Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 23/3


Náo loạn giao dịch lan đột biến hàng trăm tỷ đồng: Cẩn thận sập bẫy!

Trước những thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới hàng trăm tỷ đồng gây náo loạn dư luận, các cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo.
 
 
250 tỷ đồng 1 cây lan đột biến

Vào ngày 15/3, cộng đồng mạng xôn xao về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.

Trên facebook của anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là chủ nhân mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18.888.888.888 đồng. Dù đã nghe và quen với những vụ chuyển nhượng lan tiền tỷ, nhưng khi giao dịch này được thông báo thành công, nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt.

Anh Hoàng A.T., một người trong nhóm những người chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng cho biết: "Cây lan này thực chất đã được bán trước Tết nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên đến ngày 12/3/2021, người mua mới ra nhận cây. Nếu tính đến thời điểm bây giờ, giá trị cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng còn cao hơn nhiều so với giá trị giao dịch lúc đó".

Anh T. cũng cho biết thêm, người mua cây lan này ở Lâm Đồng, hình thức giao dịch hoàn toàn là bằng tiền mặt chứ không phải vật đổi vật.

Người trong cuộc lên tiếng

Ngay sau khi cuộc giao dịch lan var trên diễn ra, rất nhiều facebook đã đăng tải, bày tỏ ý kiến cho rằng đây là mức giá phi lý, không có trên thực tế. Thậm chí nhiều người còn nhận định, đây là chiêu giao dịch giả nhằm thổi giá mà không biết thực hư thế nào.

Một đại gia đam mê cây cảnh bức xúc nói: "Ngoài Hà Nam ra, thời gian gần đây những cuộc giao dịch lan đột biến diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác, có nơi giao dịch tới 60 tỷ đồng.

Nếu như năm ngoái, năm kia giá trị một ki khoảng 1-2 tỷ đồng thì đến năm nay giá trị lên đến 16 tỷ đồng. Tôi và một số người rất bức xúc trước trường hợp này, không hiểu vì sao vấn đề bức thiết này lại tiếp tục diễn ra và không có sự can thiệp của nhà chức trách.

Sau những cuộc giao dịch lan giá trị cao như thế này, hệ lụy nó đem lại sẽ rất lớn. Theo tôi được biết những giỏ lan không chỉ có giá trị vài tỷ đồng mà còn có giá tới vài tỷ đô. Tôi nghĩ những việc này có thể có bàn tay của nước ngoài thao túng".

Theo đại gia này nhận định, năm ngoái tình trạng giao dịch lan đột biến đã lắng xuống, thế nhưng năm nay những giao dịch này lại bùng lên còn mạnh mẽ hơn.

Trong thời gian sắp tới, những vụ giao dịch thế này có thể sẽ diễn ra tràn lan hơn. Nhiều người tiền ở nhà chưa chắc đã có nhưng bán nhà, bán xe mua lan nhưng giá trị thu về lại bằng không.

Đặc biệt, vị đại gia này nhận định, tất cả những người giao dịch lan trong các thương vụ trên đều là kinh doanh thu lợi nhuận chứ không phải vì đam mê. Vậy lợi nhuận cuối cùng đi về đâu? Một phần của mục đích này có thể là rửa tiền.
Lượng tiền đổ vào lan như đa cấp lừa đảo. Có người vay mượn, bán nhà, bán xe để mua lan. Việc này thật sự bất công với người nghèo.

Nếu số tiền lớn này đi đúng hướng thì phát sinh lợi cho xã hội để không xảy ra tệ nạn xã hội. Nếu để thả lỏng những giao dịch lan này thì có thể sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại. Ví dụ sau khi mua lan đột biến, sang năm hay năm nữa không ra hoa đúng như cam kết thì bắt đền được ai, nếu không ai đền thì có thể dẫn tới mâu thuẫn và phải dùng bạo lực thanh toán.

"Để hạn chế và quản lý được tình trạng này, các cơ quan chức năng nên giám sát chặt chẽ để không xảy ra hiện tượng giao dịch lan công khai, lừa đảo.

Mỗi cuộc giao dịch, cơ quan chức năng kiểm tra xem lan đó có phải do họ trồng hay không, giá trị giao dịch có thật không, hóa đơn thuế như thế nào? Đặc biệt như trường hợp giao dịch lan ở Hà Nam, sau khi xác định được giao dịch đó là giả thì cơ quan chức năng phải xử lý như thế nào? Tôi thật sự xót cho những người nghèo khi bỏ tiền vào lan và không nghĩ tới hậu quả sau này", vị đại gia này bày tỏ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước những thông tin "gây bão" dư luận, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định, qua xác minh ban đầu, 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng là giả.

"Chúng tôi đã phối hợp với các phường, xã địa phương vào cuộc xác minh. Kết luận ban đầu 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau", ông Dương nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dân trí về trường hợp các đối tượng "lách luật" bằng cách trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế, ông Dương cho rằng: "Trồng lan có đặc thù riêng không cần đất đai, không đại trà nên việc quản lý các đối tượng này rất khó. Chỉ có các hội nhóm chơi lan với nhau tự đưa ra giá, giao dịch không hợp đồng, giấy tờ".

Tương tự, UBND thị xã Đông Triều đã có văn bản đề nghị công an thị xã, Chi cục Thuế vào cuộc xác minh thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng.

Cụ thể, UBND thị xã chỉ đạo Công an thị xã chủ trì, phối hợp với chi cục Thuế Đông Triều, UBND địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về giao dịch mua bán lan var (lan đột biến) với giá trị lớn, có loại lên tới 250 tỷ đồng và báo cáo Thường trực UBND thị xã trước ngày 23/3/2021.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC