THÔNG TIN TIÊU DÙNG 17/12
Ngoài phố cổ, Hà Nội còn nơi nào có giá đất tới 1 tỷ đồng/m2?
Nếu phố cổ được mệnh danh là khu đất "kim cương" của Hà Nội, thì xung quanh Hồ Tây lại được coi là khu đất "vàng", với giá trị lên tới 800 triệu đồng/m2.
Phố cổ đắt nhất, thứ hai Hồ Tây
Từ lâu, 36 phố phường luôn được mệnh danh là khu đất "kim cương" của Hà Nội, với giá trị bất động sản đắt ngang với các đô thị lớn nhất thế giới như: Paris, Tokyo, New York,.... Mỗi mét vuông ở đây có giá lên tới cả tỷ đồng, cũng đủ để chủ sở hữu trở thành tỷ phú.
Tuy nhiên, bên cạnh phố cổ, Hà Nội còn một khu đất "vàng" khác, có giá trị cao không hề thua kém, đó chính là các tuyến đường chạy dọc theo Hồ Tây.
Theo khảo sát, các tuyến đường như đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Lạc Long Quân, Vệ Hồ,... nhà mặt đường có giá trị từ 300 - 700 triệu đồng/m2. Trong đó, đường Quảng An, đường Yên Hoa có giá trị cao nhất, có nhà đang rao bán với giá 850 triệu đồng/m2.
Ngay cả những tuyến đường không giáp hồ như đường Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, giá nhà mặt đường cũng dao động trong khoảng 250 - 400 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá nhà mặt ngõ, ô tô có thể đi vào có giá trên khoảng 150 - 200 triệu đồng/m2. Các dãy nhà trong ngõ nhỏ, giá "mềm" hơn đôi chút, khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu so với các khu vực trung tâm khác của Hà Nội, như Đống Đa, Thanh Xuân hay Cầu Giấy, mức giá nhà này đã cao gấp đôi.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Vương Trí, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, mức giá 850 triệu đồng/m2 tại đường Quảng An chưa phải là "đỉnh". Vào thời hoàng kim của bất động sản Hà Nội, giai đoạn 2007 - 2010, giá đất thổ cư, giá nhà ở xung quanh Hồ Tây đã có lúc đạt tới 1 tỷ đồng/m2.
"Thời điểm đó, giá nhà ở Hàng Ngang - Hàng Đào có giá từ 1,1 tỷ đồng/m2 - 1,2 tỷ đồng/m2, thì giá nhà ở xung quanh Hồ Tây cũng xấp xỉ 1 tỷ đồng/m2. Tới năm 2012 - 2013, thị trường bất động sản bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái, giá nhà tại Hồ Tây cũng sụt giảm mạnh, duy trì ở ngưỡng 500 - 700 triệu đồng/m2", ông Trí nói.
Với kinh nghiệm đầu tư bất động sản gần 20 năm, ông Trí cho biết: Nếu phố cổ được mệnh danh là khu đất "kim cương" của Hà Nội, thì xung quanh Hồ Tây lại được coi là khu đất "vàng", với giá trị đất được định giá rất cao.
Giá trị cao, khó giao dịch
Theo giới đầu tư bất động sản, sở dĩ, giá nhà mặt đường Hồ Tây có giá cao thứ 2, xếp sau phố cổ, phần lớn là nhờ vào chính sự điều tiết không khí của Hồ Tây.
Ông Đỗ Trung An, đại diện công ty địa ốc F.L chia sẻ: "Hiếm có thành phố nào, hoặc thủ đô nào có mặt hồ rộng như Hồ Tây. Xét về vị trí địa lý, Hồ Tây giống như lá phổi của Hà Nội, giúp điều tiết không khí, môi trường xung quanh hồ cũng thoáng mát hơn. Do đó, giá nhà tại Hồ Tây đắt đỏ là hiển nhiên. Hầu hết người có thu nhập cao, chuyên gia nước ngoài lựa chọn sống tại Hồ Tây, thay vì lựa chọn phố cổ".
Khác với phố cổ, đặc trưng là nhà nhỏ, ngõ nhỏ, tại Hồ Tây, nhà ở tương đối rộng rãi và thường kèm theo vườn tựa, nhiều lô đất đang rao bán trên thị trường lên tới cả nghìn mét vuông.
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, không hiếm chủ nhà đang rao bán đất tại Hồ Tây với giá trị giao dịch từ vài chục tỷ đồng, cho tới vài trăm tỷ đồng. Cũng vì giá trị đất tại đây rất cao, nên không khí giao dịch mua - bán diễn ra trầm lắng.
Theo ông An, hầu hết, chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, homestay, mới quan tâm nhiều tới giá đất Hồ Tây.
"Ngày trước, vùng Hồ Tây là đầm lầy, đất đai đa phần là đất nông nghiệp, trồng hoa, trồng rau, nên chủ đất thường bán theo các lô rộng vài trăm mét vuông, không tách thửa, không phân lô.
Chỉ có một số ít nhà trong ngõ, hoặc dọc các tuyến đường Vệ Hồ, Trích Sài có nhà rao bán dưới 100 m2, tuy nhiên, giá cũng rất cao. Vì vậy, dù giá cao, nhưng bán đất, bán nhà tại Hồ Tây không phải là dễ", ông An nói.
Tổng hợp nhiều nguồn