THÔNG TIN TIÊU DÙNG 2/6
Điều hòa Nhật Bản thống trị thị trường Việt Nam
Các nhà bán lẻ lớn cho biết Panasonic và Daikin là 2 thương hiệu đang chiếm phần lớn doanh số điều hòa tại thị trường Việt Nam.
Theo Research Market, có khoảng 112 triệu thiết bị điều hòa được bán ra trên toàn cầu năm 2020. Hiện thương hiệu Daikin của Nhật Bản là công ty đứng đầu ngành điều hòa toàn cầu, theo Bestac.in.
Tại Việt Nam, thị trường điều hòa diễn ra sôi động khi có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều thương hiệu như Daikin, Sharp, Toshiba, Panasonic, Samsung, LG, Aqua, Casper, Sunhouse, Asanzo...
Điều hòa Nhật Bản thống lĩnh, nhóm 10 triệu sôi động
Theo số liệu từ Điện Máy Xanh và Điện Máy Chợ Lớn, hai thương hiệu Nhật Bản là Panasonic và Daikin có doanh số dẫn đầu thị trường.
“Doanh số điều hòa Panasonic đang dẫn đầu, dao động từ 25-30% tùy theo số bán từng vùng khác nhau. Vị trí thứ 2 thuộc về Daikin với khoảng 19%”, đại diện hệ thống Điện Máy Xanh nói với Zing.
Theo vị đại diện này, người dùng Việt chủ yếu quan tâm đến các tính năng như tiết kiệm điện, làm lạnh nhanh, có khả năng khử mùi và lọc bụi mịn. Phân khúc 10 triệu đồng đang cạnh tranh sôi động và được nhiều khách hàng chọn mua nhất.
Đại diện hệ thống Điện Máy Chợ Lớn cho biết những mẫu điều hòa bán chạy hiện nay gồm Panasonic Inverter CU/CS-XU9UKH-8 (12,2 triệu đồng), Casper IC-09TL32 (7 triệu đồng), Daikin Inverter ATKC25UAVMV (12 triệu đồng), Toshiba Inverter RAS-H10E2KCVG-V (11,5 triệu đồng) và LG Inverter V10APH1 (10,6 triệu đồng).
"Giá cả cạnh tranh, đa dạng mẫu mã mang đến nhiều lựa chọn cho người dùng cùng chất lượng tốt đã giúp cho Panasonic và Daikin dẫn đầu trong những năm qua. Thương hiệu Casper đến từ Thái Lan cũng dần thu hút được nhiều người dùng nhờ giá bán hấp dẫn, chính sách bán hàng tốt", đại diện Điện Máy Chợ Lớn nhận định.
Các nhà bán lẻ đều cho rằng khách hàng ở khu vực thành phố thường thích thương hiệu Nhật Bản, Thái Lan với nhiều tính năng. Trong khi đó, khách hàng ở nông thôn không quan tâm nhiều đến thương hiệu, cần giá rẻ, bền, ít hao điện, nên thường chọn các mẫu của Midea hoặc Aqua, Sumikura.
Ngoài ra, người dùng ở khu vực miền Bắc và miền Nam cũng có lựa chọn khác nhau vì khác biệt khí hậu. "Miền Bắc có mùa đông nên một số khách hàng chọn điều hòa 2 chiều (có tính năng làm mát và sưởi ấm). Tuy nhiên, mùa đông ở miền Bắc không quá khắc nghiệt, người dân vẫn có những giải pháp khác như máy sưởi nên điều hòa 2 chiều chỉ chiếm khoảng 10% doanh số", đại diện hệ thống Media Mart cho biết.
Điều hòa thương hiệu Việt cạnh tranh về giá
Năm 2019 - 2020, Sunhouse và Kangaroo đã lần lượt tham gia vào thị trường sản xuất điều hòa. Trước đó, một số tên tuổi như Asanzo hay Funiki cũng đã giới thiệu nhiều mẫu điều hòa tại Việt Nam.
Những thương hiệu này có dải sản phẩm đa dạng cùng mức giá rẻ hơn so với đối thủ ngoại nhập. Chẳng hạn mẫu Sunhouse SHR-AW09IC610 và Panasonic CU/CS-XPU9WKH-8 đều có công suất 1 HP, công nghệ Inverter, khả năng lọc không khí, bụi mịn PM 2.5. Sunhouse SHR-AW09IC610 có giá 6 triệu đồng, trong khi mẫu điều hòa Panasonic CU/CS-XPU9WKH-8 được bán với giá 9,1 triệu đồng.
"Các hãng điều hòa Việt cũng nhanh nhẹn nắm bắt thị trường, đưa ra nhiều chương trình thúc đẩy bán hàng, hỗ trợ người tiêu dùng. Điều hòa thương hiệu Việt đang chiếm khoảng 20% doanh số tại hệ thống", vị đại diện Media Mart nói thêm.
Đại diện hệ thống Điện Máy Xanh cho rằng điều hòa thương hiệu Việt vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các tên tuổi đến từ Nhật Bản. “Điều hòa thương hiệu Việt chưa tạo được niềm tin lớn với khách hàng. Hiện nay các dòng máy của Nhật vẫn chiếm ưu thế khiến người dùng yên tâm về chất lượng hơn. Doanh số điều hòa nội địa hiện còn thấp tại hệ thống”, đại diện Điện Máy Xanh nhận định.
Inverter dần phổ biến, các hãng cạnh tranh bằng chất lượng lọc khí
Trước đây, công nghệ Inverter chỉ xuất hiện trên các mẫu điều hòa tầm trung và cao cấp. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đa số các mẫu điều hòa giá rẻ hiện nay đã được trang bị công nghệ Inverter giúp tiết kiệm điện tốt hơn.
Theo đại diện Samsung, khi chọn mua điều hòa người dùng Việt chủ yếu quan tâm đến khả năng tiết kiệm điện và độ bền cao. Hiện tại, các hãng đều đã làm được điều này. Vì thế, xu hướng mới là tập trung cải thiện chất lượng không khí bằng những bộ lọc đi kèm.
"Sau khi đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản, các hãng sẽ đánh mạnh về chất lượng không khí trong phòng. Mỗi hãng đều có công nghệ, bộ lọc khí và cơ chế vận hành hoàn toàn khác nhau. Đây được xem là điểm khác biệt tạo nên sự cạnh tranh lớn ở thị trường Việt Nam", vị đại diện Samsung Việt Nam nói.
Đại diện Daikin Việt Nam cho biết do người dùng ngày càng quan tâm nhiều về sức khỏe. Vì thế, việc điều hòa trang bị khả năng lọc khí, kiểm soát độ ẩm được xem là xu hướng mới. Bên cạnh đó, các hãng dần tập trung vào các tính năng giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng như kết nối với smartphone, cảm biến thông minh tự động điều chỉnh nhiệt độ và làm lạnh nhanh.
Điều hòa Nhật cũ có nhóm khách hàng riêng
Bên cạnh model mới chính hãng, nhiều người dùng tìm đến các mẫu điều hòa cũ nhằm tiết kiệm chi phí. Theo đó, giá của những mẫu điều hòa cũ công suất 1 HP từ 3,2 triệu đồng, 1.5 HP, 2 HP có giá lần lượt từ 3,8 và 5,2 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn khoảng 50% so với những mẫu điều hòa mới đang bán trên thị trường.
Nguyễn Nhung, chủ cửa hàng bán điều hòa cũ ở quận Tân Bình, TP.HCM cho biết nhu cầu chọn mua hàng cũ của khách tăng cao trong mùa nóng. Khách hàng mua điều hòa cũ thường là nhóm sinh viên, người mới đi làm hoặc chủ các khách sạn giá rẻ, muốn giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Theo ông Toàn Thắng, chủ một cửa hàng điều hòa cũ tại quận Bình Tân, TP.HCM, hiện vẫn có nhiều khách hàng gọi lắp đặt điều hòa cũ. Giá của các máy điều hòa cũ cũng rẻ hơn 30-50% so với model mới. Những sản phẩm qua sử dụng thường có "tuổi đời" hơn 5 năm và không có công nghệ Inverter nên vận hành tốn kém.
Minh Đang, thợ sửa điều hòa ở quận 7, TP.HCM cho biết chất lượng các model cũ mang tính "hên xui", tùy nguồn cung cấp. Những máy cũ, chất lượng thấp tồn tại một số rủi ro như rò nước, máy không nhận lệnh điều khiển, không làm mát. Tuy nhiên, nếu lựa chọn kỹ, người dùng vẫn có thể mua được hàng tốt, đời cao từ 2017 về sau với mức giá hợp lý.
"Các mẫu điều hòa cũ nội địa Nhật có rất nhiều loại, nhiều đời. Do đó, người dùng cần kiểm tra kỹ các thành phần bên trong xem còn mới đẹp, móp méo không. Bên cạnh đó, khách cần chọn những nơi uy tín để mua hàng", ông Vũ Đức Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm chọn mua đồ nội địa Nhật chia sẻ.
Ông Hải cho rằng khó khăn lớn nhất của việc dùng sản phẩm này là phải kiếm được thợ am hiểu để vệ sinh định kì. "Nếu thợ không chuyên làm điều hòa Nhật thì sẽ gặp khó khăn như không biết cách tháo, xử lý lỗi", ông Hải nói.
Tổng hợp nhiều nguồn