Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 21/8


Hà Nội: 'Chợ mạng' nhộn nhịp, 'cháy đơn' đồ cúng Rằm tháng 7

Trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID, người dân hạn chế đi mua sắm trực tiếp, các dịch vụ cúng Rằm tháng 7 nở rộ trên "chợ mạng".
 
 

Từ lâu, việc chuẩn bị những mâm cúng thật tươm tất, đủ đầy để dâng lên bàn thờ gia tiên dịp rằm tháng 7 đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng của người Việt.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người đã chọn cách đặt hàng online và xem đây là cách "đi chợ" sắm lễ cúng Rằm của gia đình trong thời gian giãn cách.

Chị Mai Hồng Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) chủ một cửa hàng bán đồ chay cho biết, vào tháng 7 âm lịch, số lượng khách đặt cỗ chay tăng đột biến, để kịp trả đơn cho khách chị phải nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ.

Năm nay cũng không phải ngoại lệ, dù đang trong thời gian giãn cách xã hội, khách hàng không đến trực tiếp để đặt đồ như trước, thay vào đó mọi người chuyển hướng qua đặt online.

Theo chị Minh, một mâm cỗ chay với 7-10 món có giá từ 500.000 - 700.000 đồng. Những mâm cầu kỳ hơn, với đầy đủ món thì giá cao hơn có thể lên tới 1-2 triệu đồng tùy vào từng nhu cầu của khách.

"Những năm trước, dịp tháng 7 âm lịch là thời gian cao điểm có ngày tôi làm 25 - 30 mâm cỗ chay, phải 3-4 nhân viên làm mới kịp trả đơn. Năm nay dịch bệnh ảnh hưởng, không có người làm tôi phải nhờ người thân hỗ trợ nên không dám nhận nhiều, mỗi ngày chỉ làm chừng 4 mâm", chị Hồng Minh chia sẻ.

Chị Mai Ngọc, sinh sống ở chung cư Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, vì dịch bệnh hạn chế đi lại nên chị chỉ nhận đặt hàng ở khu chung cư để tiện giao hàng cho khách. Một mâm lễ chay chị Ngọc làm thường có đủ trầu cau, hoa quả và bánh chay, nhiều khách hàng yêu cầu thêm bánh Trung thu chị Ngọc sẽ sắp vào mâm lễ.

"Mình bắt đầu nhận đơn từ ngày 7/7 (âm lịch), đến nay có hơn 20 đơn hàng khách đã đặt. Những mâm lễ này là đồ cúng nên bên cạnh hình thức trình bày thì mình cũng chú ý về chất lượng các loại quả để mâm lễ trông "ngon mắt" hơn khi đến tay khách hàng", chị Ngọc nói.

Thay vì trực tiếp ra chợ mua đồ cúng Rằm tháng 7 như trước, chị Lê Thị Huyền (34 tuổi, quận Cầu Giấy) vào các group "chợ mạng" bán đồ cúng Rằm online để mua.

Chị Huyền cho hay, sau khi TP Hà Nội xuất hiện những ca COVID-19 trong cộng đồng, công ty chị cho làm việc tại nhà. Kể từ đó, chị Huyền hạn chế ra ngoài, cách 5-6 ngày chị mới đi chợ mua thực phẩm nên chị đặt đồ cúng Rằm hoàn toàn trên chợ mạng.

"Dịch vụ đặt cỗ bây giờ rất tiện lợi, uy tín, đảm bảo chất lượng và hình thức đẹp mắt, nên Rằm năm nay, tôi đã đặt cỗ xôi gà và cỗ hoa quả để dâng lên bàn thờ. Mặc dù, giữa mùa dịch nhưng các mặt hàng vàng mã hay mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 trên chợ online khá đa dạng, chỉ cần vào xem sau đó đặt hàng, sẽ có người giao đến tận nhà. Mình thấy việc mua hàng trên chợ mạng khá tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian mà không tốn công sức", chị Huyền bày tỏ.

Tương tự, chị Hoàng Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do thành phố đang giãn cách nên việc đặt hàng mất nhiều thời gian hơn. Những năm trước, đến ngày Rằm chị Hà sẽ tự tay đi chợ, chọn từng món đồ cúng. Nhưng năm nay, không thể ra ngoài chị Hà phải đặt đồ trên "chợ mạng" trước nhiều ngày để tránh tình trạng thiếu sót.

Chị Hà thường thanh toán bằng cách chuyển khoản, hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt và cũng không trực tiếp nhận hàng từ người giao. Do các nhà bán hàng online đều giữ uy tín, nhất là mặt hàng có tính chất tâm linh nên cũng khá cẩn thận và yên tâm. Theo chị, mua hàng online sẽ hạn chế tiếp xúc và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

"Việc "đi chợ" online bây giờ rất tiện lợi mà hình thức cũng rất đẹp mắt. Ngoài mua vàng mã, mình còn đặt mua các loại hoa quả tươi để cúng Rằm bởi không chỉ vàng mã, nhiều mặt hàng khác cũng được mua bán nhộn nhịp trên chợ mạng. Tôi rất ủng hộ việc mua bán hàng online trong thời điểm dịch bệnh này", chị Hà chia sẻ.

Theo VTV
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC