Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 5/11


Đặc sản Đà Lạt đỏ chợ Hà Nội, nhiều người tưởng hàng Trung Quốc

Đang vào mùa, loại quả đặc sản Đà Lạt có vỏ đỏ mọng như trái cà chua đổ bộ chợ Hà Nội với giá bình dân. Nhiều người nhầm tưởng đây là hàng Trung Quốc.
 
 
Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Thuý Hằng ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đi chợ thấy quả hồng vuông đỏ mọng như trái cà chua, được bán nhiều tại khu chợ gần nhà mình. Với giá chỉ 35.000-50.000 đồng/kg, chị quyết định mua vài cân về để chín mềm rồi ăn dần.  

“Quả hồng vỏ đỏ chót, căng mọng, chín mềm ăn ngọt lịm lại dẻo thơm. Người bán nói đây là đặc sản Đà Lạt, nhưng nói thật tôi hơi lăn tăn vì sợ là hàng Trung Quốc”, chị nói. 

Chị giải thích, trước nay mấy loại trái cây Trung Quốc, trong đó có quả hồng nhập về chợ bán thường rất đẹp mã, vỏ căng bóng. Còn mấy loại hồng trứng của mình, chín đỏ ăn cũng ngọt nhưng thường xấu mã.

Chị Trần Kim Phượng ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận, chị đi chợ thấy hồng vuông được bày bán nhiều, song nghĩ đó là hồng Trung Quốc. Khoảng hơn một tuần nay, siêu thị mini dưới nhà cũng bán, nhân viên nói là đặc sản hồng vuông Đà Lạt ăn ngọt dẻo.

Trên thị trường, hồng vuông Đà Lạt được bày bán la liệt. Người bán quảng cáo hồng này nhìn bên ngoài quả căng mọng chín đỏ như quả cà chua. Quả hồng khi chín mềm tay ăn ngọt dẻo, thơm mát. Nếu chưa chín kỹ, ăn vẫn ngọt nhưng có vị hơi chát đọng lại. Loại đặc sản Đà Lạt này có giá dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg.

Chị Hoàng Thị Xuân, bán trái cây tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), cười nói: “Những ngày đầu bán hồng vuông, ai tới mua hàng cũng hỏi có phải hàng Trung Quốc không, giờ thì ít người hỏi hơn vì đã ăn quen và biết đây là đặc sản Đà Lạt”.

Thực ra mọi người gọi nó là “hồng vuông Đà Lạt” hay “hồng vuông đồng Đà Lạt” cho dễ nhận biết. Còn hàng chị bán tại chợ là hồng vuông đồng, được trồng tại các nhà vườn ở thị trấn Dran (Đơn Dương, Lâm Đồng). Đây là vùng trồng hồng nổi tiếng của tỉnh này.

“Tôi nhập trực tiếp từ các nhà vườn. Họ thu hái khi quả mới chín vàng rồi đóng thùng chuyển ra ngoài này. Khi nhận, quả bắt đầu chuyển sang chín đỏ đúng độ để bán và ship cho khách mà không lo bị dập nát”. Chị Xuân cho biết, mỗi lần chị nhập khoảng 1,5-2 tạ về bán dần, đến khi hết chị mới báo lấy tiếp.

Có nhiều khách chọn mua hồng vừa chín, cũng có khách chọn loại đã chín mềm để ăn ngay. Những ngày này đang mùa hồng, giá lại khá bình dân nên trung bình chỉ 2-3 ngày lô hồng 1,5-2 tạ được bán hết, chị tiết lộ.

Chuyên bán trái cây online, chị Đinh Thị Hải Yến ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, loại hồng vuông hàng vip giá chỉ 55.000 đồng/kg, còn loại thường có giá 35.000-40.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. 

Lượng khách đặt mua hồng vuông Đà Lạt rất nhiều. Trong đó, đa phần khách chọn mua theo set 3kg hoặc 5kg mỗi lần. Bởi, hồng chị ship cho khách vẫn còn ương (vỏ vàng bắt đầu chuyển sang đỏ) hoặc hồng vừa chín đỏ nên khách thường mua vài cân, chín đến đâu ăn đến đó.

Theo chị, những năm trước giá hồng vuông này đắt đỏ, dân buôn như chị ít nhập về vì khó bán. Năm nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá hồng giảm mạnh. 

“Thường loại trái cây nào cũng vậy, giá cả bình dân sẽ có nhiều người mua hơn. Cũng vì thế nên mùa hồng vuông này, trung bình mỗi ngày tôi bán hết hơn 1 tạ. Có ngày cao điểm bán hết gần 2 tạ”, chị nói.

Các nhà vườn trồng hồng ở thị trấn Dran cho hay, hồng là cây có giá trị kinh tế cao ở vùng này. Gần như nhà nào cũng trồng hồng. Trong đó, hồng vuông đồng là giống không tốn quá nhiều công chăm sóc, năng suất lại cao.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhiều loại hồng giảm 1/3, thậm chí là chỉ còn một nửa so với năm trước.

Thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, hiện địa phương có khoảng 1.000 ha hồng, chủ yếu tập trung tại thị trấn Dran theo hình thức cả trồng xen canh (trồng xen với những cây khác) và chuyên canh, với các giống chủ yếu là hồng vuông đồng, hồng vuông Tám Hải, hồng trứng... Những giống này cho năng suất cao, trung bình mỗi ha cho sản lượng trái từ 15-20 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng. 

Theo VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC