ 2-3 ngày, chị Hà lại đặt khoảng 5-6kg ruột măng cụt từ đó về rồi rửa sạch bằng nước muối để rửa sạch mủ còn sót lại rồi cất vào tủ lạnh để giữ độ giòn của măng.

Khi trộn gỏi xong, bước cuối cùng chị mới bỏ măng cụt vào trộn cùng và giao ngay cho khách để tránh làm dập măng và mất độ giòn.

Cứ mỗi kg măng cụt, chị Hà làm gỏi với 10 con gà, mỗi con chị bán với giá 400.000 đồng. Mỗi đợt chị làm từ 30-40 con gà bán hết veo. Khách nào thích ăn thêm măng cụt chị cũng bán riêng với giá 100.000 đồng/200gr.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC