THÔNG TIN TIÊU DÙNG 23/2
Cam 'tiến vua' giá hơn 100.000 một quả đứng trước nguy cơ thất truyền
Hương vị ngọt dịu, thơm ngon, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong khiến cam Xã Đoài vô cùng đặc biệt. Mỗi quả cam giá vài đôla, đem lại thu nhập lớn cho người dân, song loại cam này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
“Quyến rũ” khách khó tính
Nhắc đến cam Xã Đoài, người ta lại nhắc đến một loại trái cây nổi tiếng dùng để tiến vua chúa thời Nguyễn. Theo tài liệu được ghi chép tại xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được các cố đạo người Pháp mang đến Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ 19.
Thật bất ngờ, loại cam này phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, và nhanh chóng nổi tiếng với mùi thơm và vị ngọt khó thấy ở giống cam khác. Không lâu sau, nó tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó bén duyên - làng Xã Đoài. “Khi cam có trái, người Pháp ăn thử, và cũng bất ngờ khi cảm nhận được hương vị của loại cam này” - ông Nguyễn Văn Cường (59 tuổi) nói.
Đưa chúng tôi đi xem hai cây cam Xã Đoài 34 năm tuổi vẫn nặng trĩu trái, ông Cường cho hay đây là hai cây cam do bố mình trồng, hiện có tuổi thọ cao nhất vùng. Vườn cam do bố ông trồng từng giành giải nhất một cuộc thi về cam do người Pháp tổ chức. Chính vì sự đặc biệt đó, mà cam Xã Đoài vườn nhà ông Cường luôn có giá cao hơn so với các vườn khác trong vùng.
“Những năm cam hiếm, vào dịp tết, các vườn khác họ bán 100.000 đồng một quả, thì cam của tôi 130.000 đồng một quả cũng không có mà bán. Nên vào dịp này, khách quen vẫn thường đặt trước. Mấy năm nay tôi không nhận đặt hàng nữa, vì sợ thời tiết thất thường, đến tết không còn cam giao cho khách thì mất uy tín”- ông Cường nói.
Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong… Những câu thơ vẫn được người dân xứ Nghệ lưu truyền đã phần nào nói lên được giá trị của giống cam quý hiếm này.
Nói về sự đặc biệt của trái cam khiến nhiều người không ngần ngại mua với giá tương đương vài ký cam khác ngoài thị trường, ông Nguyễn Duy Hảo - một trong những hộ dân trồng cam Xã Đoài lâu năm kể: “Một lần, có một đoàn du lịch người Mỹ ghé nhà chơi, họ nói không tin Việt Nam lại có loại cam giá tới 4 USD một trái. Sau khi tôi mời ăn thử, họ cười rồi mua liền mấy chục quả đem về làm quà”.
Chẳng biết tính xác thực tới đâu, song nhiều người dân Xã Đoài vẫn tương truyền rằng: Ngày xưa giống cam này trồng rất nhiều, chẳng cần bảo vệ nhưng vẫn không ai dám hái trộm. Chủ vườn nằm ngủ trong nhà, song chỉ cần một trái cam rụng ngoài vườn họ cũng biết ngay, bởi mùi hương đặc biệt của trái cam tỏa ra khi rời khỏi cuống.
Mai này có còn cam Xã Đoài “xịn”?
Theo cuốn Lịch sử xã Nghi Diên, vùng đất của Nghi Diên từ xưa chịu ảnh hưởng của kênh Nhà Lê. Một mặt kênh đem chất đất màu mỡ trong quá trình rửa trôi, xói mòn do mưa lũ từ thượng nguồn dãy Đại Huệ đổ về bồi đắp vùng đất trũng thấp. Mặt khác, kênh thông ra sông Cấm theo thủy triều dâng lên tạo ra những bãi hói nước lợ, bị bồi lấp lâu ngày để lại những lớp đen, lầy, mặn.
Chẳng hiểu sao thổ nhưỡng ở vùng Xã Đoài lại thích ứng với giống cam tiến vua, điều này đến giờ vẫn còn là một bí ẩn. Nhiều thử nghiệm đem giống cây này đến trồng ở làng bên cạnh hay các vùng đất khác đều thất bại. Cây vẫn xanh tốt, cho trái đẹp, nhưng hương vị không thơm ngon.
“Cũng giống cây ấy, thậm chí được chiết ra từ cây cam Xã Đoài, nhưng đưa ra khỏi vùng này trồng, nó lại có mùi vị khác. Giá bán 1kg loại cam Xã Đoài trồng ở nơi khác chưa bằng một quả cam gốc” - ông Phan Công Hưởng - nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên nói.
Tính “độc lạ” này của cam Xã Đoài đã tạo nên một thương hiệu nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ qua, song nó cũng dẫn đến thoái hóa gien và chịu sức ép về đất canh tác. Các vườn cam ngày càng bị lão hóa, thu hẹp và chết dần. Ông Phan Công Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên - cho biết, hiện diện tích trồng cam Xã Đoài còn rất ít, đặc biệt là trong vườn nhà dân.
Là hộ dân sở hữu vườn cam đẹp, có số lượng lớn nhất nhì Xã Đoài, ông Nguyễn Văn Thọ (51 tuổi) cho biết, đất ở khu vực Xã Đoài có lớp đất màu rất dày, độ dày của lớp đất màu này được tính từ khu vực cạnh nhà thờ, và giảm dần khi ra ngoài bán kính vài trăm mét.
“Tôi nghĩ quan trọng nhất có lẽ là lớp đất, bởi không chỉ cam Xã Đoài, trước đây người dân địa phương cũng trồng chanh, và tạo nên một thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, do cam có giá trị cao hơn, nên dần họ bỏ chanh sang trồng cam hết”- ông Thọ trăn trở.
Cẩn thận kiểm tra những quả cam còn lại trên cành chờ khách đến cắt làm quà biếu tết, người đàn ông 51 tuổi này cho biết, cũng kế thừa những biện pháp chăm sóc của cha ông, song nay tuổi thọ của cây cam ngày một giảm, dễ chết, sâu bệnh hơn. “Sẽ rất tiếc, nếu một mai giống cam quý này mất đi”- ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND xã Nghi Diên Phan Công Dương cho biết, sau nhiều lần ấp ủ, một người có tiếng trong “giới trồng cam” ở huyện Yên Thành đã quyết định về Xã Đoài đầu tư, phát triển cam Xã Đoài trên diện tích gần 10ha. Lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho hay, qua nghiên cứu, khảo sát, quỹ đất có thể trồng cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên lớn nhất chỉ chừng 100ha.
Tổng hợp nhiều nguồn