Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 13/9


Cú lừa nho thân gỗ: Bán nhành 'củi khô', thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Lấy ảnh cây nho thân gỗ trên mạng rồi rao bán online, nhiều dân buôn đã kiếm bộn tiền từ dịch vụ này. Nhưng điều đáng nói, những cây nho thân gỗ này đều không ra được quả.
 
 
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn. Do đó, nhu cầu mua cây cảnh cũng tăng mạnh trong đợt dịch.

Ngoài các loại hoa thì nho thân gỗ là loại cây bất ngờ “hot” trong mùa dịch vừa qua. Bởi không chỉ trồng làm cảnh, loại cây này còn mọc quả từ thân rất độc đáo.

Song, theo chị Nguyễn Thị Phương Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cây trồng vài tháng đã lên kín giàn, thân và lá cây ra rất nhanh, nhưng không hề có quả.

“Người bán gửi rất nhiều hình ảnh nho ra quả từ thân cây để tạo tin tưởng. Nhưng sau một thời gian trồng mãi không thấy lên, tôi có gọi phản ánh lại thì bị chặn số. Cây giá rẻ, nhưng tiếc công sức nuôi trồng nên tôi cảm thấy rất bực mình”, chị Phương Anh cho hay.

Tìm hiểu thông tin qua anh K.D. (Giải Phóng, Hà Nội) - một dân buôn nho thân gỗ thì được biết, ảnh đó đều là lấy từ trên mạng. Thực tế, giống cây nho thân gỗ các anh bán không thể ra quả. 

“Cây chỗ khác tôi không rõ, còn hàng tôi nhập từ Lạng Sơn về chắc chắn không ra quả. Mỗi chuyến, tôi nhập vài nghìn cây từ đầu mối này để kinh doanh. Bên ngoài, cây nhìn như củi khô, nên chúng tôi phải lấy ảnh trên mạng để gửi cho khách hàng”, anh D tiết lộ.

Bán cây giả, nhưng ăn tiền thật. Mỗi ngày anh D có 50 - 60 đơn hàng, mỗi đơn khách đặt mua khoảng 5 - 6 cây. Trừ chi phí chạy quảng cáo Facebook và chi phí thuê nhà để cắt tỉa cây, mỗi tháng anh D thu lãi 60 triệu đồng. Tháng nào thấp anh cũng lãi 35 - 45 triệu đồng. Cao điểm bán hàng nhất của anh D chính là thời điểm giữa mùa dịch.

“Đó là mới làm nhỏ, nếu làm lớn thì doanh thu của tôi còn cao nữa. Số tiền vốn bỏ vào chỉ khoảng gần 100 triệu đồng”, anh D nói và cho biết thêm, rủi ro duy nhất chỉ là khách nhận hàng không ưng ý sẽ trả lại, phía anh sẽ phải chịu phí vận chuyển.

Bán “củi khô” nhưng chỉ sau gần 2 tháng, anh D đã thu lại hết tiền vốn. 

Cũng theo dân buôn này, cây vẫn lớn đều, nhưng khi khách phản hồi rằng không ra quả, thì anh sẽ chặn liên lạc, hoặc trả lời rằng phải chờ cây lớn thêm.

Không hiểu vì lý do gì, 2 tuần nay mặt hàng nho thân gỗ đang “cháy” sạch hàng khiến anh D phải tạm dừng. 

“Phía đầu buôn đang báo hết hàng, tôi phải tìm kiếm nguồn nhập mới. Cũng không cần quan tâm quá tới chất lượng, bởi không ra được quả tôi cũng bán được. Hơn nữa, giá nhập chỉ có 5 - 6 nghìn đồng/cây”, anh D cho hay.
 
Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC