Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 8/3


Ô tô Thái Lan, Indonesia đổ về, xe Việt nội địa bị đè ép

Thị trường ô tô Việt Nam năm nay dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 10%, với doanh số khoảng 450.000 xe, vượt qua Philippines xếp thứ 4 Đông Nam Á. Sự tăng trưởng này tạo điều kiện cho công nghiệp ô tô Thái Lan và Indonesia hưởng lợi.

Rộng đường cho xe nhập khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội Ô tô Đông Nam Á (AAF), năm 2019, Indonesia là thị trường lớn nhất khu vực với doanh số bán đạt 1.030.126 xe các loại. Thái Lan đứng thứ hai với 1.007.552 xe. Malaysia xếp thứ ba với 604.287 xe. Tiếp đến là Philippines với 369.941 xe và Việt Nam xếp thứ năm với 322.322 xe.

Đây chỉ là số liệu thống kê doanh số bán ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của AAF, không tính xe chở người từ 10 chỗ trở lên và xe tải, xe chuyên dụng. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2019 doanh số bán của các DN thành viên đạt 306.073 xe các loại, ngoài ra Công ty TC Motor (Hyundai Thành Công) có doanh số bán 79.568 xe các loại, Công ty Vinfast có doanh số bán 17.000 xe. Đấy là chưa kể Nissan và các DN xe tải, xe buýt khác. Nếu tính đủ sẽ vượt mốc 400.000 xe. 
 

 
Theo AAF, năm 2019 cả hai thị trường lớn là Indonesia và Thái Lan đều sụt giảm doanh số bán so với 2018. Cụ thể, Indonesia sụt giảm tới 11% và Thái Lan sụt giảm 3%. Trong khi đó, thị trường Việt Nam tăng trưởng 9,4%. Còn số liệu của VAMA cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 tăng trưởng 12%, trong đó phân khúc xe cá nhân tăng trên 20%.

Thái Lan vẫn là quốc gia có sản lượng ô tô sản xuất lớn nhất Đông Nam Á năm 2019, với 2.013.710 xe, tiếp đến là Indonesia với 1.286.848 xe. Ngoài tiêu thụ trong nước, hai quốc gia này còn xuất khẩu ô tô.

Trong năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 140.301 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi chiếm 102.434 chiếc, tăng 85,4%. Số lượng ô tô nhập từ Thái Lan đạt gần 75.000 chiếc và từ Indonesia gần 47.000 chiếc các loại. Riêng ô tô nhập khẩu từ hai quốc gia này đã chiếm tới 86,6% trong tổng số, cùng giá trị lên tới 2,15 tỷ USD.

Dự báo từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 10%, với doanh số trên 450.000 xe, vượt qua Philippines leo lên vị trị thứ tư tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sản xuất trong nước đang đứng trước khó khăn. Năm 2019 sản xuất ô tô trong nước giảm 12% so với 2018 và nguy cơ tiếp tục không có tăng trưởng trong năm 2020. Ngược lại, xe nhập khẩu lại được hưởng lợi thế lớn, có cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường. Với quy định mới như bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do nhà chức trách nước ngoài cấp (VTA). Hủy bỏ kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng nhập khẩu, thay vào đó là kiểm tra mẫu và chấp nhận kết quả cho các lô xe nhập cùng loại đã tạo ra sự thông thoáng hết cỡ.

Lo xe ngoại “đè” xe nội

Trong khi đó, Việt Nam đang dần trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn của Thái Lan và Indonesia. Hiện xuất khẩu ô tô từ Thái Lan sang châu Âu đang gặp khó khăn phải tạm dừng, vì vậy các DN tập trung vào thị trường châu Á. Thái Lan dự kiến sẽ nâng sản lượng ô tô lên 2,5 triệu xe vào năm 2020, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 50%. Những thị trường ô tô nhiều tiềm năng như Việt Nam rất được quan tâm chú ý.

Với Indonesia cũng tương tự, Chính phủ “đất nước vạn đảo” đang có tham vọng nâng sản lượng ô tô sản xuất hàng năm lên khoảng 2 triệu xe, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước là xuất khẩu. Việt Nam cũng là thị trường nằm trong “tầm ngắm” của Indonesia. Năm 2019, Indonesia dự kiến xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 40.000 xe, nhưng thực tế đã vượt con số này.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2020 vừa qua có 4.281xe ô tô làm thủ tục thông quan, trị giá 111 triệu USD. Nguồn nhập khẩu lớn vẫn từ Thái Lan và Indonesia. Cụ thể, xe có xuất xứ từ Thái Lan là 1.832 chiếc và từ Indonesia là 1.703 chiếc. Trong đó, ô tô nhập từ Thái Lan có giá trung bình gần 522 triệu đồng/chiếc và Indonesia có giá trung bình hơn 270 triệu đồng/chiếc (chưa tính thuế phí).

Các DN cho hay, do tiêu thụ ô tô trong nước giảm, nhất là tại Indonesia nên các DN đang đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp. Chỉ cần Chính phủ hai quốc gia này “bật đèn xanh”, các DN ô tô sẵn sàng “đại hạ giá” sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam, chấp nhận chịu lỗ một thời gian thì DN ô tô Việt Nam khó trụ nổi. Khi đó, thị trường sẽ thuộc về Thái Lan và Indonesia. Đây là điều các DN ô tô Việt Nam lo ngại nhất.

Hiện tại, chỉ riêng tổng công suất sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi trong nước đã vượt 500.000 xe/năm. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các DN năm 2019 chỉ đạt 189.450 xe. 

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải, cho rằng ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào quy mô và sản lượng. Nếu không có sản lượng lớn thì sẽ gặp khó khăn. Cạnh tranh với xe nhập khẩu giờ thật sự căng thẳng.

Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do CPTPP đã ký kết, Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm nữa. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô về 0% sau 9-10 nữa. Như vậy, tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.

Thị trường tiềm năng, nhưng các DN ô tô trong nước đang đối mặt với  khó khăn, đứng trước nguy cơ mất dần thị phần. Dự báo năm 2020 doanh số bán ô tô nhập khẩu vẫn tăng cao trên 30% và ngang ngửa với doanh số ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo Trần Thủy/VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC