Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 14/4


Về quê tránh dịch, mẹ bỉm sữa vẫn thu nhập đều nhờ bán 'đồ nhà quê'

Mỗi tuần gom 1 chuyến hàng “của nhà trồng được” gửi xe lên Hà Nội, chị Tâm (Nam Định) vẫn đảm bảo thu nhập dù nhiều người đang lao đao do ảnh hưởng bệnh dịch.
 
 
Hết chế độ nghỉ thai sản trong tháng 2 vừa qua, chuẩn bị đi làm lại đúng thời điểm dịch bệnh phức tạp, trong lúc công ty ít việc, chị Đặng Thị Thanh Tâm đã làm đơn xin tiếp tục nghỉ không lương thêm 6 tháng để ở nhà chăm con.

Chị Tâm và chồng cùng quê ở Nam Định, hai nhà nội ngoại cách nhau chừng 3 km nên chị Tâm quyết định cùng con ở quê trong thời gian này.

Vốn tính hay làm, lại lo chồng ăn hàng quán trong lúc dịch bệnh như hiện nay sẽ không đảm bảo sức khỏe, hàng tuần chị Tâm đều đặn gửi đồ ăn lên cho chồng.

Đồ ăn chị Tâm gửi cho chồng không phải sơn hào hải vị gì nhưng đảm bảo sạch sẽ, tươi ngon. Có khi là con gà chị làm sẵn, vài mớ rau ông bà trồng; lần khác là vài khúc cá thu, nem hải sản do tự tay chị làm, một hai quả bí xanh,... Theo chị Tâm, chỉ cần như vậy sẽ đảm bảo thực đơn cho chồng ăn cả tuần.

Chị Tâm cho biết, ở quê vườn nhà ai cũng rộng, bốn mùa đầy đủ các loại rau củ quả. Ngắm vườn rau xanh mướt, chị Tâm thầm nghĩ ước gì có thể mang số rau này lên Hà Nội bán thì giá trị biết bao...

Không từ bỏ việc biến ước mơ thành hiện thực, ngoài những lúc chăm con nhỏ, thời gian rảnh rỗi chị Tâm đã chụp hình ảnh các loại rau, củ quả trong vườn và một số món ăn do tự tay chị làm, giới thiệu tại các group chung cư, hội chị em văn phòng mà chị vẫn tham gia bấy lâu. Nếu ai có nhu cầu, một công đôi việc chị sẽ gửi kèm luôn.

“Lúc đầu mình chỉ nghĩ đăng lên cho vui, ai ngờ các bạn của mình (trong số đó có nhiều mẹ đang nuôi con nhỏ) đã tin tưởng nhờ mua luôn. Vườn trong xóm nhà mình, có thứ gì mọi người đặt hàng thứ đó. Ngoài rau củ quả còn có gà, vịt, cá, tôm, trứng gà,...

Thông thường, mình gom đơn từ đầu tuần và trả hàng vào cuối tuần. Nếu tuần đó anh nhà mình về thì mình nhờ anh vận chuyển lên, nếu không về nhà xe sẽ ghé qua nhà mình nhận hàng", chị Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo chị Tâm để cung ứng được rau sạch tới tay “thượng đế”, phần nhiều là nhờ công sức của bố mẹ chồng và chồng.

Ngoài ra, khi hàng lên tới Hà Nội phải mất thêm một công giao hàng cho khách. Công việc này được chồng của chị Tâm đảm nhiệm. Cũng may, đa số đơn hàng là khách quen ở cùng chung cư nên công đoạn vận chuyển không quá phức tạp.

Theo lời chị Tâm, vào những hôm cần đóng hàng, thay vì cắt rau từ buổi chiều hôm trước thì bố mẹ chồng mình để dành buổi sáng sớm mới cắt, xếp rau và đóng thùng. Như vậy, rau sẽ tươi lâu hơn.

Gà, vịt nếu ai mua, ông bà làm sạch từ chiều hôm trước rồi dán tên theo từng đơn, cất ngăn đá. Gần tới giờ xe, ông mới xếp vào thùng bảo quản đá riêng.

Nhà cách biển 6km, thi thoảng chị Tâm còn đi chợ gom ngao, tôm, cá tươi cho các đơn hàng thêm phong phú.

“Đồ ăn ở quê rẻ lắm. Rau dền 2.000 đồng/mớ to, 5.000 đồng/quả bầu, 70.000 đồng/kg gà ta, 40.000/kg vịt, 170.000 đồng/kg tôm đã bóc vỏ, chả cá 170.000 đồng/kg... tính ra mỗi đơn hàng mọi người đặt chỉ dao động từ 500.000-1 triệu đồng thì có thể đủ ăn trong cả một tuần", chị Tâm cho biết.

Theo lời chị Tâm, với mức giá trên chị Tâm đã có lãi rồi, bởi ở quê nhà nào cũng có sẵn vườn nên rau rất rẻ. Hơn nữa, nếu không gom mua thì mọi người còn phải mất thời gian mang ra chợ bán.

“Trừ cước xe và giá nhà vườn của các ông bà, mỗi tháng mình cũng được trả công khoảng 4 triệu. Mọi người được dùng đồ sạch, mình bỗng dưng có công ăn việc làm. Nghỉ ở nhà trông con với ông bà, giờ có việc làm như được tiếp thêm động lực, vất vả một chút nhưng mình thấy thực sự ý nghĩa”, chị Tâm chia sẻ.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC