THÔNG TIN TIÊU DÙNG 25/2
Gà, vịt rẻ như rau: Sắp đến lượt gia cầm cần giải cứu?
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại; trong mấy ngày gần đây trên cả nước lại xuất hiện hàng chục ổ dịch cúm gia cầm,… là nguyên nhân chính khiến giá gia cầm giảm tới thê thảm.
Gà, vịt rẻ như mớ rau
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, thừa nhận, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng tiêu thụ giảm nên giá gà đồi Yên Thế kể từ sau Tết giảm 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại.
Hiện trứng gà có giá 1.200 đồng/quả, trứng vịt 1.700 đồng/quả. Cả hai loại trứng này đều giảm 400 đồng/quả. Tương tự, giá vịt thương phẩm cũng chỉ đạt 25.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là bởi ảnh hưởng của do dịch bệnh Covid-19.
Theo các chủ trang trại nuôi gia cầm, thủy cầm lấy trứng ở Bắc Giang, với giá cả như hiện tại người nuôi chỉ hòa mà không có lãi. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều chủ nuôi sẽ bị thua lỗ.
Tương tự, các trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng than thở, giá gà, vịt từ sau Tết Nguyên đán đến nay giảm liên tục.
Trước Tết giá gà lông trắng (gà công nghiệp) trọng lượng 2-2,5 kg/con dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau Tết rớt giá còn 21.000-22.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy một tháng. Riêng gà nặng 3-4 kg/con - tức gà quá lứa, giá có 10.000 đồng/kg.
Theo các trang trại nuôi và xưởng giết mổ, mặc dù giá gà "rẻ hơn rau" vẫn khó tiêu thụ vì sức mua khá yếu.
Sức mua yếu kèm dịch bệnh gà đang diễn biến ở nhiều khu vực khiến trang trại anh Phong có nguy cơ phải ngưng một thời gian.
Ông Thanh ở Bến Tre cho hay, nếu tháng trước tết mỗi ngày xuất bán cả 500 con thả vườn thì nay đàn quá lứa nhiều nhưng lượng đặt chỉ vài chục con. "Chưa có đầu năm nào sức mua yếu như thế. Trường học nghỉ học nhiều nên không còn đơn đặt hàng như trước", ông kể.
Với mức giá bán chỉ bằng khoảng 1/2 giá thành sản xuất, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, người nuôi gia cầm đang lỗ nặng.
Sắp đến lượt gia cầm cần giải cứu?
Theo lý giải của các cơ quan chuyên môn, lý do khiến giá gà, vịt thời điểm này giảm sâu là bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh trên cả nước nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm thực phẩm.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 16/2, phát hiện 16 ổ dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương trên cả nước với trên 55.000 gia cầm phải tiêu hủy.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ giải thích, giá gà, vịt giảm sâu do dịch bệnh Covid -19 lan rộng khiến các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm khi học sinh nghỉ dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp, khu vui chơi, doanh nghiệp nhỏ cũng chưa hoạt động trở lại.
Ông Quyết cho biết, chưa năm nào mà tình trạng giảm giá tái diễn nhiều như 2 năm gần đây. Người dân chưa kịp gỡ vốn của đợt giảm giá hồi tháng 9/2019 thì đến tháng 2 lại nếm mùi. Ông ước tính, người nuôi đang lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
"Tình hình này sẽ càng căng thẳng hơn khi người nuôi nhỏ lẻ mất vốn và không dám tái đàn, các trang trại thì cầm chừng. Nhiều lò giết mổ báo cáo kho đông lạnh của họ đã chật và không còn khả năng chứa", ông Quyết nói.
Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đàn gia cầm hiện đã đạt 467 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 ngàn tấn, trong khi đó sản lượng trứng gia cầm cũng đạt khoảng 13,3 tỷ quả. Có những địa phương, đàn gia cầm tăng trưởng hai con số như: Bến Tre gần 40%, Trà Vinh tăng 52%; các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng có đàn gia cầm tăng cao.
Cục Chăn nuôi nhận xét, năm qua, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh. Do đó, người chăn nuôi gia cầm đã mở rộng quy mô đàn.
Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với mức tăng trưởng như trên và tăng liên tục là vấn đề đáng lo ngại.
“Đã qua thời cứ tăng trưởng là được biểu dương. Các địa phương giờ phải ngồi tính toán lại, rà soát đàn thật kỹ. Bởi mùa nóng sắp đến, người dân ăn ít thịt đi, sản phẩm ế mà vẫn tăng trưởng như bây giờ thì lại giải cứu.
Phải hiểu hôm qua tăng trưởng là ưu điểm, nhưng hôm nay vẫn tăng trưởng từng đó thì lại là mối lo. Không có chuyện đơn giản cứ nuôi 1 vạn con gà sẽ được lãi 35 triệu đồng. 'Tăng đàn nhanh, hộ nhỏ lẻ nuôi nhiều lại thiếu kiến thức chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra nguy cơ lây lan cực kỳ lớn', Bộ trưởng nói.
Điều đáng nói nữa, dù giá gà tại các trang trại chăn nuôi giảm mạnh nhưng thịt gà bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ lẻ vẫn cao. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, giá thịt gà công nghiệp bán ra ở 50.000-65.000 đồng một kg, gà thả vườn 90.000-100.000 đồng, gà ta vẫn ở mức 110.000-120.000 đồng. Còn tại các hệ thống siêu thị, giá gà công nghiệp 60.000 đồng một kg, đùi gà công nghiệp rút xương 120.000 đồng, gà ta 110.000-130.000 đồng.
Theo tiểu thương các chợ, giá bán cao vì bản thân họ phải qua nhiều khâu trung gian, chịu các loại chi phí, vận chuyển, hao hụt. Mặt khác, sức mua giảm khiến giới buôn giảm số lượng nhập nên không mua được giá tốt.
Tổng hợp nhiều nguồn