Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 8/12


Trà sữa, mì cay hết thời, chuỗi trà chanh rộ lên rồi cũng 'sớm nở tối tàn' thôi

Tiệm trà chanh đang tạo cơn sốt rầm rộ, trào lưu ở Hà Nội. Theo chia sẻ của nhiều cửa hàng, doanh thu mỗi ngày của tiệm trà chanh tới hàng chục triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng lợi nhuận vài chục triệu đồng.

Trà chanh vốn là thức uống quen thuộc của giới trẻ Hà thành, đã từng có thời điểm “làm mưa làm gió”, trà chanh vỉa hè xuất hiện khắp phố.

Vài năm gần đây, tưởng chừng như trà chanh đã bị lãng quên thì nay bỗng chốc trở lại, thành trào lưu kinh doanh mới với một diện mạo được nâng cấp hơn. 
 
 
Dọc trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội, đâu đâu cũng xuất hiện “Tiệm trà chanh”. Nhất là ở những phố lớn, đông đúc các quán trà chanh đua nhau mọc lên san sát.

Đơn cử như tại phố Nguyễn Văn Huyên, chỉ tầm 200m đã có 3 “Tiệm trà chanh”. Tại phố Tạ Quang Bửu cũng có 3 cửa hàng trà chanh. Còn tại đường Bưởi có 2 thương hiệu trà chanh nằm sát nhau. 

Đặc biệt, "Tiệm trà chanh" không chỉ nở rộ ở Hà Nội, các thành phố lớn mà xuất hiện khắp các tỉnh thành như Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La…
Theo tìm hiểu, hiện nay  trên thị trường có rất nhiều chuỗi trà chanh mang các thương hiệu khác nhau như: Trà chanh Bụi phố, Tiệm trà chanh Chill, Tiệm trà chanh Tmore, Tiệm trà  2moro, Tiệm trà chanh Layla…

Hiện tại thương hiệu Trà chanh Bụi phố đã có hơn 300 cửa hàng. Tiệm trà chanh Chill đã có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Tiệm trà chanh Tmore cũng đã có hơn 150 cửa hàng. Còn Tiệm trà chanh 2moro mới chỉ hơn 1 tháng hoạt động, nay cũng đã có vài chục cơ sở. Các thương hiệu này vẫn đang tiếp tục với cuộc đua “phủ sóng” cửa hàng trên toàn quốc.

Với tốc độ nhân rộng cửa hàng, đây thực sự là điều đáng “mơ ước” của các thương hiệu kinh doanh theo chuỗi.

Khác với trà chanh vỉa hè, các cửa hàng trà chanh có thiết kế đẹp, đồ uống phong phú, không chỉ thức uống trà chanh đơn thuần mà có nhiều đồ uống để lựa chọn như: trà chanh đào, trà chanh bí đao, trà cam quế, trà sữa, hồng trà…với giá chỉ từ 10.000- 25.000 đồng/cốc.

Ngoài ra kinh doanh trà chanh, các tiệm còn kết hợp với các đồ ăn vặt khác như xúc xích, nem chua rán, khoai tây chiên…

Trong khi các mô hình kinh doanh trà sữa hay cà phê phải bỏ ra số vốn lớn để đầu tư, chi phí nhượng quyền, đầu tư cửa hàng lên tới vài tỷ đồng thì mô hình kinh doanh trà chanh, giá nhượng quyền “chỉ hai con số”, chỉ cần từ 30-70 triệu đồng, 150-500 triệu tiền thuê mặt bằng, đầu tư vật dụng, nguyên liệu. Tùy vị trí và diện tích sẽ có mức chi phí khác nhau.
 
 
Theo một cửa hàng trà chanh ở phố Nguyễn Văn Huyên, doanh thu của cửa hàng lên tới 17-20 triệu đồng. Khách hàng hàng đông nhất là vào buổi tối. Đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Chủ một chuỗi trà chanh từng khoe mỗi cơ sở thu về khoảng 2-3 triệu đồng/ngày thường và cao hơn trong mỗi dịp Lễ Tết. Tuy nhiên, trà chanh được cho là cũng chỉ "sớm nở tối tàn", giống như các trào lưu trà sữa, mì cay trước đây.

Năm 2017 là thời kỳ hoàng kim của trà sữa khi xuất hiện hàng chục thương hiệu nhượng quyền với quy mô khoảng 1.500 cơ sở.

Cuối năm 2017, khi The Coffee House chính thức đưa thương hiệu trà sữa nổi tiếng nhất nhì Đài Loan – Tenren về Việt Nam, ai cũng nghĩ với danh tiếng của The Coffee House trong việc quản lý chuỗi, thì Tenren sẽ chiếm lĩnh thị trường trà sữa Việt. Cuối cùng chỉ sau chưa tới 2 năm hoạt động, The Coffee House đã gửi thông cáo báo chí về việc bắt đầu ngừng kinh doanh 23 cửa hàng Tenren tại thị trường Việt Nam và ngày hoạt động cuối cùng sẽ là 15/8/2019.

Nhiều người đổ xô vào đầu tư, bỏ hàng tỷ đồng để mở quán trà sữa của các thương hiệu khác, nay cũng đang trong tình trạng thua lỗ.

Hay như chuỗi cửa hàng Mỳ cay 7 cấp độ cũng từng rất hot vào cuối năm 2016. Khi mới du nhập về đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Hàng quán mọc lên như nấm, quán nào cũng chật kín khách, đông nghẹt thở, thậm chí phải xếp hàng để chờ đợi. 

Hầu hết ai cũng tò mò muốn ăn thử cho biết. Tuy nhiên cơn sốt Mỳ cay 7 cấp độ cũng nhanh chóng lụi tàn khi khách hàng hết thời gian trải nghiệm, khách ngày càng thưa thớt dần, doanh thu của cửa hàng không đủ trang trải chi phí. Nhiều người kinh doanh theo trào lưu, bỏ tiền tỷ để mở quán rồi cũng vội vàng đóng cửa vì thua lỗ. 

Theo Diệu Thùy/VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC