Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 31/12


Giá thịt lợn tăng vọt kéo theo giò, chả lên mức giá cao chưa từng có

Giá thịt lợn “phi mã” không ngừng khiến các cơ sở chế biến thực phẩm có sử dụng thịt heo rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân viên khi doanh thu liên tục sụt giảm.

Khủng hoảng với cơn sốt thịt lợn

Giá thịt lợn tăng cao, dần dịch chuyển đến mốc 200.000 đồng/kg khiến giá cả thị trường “nhảy múa” liên tục, liên tiếp lập kỷ lục mới. Nhiều mặt hàng thực phẩm có sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu cũng biến động không ngừng.

Bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cửa hàng giò chả có tiếng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, do giá thịt lợn tăng mạnh đã kéo theo giá giò chả lần đầu tiên lập đỉnh. Đơn cử, giá giò lụa từ 130.000 đồng/kg nhảy lên mức 150.000 đồng/kg và hiện tại là 200.000 đồng/kg, giá giò tai nấm từ 150.000 đồng/kg tăng thêm 7 giá là 220.000 đồng/kg.
 
 
“Tôi làm nghề từ năm 1994, tính đến bây giờ là 25 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá giò chả ở mức cao như vậy” – bà nói.

Gần 1 tháng nay, cửa hàng của bà Bình luôn phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm. Nhiều nhà hàng, khách sạn vốn là đầu mối tiêu thụ lớn của cửa hiệu đều đồng loạt thông báo cắt giảm ½ số lượng. Khách mua nhỏ lẻ cũng ngày một thưa thớt, vắng bóng dần do giá thành thực phẩm leo thang.
Chị Phạm Trà, tiểu thương chuyên buôn bán lạp xưởng tại Thái Nguyên còn ngậm ngùi đóng cửa hàng gần 2 tháng nay. Chị Trà cho biết, khi thịt lợn rẻ, giá lạp xưởng đã dao động ở mức 180.000- 200.000 đồng/kg, giờ thêm nguyên liệu đắt đỏ nên chẳng ai dám làm và cũng không ai dám mua. Hiện nay, người tiêu dùng thay vì chọn thịt lợn mà chuyển sang dùng các loại thực phẩm thay thế như thịt bò, thịt gà, thịt vịt để có mức giá mềm hơn.

Chị Trà tâm sự, nếu tình trạng này vẫn kéo dài, chị sẽ tiếp tục đóng cửa hàng cho đến khi giá thịt lợn bình ổn trở lại.

Ứng phó trước cơn bão giá

Trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm thay vì đóng cửa lại chọn cách cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí sản xuất. Đây là phương án tạm thời mà nhiều doanh nghiệp áp dụng để ứng phó với tình hình hiện tại và ổn định sức khỏe tài chính.

Ông Nguyễn Đức Tín, chủ một doanh nghiệp giò chả hữu cơ tại Hà Nội cho hay, ông đã cắt giảm toàn bộ số thợ phụ, chỉ giữ lại thợ chính trong khâu sản xuất. Các phương án phân phối, bán hàng phục vụ Tết âm lịch đều được chuẩn bị và tính toán lại.

Ngay từ tháng 12, ông Tín đã làm việc, ký kết với các trang trại lợn để cung cấp nguyên liệu cho dịp Tết. Do nguồn cung khan hiếm, ngoài lấy hàng ở thị trường Hà Nội, ông Tín còn mở rộng sang các khu vực ở Nam Định, Hòa Bình.

“Cách đặt hàng năm nay cũng khác so với mọi năm, tôi yêu cầu các đơn vị lấy hàng đăng ký số lượng trước ngày 15 tháng Chạp. Giá thành sản phẩm sẽ căn cứ theo mặt bằng chung của thị trường” – ông Tín cho hay. Để chống chọi với cơn sốt giá thịt lợn, nhiều chủ tiệm ăn, nhà hàng buộc phải xoay chuyển tình thế với các phương án linh hoạt.

Chị Minh Hương, chủ một quán ăn trên phố Kim Mã, Hà Nội chia sẻ, để không làm ảnh hưởng đến khách hảng, chị vẫn phục vụ đầy đủ các món ăn, ngoại trừ việc cắt giảm lượng thịt lợn trong mỗi khẩu phần.

“Giả sử như ngày trước trong tô có 5 miếng thịt thì giờ giảm xuống còn 3-4 miếng, giá vẫn giữ nguyên, chất lượng thì không đổi. Bên cạnh đó, tôi cũng tăng cường thêm nhiều món ăn khác để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn” – chị Hương bộc bạch.

Trước diễn biến giá thịt lợn tiếp tục tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC