Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 6/1


Rùng mình những hộp mứt Tết mượn danh handmade để thổi giá cao

25.000 đồng là mức giá sỉ cho 500g mứt Tết loại đã được đóng hộp sẵn. Người mua hàng sẽ không khỏi bất ngờ khi cùng hộp mứt đó sẽ được bán với giá 400.000 đồng khi được gắn “thương hiệu handmade”.
 
 
Hàng bình dân và cao cấp chỉ khác nhau vỏ hộp

Trong vai một tiểu thương cần mua mứt Tết với số lượng lớn, PV không khỏi bất ngờ với giá bán các loại mứt Tết có cùng nguồn gốc. Loại mứt Tết thập cẩm, bán chạy nhất có giá chỉ 25.000 đồng/hộp 500g.

Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, chị Nguyễn M.H. (chủ đầu một đầu mối lớn tại Hà Nội) chia sẻ khá thẳng thắn: "Nói thật với chú, hàng Đà Lạt là hàng Tàu. Còn hàng Thái Lan mới là hàng Đà Lạt nhưng chỉ có vài loại phổ thông thôi. Loại hàng Thái Lan thật đắt lắm, bán chẳng mấy ai mua. 

Hàng Việt cũng có nhưng mẫu mã kém bắt mắt, chủng loại không đa dạng, xấu cũng chẳng mấy khách ưng. Muốn bán chạy thì nhập hàng Tàu, chỉ trên dưới 20.000 đồng/hộp 500g để cả tháng chẳng lo mốc thối, ruồi nhặng".

Tìm hiểu tại một số đầu mối khác, loại mứt trộn sẵn, đóng hộp, "xuất xứ Đà Lạt" tiếp tục được chào mời đon đả. Thậm chí, các chủ đầu mối này còn hướng dẫn những chiêu thức để có thể đẩy giá sản phẩm.

Đều nhập từ một nguồn hàng nhưng để tăng giá trị sản phẩm các tiểu thương và đặc biệt là người bán hàng online sẽ chăm chú hình thức bên ngoài để tăng giá bán. Bóc vỏ hộp nhựa ban đầu, các gói mứt đóng sẵn được đóng vào các hộp giấy, lẵng mây tre bắt mắt và hấp dẫn. Khi đã có hình thức bắt mắt, cũng là loại mứt đó nhưng đã bị đẩy giá lên tới vài trăm nghìn/hộp hoặc lẵng.

Câu chuyện chất lượng và xuất xứ của mặt hàng, tất cả được gửi gắm qua niềm tin từ vỏ hộp.

"Hàng handmade" có cả tạ chỉ sau một giờ

Nhiều người tiêu dùng tỏ ra "thông thái" khi tìm đến các nguồn hàng handmade được bán online trên Facebook và mạng xã hội. Nhưng khi tiếp cận thì sản phẩm được quảng cáo là handmade này không có gì khác với loại hàng đại trà bán ở các chợ đầu mối. Thứ khác biệt duy nhất đó chính là chúng được gắn mác handmade.

Chị Phan N.L, một người bán mứt Tết đon đả: "Hàng này, mình thuê cả chục người trong gia đình làm liên tục. Bạn đặt cả tạ thì chỉ chờ sau một tiếng là có người chở đến". Khi chúng tôi băn khoăn với những loại quả trái mùa không có nhiều tại Việt Nam, lý do được chị N.L đưa ra cũng không khác các đầu mối: "Thực ra chỉ mứt dừa và mứt gừng là làm ngay tại Hà Nội, còn các loại không sẵn có thì nhập từ mối quen và tận Thái Lan để chiều lòng khách hàng".

Đáng chú ý, là các mặt hàng này đều được tự đóng gói khiến quy trình đóng gói, tách chiết không được đảm bảo. Hầu hết, các sản phẩm đều được đóng gói, tách chiết ngay trên sàn nhà mà không hề có các trang thiết bị bảo hộ để đảm bảo vệ sinh.

Chỉ với 20.000 đồng cho một bộ nhận diện hoàn hảo với thương hiệu "handmade truyền thống" các hộp mứt Tết tổng hợp thậm chí có thể bán với giá từ 250.000- 500.000 một hộp. Người tiêu dùng bị lừa bằng chính niềm tin và sự kỹ lưỡng.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC