Thông tin tiêu dùng

Thông tin tiêu dùng 22/9


*Hàng Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam, Bộ Công Thương 'họp khẩn'

8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được. 

Đáng chú ý, năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu nhiều nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ôtô nguyên chiếc, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ôtô.

Theo lãnh đạo Vụ châu Á, châu Phi, nhập siêu tăng mạnh do Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Việc các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Cùng đó, tâm lý chuộng hàng Thái và lộ trình giảm thuế theo cam kết AGITA đã thúc đẩy nhập khẩu gia tăng mạnh.

8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD. 

Theo các chuyên gia, để hạn chế nhập khẩu, với nhóm hàng ôtô cần có biện pháp tính thuế, nhóm linh kiện kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu. 

Về việc hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều hơn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần nhìn 2 chiều và có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác vì đây là quy luật của thị trường. “Không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua tiếp, do vậy năng lực cạnh tranh cần được cải thiện. Nhiều dòng thuế đã được giảm từ 2005 nhưng chúng ta chưa tận dụng được và không có giải pháp sẽ bỏ lỡ trong giai đoạn tới”, ông Tuấn Anh nói.

* TP.HCM sẽ thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2020

TP.HCM có thể sẽ áp dụng thu phí ô tô vào trung tâm thành phố từ năm 2020. Đề án này đang được UBND thành phố xem xét.
 
 
Dự kiến giai đoạn đầu sẽ được triển khai vào năm 2019, với hệ thống 36 cổng thu phí đa làn không dừng và 1 trung tâm điều hành.

Giai đoạn 2 gồm 39 cổng thu phí sẽ lắp đặt năm 2027, khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như: tuyến metro số 1. Tuy nhiên, hiện nay đề án thu phí ô tô vào nội đô vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC