Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 16/6


'Tắc đường' sang Trung Quốc, khoai chất đống, mít dội chợ, dân trắng tay

Nhiều loại rau củ, trái cây đang rớt giá thảm xuống còn 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí còn vài trăm đồng/kg do “tắc đường” sang Trung Quốc. Thế nên, ở nhiều vựa rau quả, dù được mùa lớn nhưng nông dân vẫn trắng tay, chịu lỗ nặng.
 
 
Giá nông sản đồng loạt lao dốc

Thời điểm này, rau củ, trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn. Song, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khiến giá các mặt hàng trái cây, rau củ đồng loạt lao dốc.

Tại vựa khoai lang tím Vĩnh Long và Đồng Tháp, từ cuối tháng 4, giá khoai lang bắt đầu giảm mạnh. Một tuần nay, người trồng khoai lang Nhật khóc ròng vì giá rớt 20 lần, xuống còn 500-600 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái thu mua.

Ông Lê Văn Tân trồng 3ha khoai lang ở Châu Thành (Đồng Tháp) nói: “Chưa bao giờ người trồng khoai lang tím lại bi đát như năm nay. Khoai được mùa giá giảm kỷ lục”. Theo ông, chi phí trồng 1.000 m2 khoai lang hết khoảng 15-20 triệu đồng. Với giá như hiện tại, ông ước tính mình lỗ gần nửa tỷ đồng.

Điều đáng nói, một tuần nữa, nếu không bán được thì toàn bộ khoai lang tại ruộng coi như bỏ đi vì hỏng hết. Lúc đó, những người nông dân trồng khoai như ông Tân sẽ chịu cảnh trắng tay.

Ở thủ phủ thanh long Bình Thuận, người nông dân cũng chẳng khá khẩm hơn khi trái cây này đã chín đỏ rực ngoài vườn nhưng lại vắng thương lái gom mua.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cho biết, do dịch bệnh, Trung Quốc hạn chế “ăn hàng” nên giá thanh long giảm mạnh. Hiện tại, giá thu mua trung bình từ 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ 500-1.000 đồng/kg.

“Dù sản lượng vụ thanh long chong đèn không lớn, song chi phí lại khá cao. Thế nên, với mức giá này, nông dân Bình Thuận đang lỗ nặng”, vị giám đốc cho hay.

Tương tự, mít Thái tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk cũng đồng loạt rớt lao dốc, xuống còn vài ngàn đồng mỗi cân. Thê thảm nhất là tại vựa mít Tiền Giang, loại quả “siêu thực phẩm” này chỉ 5.000-10.000 đồng/kg, trong khi mít hàng chợ, mít kem còn 500-1.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá mít chạm đáy là do Trung Quốc hạn chế mua, chưa kể thời gian trước dân ồ ạt trồng khiến mít thu hoạch dội chợ.

Cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiều mặt hàng nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu không tưởng. Cụ thể, bơ loại 1 chỉ 5.000 đồng/kg; thanh long đỏ 1.000-1.500 đồng/kg; xoài cũng chỉ có giá 3.000-5.000 đồng/kg.

Đua nhau kêu cứu

Trước sức ép thanh long vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 80.000 tấn, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết, khi xuất khẩu thanh long ngưng trệ, tỉnh sẽ vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long trên địa bàn dự trữ hàng trong kho lạnh để xuất khẩu chính ngạch, tiêu thụ nội địa và chuẩn bị xuất khẩu.

Địa phương này cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Trước mắt, tỉnh sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại cùng với các đối tác của sàn thương mại điện tử.

Với sản lượng khoai lang còn trên đồng khoảng 8.494 tấn, tỉnh Đồng Tháp đang liên tục kêu gọi doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long), cho biết, trước tình hình người trồng khoai lang gặp khó khăn trong tiêu thụ, huyện đã kêu gọi các đơn vị, tổ chức, công ty, cá nhân chung tay hỗ trợ mua khoai.

“Sau khi họp, chúng tôi thống nhất giá mua khoai là 5.000 đồng/kg nhằm giúp nông dân giảm bớt khó khăn, sớm thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa tới”, ông Tập nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk mới nghe thông tin giá bơ thấp hơn mọi năm nhưng chưa nắm được tình hình cụ thể. Sở đã giao cho Chi cục nông nghiệp và Chi cục phát triển nông thôn đi kiểm tra tình hình sản lượng và tiêu thụ sản phẩm như thế nào. Sau đó, Sở sẽ xây dựng kế hoạch để hỗ trợ cho người dân tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ NN-PTNT, nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, đặc biệt các loại trái cây chủ lực với sản lượng lớn (thanh long, xoài, chuối, dứa, vải, nhãn, dưa hấu,... ), nhưng lại gặp khó trong thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương vì dịch Covid-19.

Để giải quyết tình trạng trên, mới đây Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các bộ ngành đề nghị hỗ trợ “luồng xanh” cho xe vận chuyển nông sản giữa các địa phương và xuất khẩu, giảm chi phí cầu đường, bến bãi,... ; đồng thời, xin cấp “hộ chiếu vắc-xin” cho đội lái xe chuyên chở nông sản.

Ngoài ra, Bộ phối hợp cùng với Hội phụ nữ Việt Nam, TƯ Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân ra mắt các điểm chuẩn hoá mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Từ đó, kêu gọi xã hội áp dụng mô hình này để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Song, Bộ trưởng cho biết đây là những giải pháp ngắn hạn, tiến tới trong dài hạn thiết lập được kênh thông tin hai chiều. Trước khi thu hoạch 15-20 ngày, các cơ sở tại các địa phương phải chủ động gửi thông tin về Bộ để gửi tới hệ thống phân phối.

“Đừng để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây chúng ta mới truyền thông, mới ra quân đi kêu giải cứu. Lúc đó muộn rồi vì giá đã giảm”, Bộ trưởng nói. Ông cho rằng, các Sở NN-PTNT địa phương cần xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều, mà cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được thị trường. Nếu không kết nối được thị trường, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, phải thiết lập hệ thống chuyển đổi số. Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên để các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh đó đang chuẩn bị thu hoạch lượng nông sản lớn. Có như vậy, các hệ thống phân phối mới chủ động được kho bãi, vận chuyển.

Theo VietNamNet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC