THÔNG TIN TIÊU DÙNG 19/9
Na lạ ruột đỏ rực, đắt gấp 3 na thường hút khách
Khi mùa na dai, na bở chuẩn bị hết vụ thì cũng là lúc na rừng Tây Bắc vỏ xanh ruột đỏ, chín thơm lừng vào mùa. Vì sự độc đáo và nhiều công dụng nên dù giá đắt đỏ, na rừng vẫn được bà nội trợ tìm mua.
Một tháng trước, bà nội trợ thành phố thường xuyên mua na dai, na bở đúng mùa ăn với giá chỉ từ 35.000-40.000 ngàn đồng/kg. Riêng loại na núi ở Chi Lăng (Lạng Sơn) nổi tiếng thơm ngon bởi thổ nhưỡng nơi đây hợp với loại cây ăn trái này như Đồng Bành, xã Chi Lăng, Than Muội,... có giá lên tới 45.000-55.000 đồng/kg.
Gần đây, khi na rừng Tây Bắc vào mùa chín thơm, nhiều người lại đặt mua loại na vỏ xanh ruột đỏ này về ngâm rượu.
Chị Trần Thanh Tú, một người bán hàng trên chợ mạng ở khu vực Tân Triều (Hà Nội), cho biết: “Nhà mình quê ở Điện Biên nên thời gian này vào rừng hái được rất nhiều na rừng. Đây loại na có vỏ xanh, ruột đỏ, trọng lượng lớn thường từ 1-4 kg/quả”.
Theo chị Tú, trước đây, na rừng Tây Bắc rất được giá vì loại na này được coi là một dược liệu quý, khoảng 300.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, do nhiều người vào rừng tìm hái loại quả này nên giá na rừng giảm sâu.
“Na rừng có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Với người dân Điện Biên thì rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh. Nhất là quả na rừng, khi ngâm rượu có thể trị phong thấp, làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ và là bài thuốc bổ dương rất hiệu quả”, chị Tú chia sẻ.
Tiểu thương này hướng dẫn, khi ngâm rượu na rừng chị em chỉ cần ngâm rượu theo tỷ lệ: 1 kg na ngâm với 2-4 lít rượu nguyên chất 40 độ trở lên. Na rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, bóc ra từng múi nhỏ. Nên chọn bình thủy tinh hoặc bình gốm sứ để ngâm rượu na. Sau 3 tháng ngâm có thể bỏ rượu na rừng uống. Lúc ấy, rượu bắt đầu thơm lừng”.
Giá mỗi ký na rừng giá từ 90.000-100.000 đồng. Dù có mức giá đắt gấp 2-3 lần na thường nhưng loại na dược liệu này được nhiều khách mua.
Anh Đỗ Hùng - nhân viên công sở tại Thái Thịnh (Hà Nội), kể hôm trước anh vừa đặt mua 5kg na rừng về ngâm rượu. Anh Hùng cho hay anh rất thích uống rượu hoa quả. Vì thế, mùa na rừng, anh hay mua thêm về để ngâm cùng các loại hoa quả khác.
“Mình hay mua na và các loại quả cứng như táo đá, táo mèo, dâu tây về ngâm rượu. Rượu hoa quả hỗn hợp có những loại quả này sẽ rất thơm ngon, dậy mùi. Những năm trước hay đi Tây Bắc mùa này, mình mua na rừng của những người dân tộc bán ở ven đường quốc lộ. Năm nay không đi thì mình đặt mua vài ký trên chợ mạng”, anh Hùng nói.
Theo anh Hùng, để có na rừng ngon nên chọn những quả đã chín. Khi ngâm rượu, nhất định phải chọn loại rượu nếp quê và ngâm trong bình thủy tinh, gốm sứ sẽ cho hương vị tốt hơn.
“Khi ngâm rượu, mình thường rửa sạch na, sau đó tách quả na thành các múi nhỏ để khi ngâm dễ dàng chiết xuất ra rượu đồng thời quá trình ngâm nhanh hơn. Ngoài ra, luôn không thể thiếu một bước là để na rừng ráo nước rồi đem phơi khô dưới nắng dịu nhẹ hoặc có thể đem sấy. Sau đó mới cho na vào bình ngâm, thêm các dược phẩm đông y khác nếu muốn rồi đổ ngập rượu, đậy kín nắp. Cẩn thận thì có thể hạ thổ 1 năm rồi đem ra sử dụng thì rượu na ngon tuyệt”.
Theo Thảo Nguyên/VietNamNet
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016