Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 2/12


Trời mưa rét, bán trà chanh vẫn thu 300 triệu đồng/tháng

Trà chanh vỉa hè giải khát cho những ngày nóng nực là trào lưu của năm nay. Những tưởng, loại hình kinh doanh này chỉ “sống khoẻ" vào mùa hè và sẽ tàn lụi vào mùa đông.

Thế nhưng không ít cửa hàng vẫn có doanh thu vài trăm triệu vào mùa mưa rét này.

Vốn đầu tư ban đầu không quá lớn, nhanh thu hồi vốn, nên trà chanh bây giờ đã không còn dừng ở các thành phố lớn. Nó đã phát triển thành chuỗi và có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành phố. 

Anh Nguyễn Văn Khương, chủ một quán trà chanh tại Kim Giang (Hà Nội) cho biết: Để mở một quán trà chanh, cần bỏ ra khoảng 300 - 400 triệu đồng. Song, số tiền này chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với mở một quán cà phê hay trà sữa nhượng quyền thương hiệu. Hơn nữa, chỉ 5 - 6 tháng là chủ quán có thể thu hồi lại vốn. Thậm chí, nếu kinh doanh từ đầu mùa hè, chỉ trong 3 tháng đã có thể lấy lại số vốn đầu tư ban đầu.
 
 
Không những vậy, theo anh Khương, doanh thu của quán trà chanh dù vào mùa mưa rét vẫn khá hơn nhiều so với quán cà phê anh từng mở.

Chia sẻ về lý do “người người nhà nhà” đang thi nhau mở quán trà chanh, anh Khương cho biết, khác với các quán cà phê, các quán dạng này thường kinh doanh bám vào vỉa hè, nên chi phí không cao.

“Ngoài chi phí lớn nhất là thuê mặt bằng, tôi mất thêm 70 triệu đồng cho quầy pha chế để mua máy định lượng đường, máy ủ nước nóng, máy tính,... Các chi phí khác không quá cao, bàn ghế tôi có tự đóng chỉ từ các khung sắt. Ngoài ra, tôi cũng chỉ mất thêm 30 triệu đồng để thiết kế, vẽ, trang trí đèn cho quán. Mỗi tháng mất vài triệu chi phí “đen" là có thể yên tâm kinh doanh", anh Khương cho biết thêm.

Điều quan trọng khi kinh doanh quán trà chanh theo anh Khương chính là việc mua thương hiệu nào và vị trí mặt bằng, chứ không phải số tiền đầu tư hay trang trí. Bởi trước khi mở quán, anh Khương đã bỏ thời gian theo dõi các chuỗi trà chanh hoạt động. 

Theo đó, khách thường chọn những cửa hàng có tên tuổi để ngồi, dù chất lượng đồ uống và giá có thể tương đương nhau. 

Mới mở quán trà chanh từ đầu tháng 9 năm nay, anh Khương gặp rất nhiều lời khuyên ngăn từ gia đình và bạn bè, do đã qua mùa cao điểm của trà chanh. Nhưng mỗi tháng, doanh thu của quán vẫn đạt 350 - 400 triệu đồng/tháng. Thậm chí, vào mùa mưa rét, quán vẫn cho doanh thu 300 triệu đồng/tháng. 

Sự sụt giảm vào thời điểm này là tình trạng chung, vì theo chị Ngô Anh chủ một quán trà chanh tại thành phố Vinh (Nghệ An) thì, trời mưa khách sẽ không ra quán ngồi, nên doanh thu giảm. Vào những ngày bình thường, tổng thu khoảng 11 - 12 triệu đồng, thì vào ngày mưa sẽ giảm chỉ còn một nửa.

Tuy nhiên, theo chị Ngô Anh, không phải ngày nào cũng mưa và chỉ cần trời không mưa thì quán lúc nào cũng đông. Khách đến quán mặc cả áo rét để ngồi uống trà chanh. Vì nhu cầu ăn uống và tụ tập bạn bè của người dân bây giờ hiện rất cao.

“Hơn nữa, nếu ngồi các quán trà chanh thì chi phí rất rẻ. Chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với các quán cà phê, nên được nhiều người trẻ lựa chọn", chị Ngô Anh nói.

Khách đông mang lại doanh thu cao, các quán trà chanh lại có lợi thế chi phí sản xuất rất thấp nên theo chị Ngô Anh, một cốc trà chanh 10 nghìn đồng, có thể mang về lợi nhuận lên tới 30 - 40%.

Ngoài việc bán các loại đồ uống liên quan đến trà chanh, các quán mở rộng thêm các loại đồ uống nóng như trà gừng, trà quế hoa, trà đào,...vào mùa đông. Ngoài ra, doanh thu còn tới từ các loại đồ ăn khô, chiên rán đi kèm.

Trung bình mỗi tối, quán trà chanh của chị Ngô Anh có tới 150 - 200 khách, ngồi kín 40 bàn. Dù trời rét thì vào cuối tuần, khách vẫn ngồi kín bàn. Vì ngoài khách đến uống nước, quán còn phục vụ thêm cả bóng đá.

Do đó, dù đã vào lúc thời tiết thay đổi thất thường, doanh thu tại quán trà chanh của chị Ngô Anh vẫn đạt hơn 300 triệu đồng/tháng.

Kinh doanh trà chanh hiện nay đang ghi nhận mức tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, cần thận trọng trong các quyết định kinh doanh để tránh tiền mất tật mang.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC