Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 14/9


Nở rộ trào lưu livestream bán hàng - người tiêu dùng mất gì?

Bán hàng livestream là trào lưu mới nổi, được xem là rất hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng để khỏi vừa mất tiền oan, lại chuốc bực tức vào người.
 
 
Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội hay các công cụ mua sắm trực tuyến thường thấy xuất hiện các clip livestream bán hàng, từ quần áo, giày, kính thời trang, mỹ phẩm cho tới các mặt hàng ít phổ biến hơn như dụng cụ gia đình, dụng cụ làm bếp, chăn, chiếu,...

Trên thực tế, phương thức kinh doanh được mệnh danh là "tuyệt chiêu thời 4.0" này cho thấy khả năng xâm chiếm mạnh mẽ môi trường bán hàng không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới - với các quốc gia đi đầu là Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tuy nhiên, chúng có thực sự tuyệt vời và "dễ ăn" như nhiều người vẫn lầm tưởng?

Xu hướng giúp nhiều doanh nghiệp cá nhân "phất lên"

Phương, 24 tuổi, là thành viên một đơn vị phân phối mỹ phẩm lớn tại Việt Nam, dù có bằng đại học kĩ sư công trình.

Phương cho biết ban đầu chỉ coi bán mỹ phẩm là công việc "tay trái". Cách đây một vài năm, công việc này thậm chí gặp nhiều khó khăn, do đặc tâm lý ghét "hàng đa cấp" của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên dần dần, với việc ứng dụng công nghệ và chuyển sang online, đồng thu nhập từ công việc này mang lại khiến cô có cái nghĩ khác về nghề bán hàng mỹ phẩm.

Theo bà Vũ Thanh Quỳnh, Giám đốc truyền thông Shopee Việt Nam: "Livestream được ưa chuộng nhờ hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế… Quan trọng hơn, công cụ này phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại khi mua sắm trực tuyến, bỏ đi rào cản không được cầm nắm hay thử sản phẩm, qua đó mức độ tin tưởng ở người dùng được gây dựng đáng kể."

Tuấn, đại diện một thương hiệu giày dép trên sàn TMĐT cho biết: "Yếu tố để livestream trở nên hấp dẫn chính là tính xác thực".

"Nhờ livestream, người dùng "nhìn" sản phẩm thật, cảm nhận rõ hơn về tính năng, công dụng cũng như có cơ hội nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm từ các chuyên gia, người nổi tiếng hoặc từ chính những người mua trước đây", Tuấn cho biết.

Tuấn cũng chia sẻ lượng tương tác và người xem sản phẩm qua kênh livestream có khi đạt 15.000 người, giúp lượng đơn hàng và doanh thu gần 30% so với trước đó.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc coi livestream là một ngành nghề chính thức. Hàn Quốc cho phép các bộ trưởng tham gia bán hàng trực tuyến để kích cầu mua sắm. Tại Việt Nam, thống kê doanh thu từ 4 sàn thương mại điện tử lớn từ đầu năm đến nay tăng 150%, trong đó có “công lớn” từ bán hàng livestream.

Đối diện với một trào lưu nở rộ như thế, không ít người đã nắm bắt cơ hội để trở nên thành công, nhưng cũng không ít kẻ lợi dụng "con sóng lớn" để lừa đảo, chuộc lợi, khi mà luật pháp vẫn còn chưa có chế tài xử phạt rõ ràng với loại hình thương mại còn mới này.

Người tiêu dùng mất gì?

Bằng cách đánh vào tâm lý ham của rẻ của rất nhiều người dùng trên mạng xã hội, hay các nền tảng thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã lợi dụng người xem livestream để câu like, lấy thông tin cá nhân.

Chiêu thức thường thấy của các đối tượng này thường là đăng bán sản phẩm với mức giá "rẻ như cho", thậm chí là tặng luôn sản phẩm. Để đổi lại, người dùng chỉ cần like, share bài viết, và để lại thông tin gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ gửi hàng.

Đối với những người chưa thực sự hiểu không gian mạng và cho rằng những thông tin này không phải tài sản, nên họ sẵn sàng cho đi.

Tuy nhiên trên thực tế, thông tin cá nhân một khi bị lộ, sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, tư vấn dịch vụ, ngân hàng, cho vay, nhà đất,...

Lúc này, người dùng sẽ đối mặt với rất nhiều phiền toái ngoài mong đợi, mà không biết rằng mình đã để lọt thông tin cho ai, từ bao giờ.

Thậm chí ngay cả lượng like của người dùng vào một page cũng sẽ được đối tượng "trưng dụng", bằng cách đổi tên page và bán lại để kiếm tiền.

Bên cạnh những phiền toái nêu trên, nhiều người dùng cũng phản ánh mua phải hàng giả hàng nhái, thậm chí bị lừa tiền khi mua hàng qua các hình thức livestream.

Nam Anh, một nhân viên văn phòng cho biết: "Sau khi làm theo các bước hướng dẫn của một livestream bán hàng, tôi chuyển khoản số tiền 100.000 đồng để mua sản phẩm, nhưng đợi một thời gian mãi không thấy sản phẩm đâu".

"Khi gọi lại số chủ shop, họ không bắt máy. Quay lại fanpage để hỏi cho rõ, tôi thấy trang bán quần áo hôm trước đổi thành một địa chỉ hoàn toàn khác", Nam Anh cho biết. "Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa".

Ngay cả những người có kinh nghiệm mua hàng trên các hội nhóm Facebook, cũng có lúc nhận "trái đắng" vì hám rẻ.

Minh, một người kinh doanh tự do, đã đặt mua một chiếc túi xách trên Shopee trong đợt hạ giá, sau khi xem quảng cáo từ một livestream. Khoảng 1 tuần sau, shop này chuyển đến một chiếc túi khác kiểu, khác màu, và có giá rẻ hơn, nhưng lại không hề có bồi thường.

Liên hệ với chủ shop, Minh nhận được lời xin lỗi ráo hoảnh, rằng "mong bạn thông cảm vì shop đã hết mẫu ví mà bạn đặt mua".

Không chỉ có trường hợp nêu trên, mà tính "bát nháo" về chất lượng hàng hóa khi mua trên các dịch vụ thương mại điện tử là điều mà bất kỳ ai từng mua đều nhận thấy.

Rõ ràng, livestream là một phương thức bán hàng rất tiến bộ và hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng trước những hình thức bán hàng lừa đảo, không nên ham rẻ mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC