THÔNG TIN TIÊU DÙNG 14/3
Thị trường thời dịch Covid- 19: Chuyển đổi theo xu hướng số
Dịch Covid- 19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, thậm chí thúc đẩy nhanh hơn phương thức kinh doanh số.
Tăng mua bán online, giảm truyền thống
Kết quả khảo sát về phản ứng và hành xử của người tiêu dùng trước dịch Covid -19 vừa được Nielsen Việt Nam, kết hợp với Infocus Mekong Mobile Panel thực hiện cho thấy, dịch bệnh này đã có những ảnh hưởng đáng kể đến hành vi chung của người Việt Nam. Cụ thể, 47% người Việt Nam đã thay đổi thói quen ăn uống; 60% thay đổi các hoạt động giải trí/vui chơi; 70% xem xét lại kế hoạch du lịch của mình và 44% cho rằng nguồn thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng.
Một số sàn thương mại điện tử đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị.
Covid- 19 không những tác động đến hành vi chung mà còn đến cả việc mua sắm các kênh ăn uống ngoài. Theo khảo sát, 45% người được hỏi cho biết họ tăng dự trữ thức ăn tại nhà so với trước đây; 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Người Việt Nam hiện nay đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.
Cùng với những thay đổi hành vi mua sắm, người tiêu dùng cũng cho biết có thay đổi trong tiêu thụ một số sản phẩm. Ví dụ như mỳ ăn liền tăng 67%; thực phẩm đông lạnh tăng 40% và xúc xích tiệt trùng tăng 19%. Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.
Đối với sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân gồm: Nước súc miệng tăng 78%, chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35% và chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn vì mọi người đang quan tâm và bảo vệ sức khỏe của mình trước dịch Covid-19.
Doanh nghiệp phân phối nắm thời cơ
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) - cho biết, trước đây, Co.opmart đã triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà nhưng chỉ chiếm rất ít so với doanh số bán tại các địa điểm siêu thị. Do ảnh hưởng của dịch bệnh mà dịch vụ giao hàng tận nhà của đơn vị tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30 - 40 đơn hàng/ngày thì nay có những ngày trên 100 đơn hàng. Các mặt hàng đa phần là thực phẩm khô như mỳ tôm, bánh kẹo do khách hàng vẫn có tâm lý dự trữ thực phẩm. Để hỗ trợ cho khách hàng mua hàng online, phía siêu thị đã tăng cường số lượng người giao hàng đồng thời áp dụng chế độ free ship với những đơn hàng từ 200.000 đồng ở khu vực nội thành.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail - Nguyễn Thị Phương - cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà mà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần phải tích trữ khiến thực phẩm giảm sự tươi ngon.Để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, một số sàn thương mại điện tử đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều hình thức ưu đãi được thực hiện trong suốt tháng 2/2020.
Tổng hợp nhiều nguồn
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016