Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 27/11


Năm chỉ có một lần, dân giàu đổ về sông Cầu săn đặc sản trời cho

Được coi là sản vật trời cho, loại cua da được người dân đánh bắt trên dòng sông Cầu có giá vô cùng đắt đỏ. Nhiều người tranh nhau đặt mua cua da bởi đặc sản này mỗi năm chỉ có một lần.
 
 
Không chỉ nổi tiếng với vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế,... Bắc Giang còn khiến nhiều người phương nhớ tới về bởi hương vị đậm đà khó quên, béo ngậy của loài cua da trứ danh gắn bó với bao ngư dân vùng ven sông Cầu.

Hàng năm, vào độ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch, khi gió heo may về, dân thuyền chài lại lênh đênh trên dòng sông Cầu (Bắc Giang) săn bắt cua da. Không như các loài cua khác thường có quanh năm, cua da chỉ xuất hiện khoảng 2 tháng, sau đó thì lặn mất tăm không tài nào bắt được. 

Năm nay nhuận tháng 4, không khí lạnh cũng tràn về khá sớm nên tháng 8 Âm lịch người dân vùng chài lưới đã bắt được cua da. Chính vì thế, dân sành ăn vội vàng lặn lội về tận nơi để thưởng thức bằng được thứ đặc sản trời cho này.

Người dân Yên Dũng (Bắc Giang) giải thích, sở dĩ gọi là cua da vì chúng có một lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua da vẫn là tên gọi phổ biến hơn cả. Loại cua này thường sống trong các ghềnh đá đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng như: Đồng Việt, Đồng Phúc, Yên Lư, Thắng Cương,... Việc đánh bắt cua rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa phùn gió bấc.

10 năm mưu sinh gắn với sông nước, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Tân Liễu (Yên Dũng) sống bằng nghề chài lưới, quanh năm lam lũ với tôm cá, chỉ mong đến mùa cua da bán đắt hàng, thêm thắt chút đồng ra đồng vào.

“Mấy năm nay, cua da trở thành hàng hiếm, được thương lái về tận nơi lùng mua. Mặc dù có giá đắt đỏ hơn so với nhiều loại hải sản, song không có cua mà bán”, chị chia sẻ.

Những ngày trời trở gió, rét buốt, dân chài lưới như chị không khỏi xuýt xoa. Trời càng rét mướt, họ càng phải đi thả rọ, lưới đánh bắt từ sớm. 

Loài cua này thường sống dưới đáy sông. Cứ tầm 3 giờ chiều, các thuyền lại xuống sông thả rọ, lưới đến 2-3 giờ sáng kéo lên để gỡ cua. Vì đánh bắt khó, chẳng khác nào canh bạc nên hôm nào nhiều vợ chồng chị bắt được 20kg, hôm ít chỉ được 5-7kg. Để có đủ lượng hàng giao cho nhà hàng, lái buôn, chị phải gom mua thêm của các nhà khác quanh vùng.

“Chính vụ cua da, có ngày tôi gom được 2-3 tạ đổ buôn cho các nhà hàng trên thành phố. Họ về từ tờ mờ sáng, chuẩn bị sẵn thùng xốp đá, gỡ được bao nhiêu họ cho vào thùng chuyển đi luôn. Không khí nhộn nhịp cả một dãy làng chài”, chị hào hứng.

Thậm chí, nếu khách muốn mua cua da để biếu hay đãi khách phải đặt trước 1-2 ngày chị mới gom được cua ngon, nhiều trứng. Ai cũng tranh thủ vào mùa để mua được cua ngon thiết đãi khách quý.

Anh Trần Văn Tuấn, chuyên bán sỉ và lẻ cua da ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), nhận xét, cua này nhiều thịt, ngọt thơm, béo bùi; cua cái thì nhiều trứng, thường được chế biến thành các món: lẩu riêu cua, cua hấp bia, rang muối, cua rang me,... Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn khiến ai ăn một lần cũng khó quên.

Theo anh Tuấn, loài cua sông này to bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống cua đồng nhưng chân dài hơn và thân to gấp 3-4 lần, đặc biệt trên càng của chúng có một lớp lông như rêu bám vào. Phần mai mềm, mỏng nên khi ăn không phải dùng kìm để bẻ.

Vào những ngày giá rét, cua ra nhiều, thuyền về làm hai chuyến lúc sáng sớm và tối muộn, tính ra mỗi ngày anh gom được 5-6 tạ cua, ngày nào bán hết sạch ngày đó. Nhưng cứ hễ gió đông nồm to, nắng nóng thì cua lại lặn mất, có bắt lên chúng cũng dễ chết. 

Trung bình cua đực có trọng lượng 5-6 con/kg, cua cái từ 7-8 con/kg. Hiện anh bán lẻ với giá 400.000-550.000 đồng/kg tùy loại, sỉ từ 1 thùng xốp 20-25kg, giá dao động 370.000-520.000 đồng/kg.

Với người dân xã Đồng Việt, những ngày đầu đông cũng tất bật, rộn rã không kém. Chị Vũ Thị Thắm, chuyên thu mua các loại thủy sản, chia sẻ, dọc theo dòng sông Cầu, khu vực này được xem là có nhiều cua da hơn cả. Trước đây, loại cua này cũng như các loại tôm cá bình thường, song độ 2-3 năm trở lại đây, nhờ cách biến tấu trong chế biến, cua da trở thành đặc sản, rất đắt khách. Nhiều người tò mò, muốn được một lần thưởng thức hương vị ngon lạ đậm đà sông nước ấy. 

Mỗi con cua có trọng lượng 150-200 gram, giá dao động từ 380.000-400.000 đồng/kg tùy số lượng; loại to 4 con/kg rất ít và hiếm, giá lên đến 500.000-700.000 đồng/kg. Như hôm nay, thuyền về được 40kg cua, chỉ đến tầm trưa chị đã giao hết sạch.

Thời điểm này đã gần vào cuối vụ cua da, song có những năm rét kéo dài đến tháng 12 âm lịch cua vẫn còn lác đác. Gọi là đặc sản nhưng đâu phải ai ở Yên Dũng cũng đã được một lần nếm thử vị cua da, bởi 1kg cua bằng mấy chục cân gạo. Có khi họ chấp nhận ăn uống tằn tiện, chỉ dám mua 1 con về nấu cháo cho con nhỏ ăn.

Cuộc sống quanh năm lăn lộn với sóng nước của ngư dân vùng ven sông Cầu vốn vất vả, lam lũ. Có lẽ vì thế, thiên nhiên đã ban tặng cho họ thứ sản vật quý hiếm, giúp bao ngư dân trang trải mưu sinh, để mỗi khi gió Bắc tràn về, những người con tứ xứ phương xa lại mong mỏi chút vị quê hương - mùi của cua da.

Theo Nhật Thanh/VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC