Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 8/4


Nông dân không còn rau để 'giải cứu', giá rau lại tăng gấp 4 lần 
 
Sau thời gian giá rau chạm đáy, “cho không ai lấy” phải mang về cho bò ăn, đến nay nông dân Nghệ An vui mừng khi mức giá dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, số lượng rau chưa tiêu thụ còn quá ít khiến “niềm vui chẳng tày gang”.
 
 
Ghi nhận tại các vựa rau của TP.Vinh và các vùng phụ cận như huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc (Nghệ An), giá rau hiện cao gấp nhiều lần so với thời điểm đầu tháng 3.

Bà Lê Thị Hoa (trú tại xã Hưng Đông, TP Vinh) cho biết: “Đầu tháng 3, giá các loại rau cải cúc, rau mầm, rau thơm... chỉ từ 1.000 - 2.500 đồng/bó, bắp cải cũng rớt đáy 2.500 đồng/bắp, thậm chí có lúc “cho không ai nhận” phải mang về cho gia súc, gia cầm ăn. Đến nay, giá các loại rau này đã tăng lên từ 8.000 - 10.000 đồng/bó tại ruộng. Khổ nỗi, giá cả tăng nhưng không còn nhiều rau để bán vì trước đó bán rẻ hoặc nhổ bỏ hết rồi”.

Tương tự, tại các vựa rau lớn vùng Bãi Ngang gồm các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai... nông dân phấn khởi tiêu thụ lượng rau còn lại. Tuy sản lượng còn ít nhưng là dấu hiệu vui cho bà con trong vụ mùa mới.

Xã Diễn Phong là một trong những địa phương có diện tích rau lớn nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đầu tháng 3, giá rau sụt giảm chỉ 300 - 500 đồng/kg nhưng vẫn không thể tiêu thụ được, buộc các tổ chức, đoàn thể chung tay giải cứu. Sau một tháng, giá rau tại Diễn Phong đã bất ngờ tăng mạnh, cao gấp 3 - 4 lần.

Được biết, tại xã Diễn Phong có 40 ha rau các loại, đến cuối tháng 3/2021, các tổ chức, đoàn thể đã giải cứu 30 ha rau với khối lượng gần 1.000 tấn (giá giải cứu 1.000 đồng/bắp cải). Hiện chỉ còn khoảng 10 ha rau thu hoạch muộn được bán với giá từ 3.000 - 4.500 đồng/bắp, chỉ có những hộ trồng lứa sau mới có thể bán được mức giá này.

Anh Ngô Thành Công - Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu cho hay: “Trong thời gian rau rớt giá xuống đáy, Huyện đoàn đã tổ chức “giải cứu” giúp người dân tổng hơn 300 tấn. Trong đó, các loại rau như bắp cải, khoai tây, cà chua là nhiều nhất. Thời điểm đó, rau ế ẩm, hư hỏng, bắt buộc phải tiêu thụ để nông dân thu hồi phần vốn ít ỏi”.

Theo giải thích của các thương lái, nguyên nhân khiến giá rau tăng mạnh là do không còn là chính vụ sản xuất rau, lượng rau cung ứng trên thị trường không dư thừa. Đặc biệt, thời gian này bước vào mùa nắng nóng, rau xanh được ưa chuộng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn, các thương lái đã bắt đầu tìm mua rau để cung ứng cho các thị trường lớn.

Tuy nhiên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Nghệ An khuyến cáo, các địa phương và người dân không nên vì giá rau tăng cao trở lại mà mở rộng diện tích rau ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến tình cảnh được mùa, mất giá như thời gian qua. Cần nghiên cứu kỹ thị trường, lựa chọn giống rau phù hợp với từng địa phương, đẩy mạnh liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC