Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 11/1


Lấy lá cây này xếp chồng lên nhau, bán giá hàng nghìn USD một sản phẩm

Thu lượm lá cây đem về làm qua nhiều công đoạn rồi xếp chồng chúng lên nhau tạo thành tác phẩm nghệ thuật, giá bán lên đến 5.000 USD (khoảng 115 triệu đồng).
 
 
Đó là những bức tranh - sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh, được làm từ những chiếc xương lá cây bồ đề. Những tác phẩm nghệ thuật này có giá bán rất cao, có những bức bán giá lên đến 5.000 USD, khách Việt vẫn đặt mua rất nhiều.

Vốn sinh ra trên mảnh đất Ninh Bình – nơi trồng rất nhiều cây bồ đề, anh Hoàng Thanh Phương luôn suy nghĩ rằng mình có thể làm gì với những chiếc lá này. Cách đây 3 năm, anh biết đến xương lá bồ đề - món quà từ một cậu em. Anh nhìn những đường gân lá thấy huyền bí và muốn làm một thứ gì đó liên quan đến loại xương lá này.

“Khi biết đến, tôi liền tìm kiếm trên mạng các thông tin về sản phẩm làm từ xương lá bồ đề. Lúc đó, tôi chỉ thấy nguồn thông tin duy nhất là bên Ấn Độ, họ đã dùng những chiếc xương lá này để ép plastic làm quà tặng tâm linh từ các chùa. Trên thế giới thời điểm này, tôi chưa thấy ai làm nghệ thuật từ lá bồ đề cả nên cũng không có thông tin gì để tham khảo”, anh chia sẻ.

Vẫn chưa từ bỏ quyết tâm, anh bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này. Anh mong muốn xấy dựng một sản phẩm du lịch được làm từ loại lá này để làm biểu trưng cho tỉnh Ninh Bình. Sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ để nghĩ, anh cũng ra được ý tưởng làm tranh từ xương lá cây bồ đề.

Để làm tác phẩm này, anh cho rằng người làm phải có tâm hướng Phật vì đây là dòng sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh. Nếu không, tác phẩm sẽ gần như chỉ mang tính chất thương mại, không có giá trị về mặt tinh thần thực sự. Thứ hai, người làm cần phải có tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, lắng nghe và biết tiếp thu ý kiến từ phía các Thầy ở chùa và Phật tử đích thực. Thứ ba, người làm cần có chút năng khiếu về nghệ thuật.

Với những tiêu chí tuyển chọn này, anh hầu hết nhận và hướng dẫn cho những người rất bình thường, không thuộc giới nghệ sĩ. Vì theo anh, những người nghệ sĩ, họa sĩ còn bận với việc sáng tác của họ và họ cũng không đủ kiên nhẫn để theo đuổi những thứ mà anh hướng tới.

Thời gian đầu làm, anh cũng được các anh em nghệ sĩ và họa sĩ tư vấn nhiệt tình, giúp đỡ và định hướng cho anh về góc nhìn nghệ thuật. Từ đó, anh có thể truyền đạt lại cho các nghệ nhân làm tranh sau này anh đào tạo có hướng làm theo.

Ban đầu anh chỉ hướng dẫn mọi người làm các sản phẩm đơn lẻ, tạo thành từ một chiếc lá, trong đó có lồng ghép các hình ảnh, chữ thư pháp... Sau này, mọi người cùng nghiên cứu và làm ra các tác phẩm với chủ đề khác nhau có sự kết hợp của đá quý, vỏ cây, hoa tre...

Sau thời gian làm, anh cùng các nghệ nhân làm ra hàng nghìn tác phẩm. Trong đó, có tác phẩm chỉ cần một lúc là xong nhưng cũng có những bức tranh cần đến 2-3 tháng mới hoàn thiện. Các tác phẩm đòi hỏi nhiều thời gian là vì anh phải vừa làm vừa lên ý tưởng, thêm vào đó là mất thời gian đi nhặt lá cây về ngâm, sấy và xử lý bảo quản khi lên tranh.

Các bức tranh làm từ xương lá bồ đề có giá trị cao, có nhiều bức giá dao động từ 1000 – 5000 USD (khoảng 20 – 115 triệu đồng). Sở dĩ tranh đắt như vậy, anh Phương cho biết nó có giá trị cao về thẩm mỹ, cộng thêm yếu tố tâm linh và nó còn mang tính độc bản.

Theo anh, cái khó nhất trong làm tranh này là ý tưởng, còn cách làm chỉ cần tỉ mỉ và cần cù là được. “Trong đó, công đoạn lấy xương lá bồ đề cũng mất khá nhiều thời gian. Những chiếc lá hái về sẽ được ngâm trong nước vôi khoảng 60 ngày, rồi mới lấy được phần thịt của lá ra sao cho không làm rách xương lá. Nếu rách nhiều, chiếc xương lá sẽ phải bỏ đi”, anh cho hay.

Khi lấy được xương lá ra, người làm phải đem phơi khô và nhuộm màu. Điều chú ý, không phải chiếc lá nào cũng có thể lấy về làm tranh được. Anh Phương cho biết những chiếc lá phải đạt yêu cầu: bánh tẻ, màu xanh thẫm, khỏe và có đường gân rõ ràng, lá cân đối, râu lá thon dài... Và mùa thu hoạch thích hợp nhất là vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

Nói về ý nghĩa của những bức tranh làm từ xương lá bồ đề, anh Phương cho rằng lá bồ đề gắn liền với câu chuyện giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, anh mong muốn những tác phẩm làm từ lá cây này sẽ giúp mọi người xem và chiêm ngưỡng nó cũng được “giác ngộ” chính bản thân mình. 

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC