Phát hiện công trình 8.500 tuổi lâu đời nhất ở 'xứ sở của vàng và siêu xe'
Mới
đây, các nhà khảo cổ học của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
đã phát hiện ra những tòa nhà được cho là lâu đời nhất quốc gia này với
niên đại ít nhất khoảng 8.500 năm.
Trong thông
cáo mới phát đi hôm 17/2 của Sở Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi, những tòa
nhà mới được phát hiện thấy trên đảo Ghagha có tuổi đời lâu hơn 500 năm
tuổi so với công trình cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở nước này.
Công
trình được tìm thấy có cấu trúc như "những căn phòng hình tròn đơn
giản" với các bức tường đá cao gần một mét gần như còn nguyên vẹn.
Công trình có niên đại ít nhất 8.500 năm tuổi nằm trên đảo Ghagha, phía tây thành phố Abu Dhabi
Nhóm
nghiên cứu cho biết các công trình kiến trúc này "có thể là những ngôi
nhà được một cộng đồng nhỏ sinh sống trên đảo". Ngoài ra, những phát
hiện này còn cho thấy sự tồn tại của các khu định cư thời kỳ đồ đá mới
ngay cả trước khi những tuyến thương mại hàng hải đường dài phát triển.
Các
nhà khảo cổ UAE đã tìm thấy thêm hàng trăm hiện vật khác, trong đó có
những "đầu mũi tên bằng đá được gia công tinh xảo dùng để săn bắn". Bên
cạnh đó, họ cũng không loại trừ khả năng cộng đồng những người thời kỳ
này còn "tận dụng các nguồn tài nguyên biển phong phú".
Mặc
dù, cho tới nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa thể khẳng định được thời gian
tồn tại của khu định cư này. Nhưng một thi thể được tìm thấy tại đây,
sau khi đem đi giám định thì có niên đại tới 5.000 năm. Đây cũng là một
trong số ít các khu chôn cất cổ xưa được tìm thấy trên quần đảo Abu
Dhabi.
Ông Mohamed Al Mubarak, người đứng đầu nhóm
nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện mới đây trên đảo Ghagha cho thấy
đặc điểm biến đổi cũng như khả năng thích ứng của cư dân vùng đất này từ
hàng ngàn năm trước".
Công trình kiến trúc lâu
đời nhất UAE được tìm thấy trước đó nằm trên đảo Marawah, ngoài khơi bờ
biển Abu Dhabi. Đây cũng là nơi phát hiện ra viên ngọc trai lâu đời nhất
thế giới hồi năm 2017.
Từ đây, nhóm nghiên cứu
dần nhận ra các hòn đảo ngoài khơi bờ biển Abu Dhabi như những "vùng đất
màu mỡ" trái ngược hoàn toàn với sự "khô cằn khắc nghiệt" bên trong đất
liền. Đây là điều kiện thuận lợi để những người cổ đại di cư tới và
hình thành nên các cộng đồng.
Đỗ An - VietNamNet (Theo CNN)