Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 14/5


Măng cụt Thái Lan ngập chợ, người Việt ăn mà không biết

Từ đầu mùa đến nay, riêng TP HCM đã có khoảng 700 tấn măng cụt Thái Lan đổ về chợ đầu mối.
 
 
Hiện đang vào mùa trái cây nhiệt đới, trong đó, măng cụt là loại quả đang rộ mùa, bán khắp TP HCM. Do trái cây được bán lẻ phần lớn là không bao bì, nhãn mác nên nhiều người tiêu dùng không biết phần lớn măng cụt đang tiêu thụ được nhập khẩu từ Thái Lan, hàng trong nước rất ít.

Theo khảo sát của phóng viên, giá măng cụt tại chợ bán lẻ từ 40.000 – 60.000 đồng/kg và không phân biệt nội địa hay nhập khẩu. Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng thực phẩm hoặc chuyên doanh trái cây, măng cụt có ghi rõ là xuất xứ Thái Lan với giá bán khác nhau, tùy theo kích cỡ.

Tại cửa hàng Minh Phương (đường Nguyễn Thái Bình, quận 1) măng cụt Thái Lan bán 125.000 đồng/kg (khoảng 10 quả/kg). Còn cửa hàng LeKhaMart (đường số 7A, quận 11) bán măng cụt Thái Lan 70.000 đồng/kg, măng cụt Việt Nam trồng tại Bình Phước giá 85.000 đồng/kg và đều "bao ăn".

Tại vựa trái cây C.N (quốc lộ 12, phường An Phú Đông, quận 12), măng cụt Thái Lan được chào giá sỉ 48.000 đồng/kg (mua từ 20 kg) và cho đổi trả nếu quả bị sâu, dập.

Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, chợ sỉ trái cây lớn nhất TP HCM, cho hay măng cụt Thái Lan về chợ từ ngày 15-3, tổng lượng hàng về đến nay ước đạt 700 tấn. Thời gian gần đây, hàng về rộ hơn với khoảng 40 tấn/ngày, giá bán sỉ tại chợ từ 45.000 – 53.000 đồng/kg.

Trong khi đó, măng cụt Việt Nam mới về chợ đầu mối Thủ Đức từ ngày 26-4 với sản lượng khoảng 3,5 tấn/ngày, giá bán sỉ từ 45.000-50.000 đồng/kg là giống măng cụt Cái Mơn (Bến Tre) nhưng trồng tại Lâm Đồng.

Về phân biệt măng cụt 2 loại măng cụt, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết hàng Thái Lan trái đều, da không có cám và được đóng thùng giấy hoặc rổ nhựa có nhãn mác thể hiện xuất xứ, còn hàng trong nước thì không.

Nhìn chung, với người tiêu dùng thường khó phân biệt được xuất xứ 2 loại măng cụt vì rất giống nhau, với người sành ăn thì măng cụt Việt Nam có vị chua nhẹ, trong khi măng cụt Thái Lan ngọt.

Theo một báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cây măng cụt tại miền Nam khoảng 7.230 ha, tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương (mỗi tỉnh có hơn 1.000 ha). Măng cụt là loại quả nhiệt đới ngon, được mệnh danh là "nữ hoàng trái cây" nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Đây lại là loại quả bảo quản được lâu, vỏ dày, dễ vận chuyển đi xa, thuận lợi để xuất khẩu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khả năng mở rộng diện tích cây măng cụt rất hạn chế do thời gian cho quả chậm (7- 10 năm), tốn công thu hái (thu từng trái), hiệu quả kinh tế thấp, không cạnh tranh được với các loại cây ăn quả khác.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC