Thông tin tiêu dùng

THÔNG TIN TIÊU DÙNG 13/8


Tràn lan kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc

Các sản phẩm như kit test nhanh COVID-19 phải có sự thẩm định và cấp phép bởi Bộ Y tế. Người dân không nên tìm tới các sản phẩm đang được rao bán tràn lan, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
 
 
Điều này vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa có thể cho ra kết quả không chính xác.

Mập mờ về nguồn gốc

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… gần đây liên tục xuất hiện thông tin rao bán các bộ kit test nhanh COVID-19. Nhiều đối tượng đã đăng tải các sản phẩm bộ kit test nhanh COVID-19, buôn bán trong hội nhóm kín. Theo đó, các bộ kit đều được người bán giới thiệu là có chức năng phát hiện nhanh virus chỉ sau một lần thử; cam kết hiệu quả 100%. Đồng thời, người bán còn khẳng định sản phẩm chủ yếu là xách tay từ nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản… nên khách hàng cứ yên tâm.

Liên hệ với người đang rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 tên N.H, chúng tôi được tận tình hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm. Theo lời N.H, cửa hàng sẵn sàng vận chuyển với số lượng lớn nếu như khách có nhu cầu.

“Phần lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 nhà em nhập về đều được kiểm định rất chặt chẽ, được nhiều ngôi sao, diễn viên điện ảnh tin dùng. Giá chỉ từ 300.000 - 700.000 đồng, các bộ kit này sử dụng rất thuận tiện, dễ dàng, đạt hiệu quả ngay từ lần thử đầu tiên. Bán chạy nhất vẫn là những bộ kit xách tay, hôm nay mới nhập hàng về nhưng ngày mai hàng trong kho nhà em đã vận chuyển hết cho người mua rồi” - chị N.H nói.Cũng rao bán bộ kit test nhanh trên mạng xã hội, một tài khoản trên Facebook đăng tin có hàng dự trữ sẵn tại kho, chỉ cần gọi điện là sẽ có ngay. Nếu khách hàng mua cả hộp sẽ có giá 700.000 đồng còn mua loại dùng một lần (1 bộ kit) giá từ 300.000-350.000 đồng/bộ.

Các bộ kit test nhanh COVID-19 đều được quảng cáo là hàng hóa xách tay được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… chất lượng đã được kiểm định nghiêm ngặt. Thực tế cho thấy, khi PV yêu cầu muốn xem giấy tờ, nguồn gốc sản phẩm trước khi đặt hàng với số lượng lớn thì những bên cung cấp đều không giải trình được. Họ đều lấy lý do đây là hàng hóa xách tay nhờ người thân bên nước ngoài chuyển về nên cứ yên tâm sử dụng, nếu kiểm tra hàng hóa không ưng ý có thể hoàn trả lại.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bên dưới những thông tin rao bán về các bộ kit test nhanh COVID-19, nhiều người mua hàng thực tế đã tỏ ra vô cùng thất vọng về chất lượng sản phẩm các bộ kit. “Vì quá lo lắng trước thông tin dịch bệnh nên tôi đã đặt mua 10 bộ kit test nhanh COVID-19. Khi mua hàng, tôi được người bán cam kết đây là hàng hóa xách tay từ Hàn Quốc, có chất lượng và chứng từ rõ ràng. Thế nhưng, khi kiểm tra thì thấy sản phẩm không có bất kỳ giấy tờ nào đi kèm và chưa được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép sử dụng” - một ý kiến của người dùng cho hay.

Phải có thẩm định và cấp phép

Liên quan đến tình trạng kit test nhanh COVID-19 rao bán tràn lan, mập mờ về nguồn gốc, chất lượng, GS-TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - đưa ra ý kiến người dân cần hết sức thận trọng, không nên sử dụng các sản phẩm không được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.

“Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Cuối tháng 7 vừa qua, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Công an Hà Nội làm rõ vụ buôn bán que test nhanh COVID-19 không có hóa đơn chứng từ. Cụ thể, khi kiểm tra một cơ sở xoa bóp bấm huyệt ở tầng 3, chung cư HH3B Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 1.000 bộ test COVID-19 nhanh được cho là có xuất xứ từ Đức. Toàn bộ số que test trên không có hóa đơn, chứng từ. Bước đầu, chủ cơ sở khai mua số que test COVID-19 kể trên của Nguyễn Tiến Vĩnh (SN 1979; quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội).

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh của Vĩnh, phát hiện, thu giữ thêm 2.100 bộ test COVID-19 cùng chủng loại và tất cả đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 13.7, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2. Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC