THÔNG TIN TIÊU DÙNG 19/6
Khắp nơi lo ế vải thiều, bằng cách này bà chị bán giá cao vẫn cháy hàng
Thay vì bán vải tươi như mọi năm, chị Thu Thủy ở Long Biên, Hà Nội quyết định chuyển hướng sang sấy vải khô bán. Trung bình mỗi ngày chị bán được 4 tạ vải, một tuần bán được 1,5 tấn vải sấy khô.
Buôn bán hơn chục năm, chị Thu Thủy cho hay, vợ chồng chị là đầu mối bán buôn cung cấp hoa quả đi nhiều nơi. Anh chị có một cửa hàng rộng vừa bán tại chỗ vừa bán qua mạng. Do dịch bệnh, việc bán hàng trực tuyến của vợ chồng chị đợt này bận rộn hơn rất nhiều. Đặc biệt, mùa vải năm nay anh chị cũng có nhiều thay đổi trong việc kinh doanh buôn bán.
“Những năm trước, vợ chồng mình thường mua cả vườn, từ lúc vải còn xanh tới khi thu hoạch sẽ bán buôn lại cho thương lái. Nay vải vào mùa đúng đợt dịch bùng phát nên vợ chồng mình quyết định chuyển hướng sang sấy vải khô bán. Do gấp quá, chưa kịp làm lò sấy nên sau khi thu hoạch vải tươi, mình thuê sấy rồi rao bán trên trang cá nhân cũng như các nhóm chợ mạng”, chị Thủy kể.
Chị Thủy cho biết, thời gian sấy một mẻ vải dao động từ 5 tới 6 ngày, tùy theo quy trình sấy của từng chủ lò. Một mẻ vải thiều sấy đạt yêu cầu là quả vải phải có màu sắc đồng đều, vị ngọt sắc, dẻo và mùi thơm rất đặc trưng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá vải sấy năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm. Theo chị Thủy, những năm trước, vải sấy có giá trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg, năm nay giá dao động trên dưới 60.000 đồng/kg. Mức giá này vợ chồng chị Thủy để công khai trên trang bán hàng của mình.
Vợ chồng chị cũng chỉ bán sỉ không bán lẻ, với đơn hàng tối thiểu 10kg. Khách hàng lấy với số lượng nhiều, từ 50kg trở lên chị sẽ giảm giá thêm một chút.
“Vì mình đã bán hàng gần 15 năm nên lượng khách hàng quen rất đông. Có những khách đặt liền lúc 2-3 tạ, trung bình một ngày mình xuất khoảng 4 tạ. Trong vòng chưa đầy một tuần, mình bán được 1,5 tấn vải sấy", chị nói.
"Thực ra năm nay mình chuyển sang bán vải sấy thế này cũng không lời lãi nhiều. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên mình muốn chung tay góp sức để người trồng vải không phải chịu nhiều thiệt hại”.
Người phụ nữ chia sẻ, nếu vải sấy đạt chuẩn, bảo quản tốt có thể để được cả năm. Vải sấy có thể dùng để ăn trực tiếp, ngâm rượu uống hoặc dùng nấu chè, làm gia vị thuốc bắc.
Cách chọn vải sấy khô
Trên thị trường có rất nhiều cơ sở bán vải sấy khô, tuy nhiên để chọn được vải sấy đạt chất lượng, cần chú ý tìm mua ở những địa chỉ uy tín. Vải sấy quả phải to, vỏ ngoài khô đều, giữ nguyên dáng hoặc móp nhẹ.
Đặc biệt khi bóc, long vải phải dẻo, có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt sắc, bóc không dính tay, màu cánh gián đậm. Long vải có màu đen là đã bị sấy cháy, long có màu nâu nhạt là sấy chưa đủ độ, phải dùng ngay không để lâu được.
Cách bảo quản
Để bảo quản được vải sấy trong thời gian dài, khi mua vải về chúng ta mang phơi vải dưới 2, 3 lần nắng nữa. Trong quá trình phơi, phải chú ý đảo vải cho đều nắng, vỏ vải khô đều. Sau đó đưa vào vào bóng râm phơi trước gió thêm 3, 4 ngày rồi mới cho vào túi nilong buộc chặt.
Khi bảo quản, khoảng 2-3 tháng nên mở túi vải ra kiểm tra xác suất một vài quả xem vải sấy còn đảm bảo chất lượng không hay đã bị mốc, hỏng hoặc mọt đục. Nếu cất trữ nhiều, cứ vài tháng, bạn nên mang vải ra phơi nắng và làm theo đúng như quy trình bảo quản lần đầu, như thế đảm bảo vải sấy có thể để hàng năm vẫn thơm ngon, bổ dưỡng.
Theo VietNamNet
Trung tâm Dịch vụ Số MobiFone - Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
Trụ sở: Tòa nhà MobiFone, Lô VP1, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Dịch vụ được hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế ICOM và Tổng công ty Viễn Thông MobiFone
ĐKKD: 0100686209-087 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp thay đổi lần 05 ngày 13 tháng 07 năm 2021
Giấy phép số 1691/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 24/04/2017
Giấy phép số 203/GCN-DĐ do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 11/11/2016
ĐT: 024 3782 3138
© Copyright Mobifone 2009 - 2016