Thông tin du lịch

THÔNG TIN DU LỊCH 28/9


Bá Thước - những địa danh huyền thoại, tình sử hấp dẫn và gọi mời du khách
Bá Thước được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, giá trị với cảnh quan sông núi và hệ sinh thái đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với hệ sinh thái rừng, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều điểm có cảnh quan đẹp, hoang sơ, ẩn hiện trong mây mờ xa và sương chiều bảng lảng, như: Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông, Kho Mường, làng Đôn, làng Tiến Mới...

Thiên nhiên hào phóng còn ban tặng cho miền đất non xanh, nước biếc này nhiều danh thắng và thác nước đẹp phát triển du lịch, như: Thác Muốn (xã Điền Quang), hang cá thần Mường Ký (xã Văn Nho); hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại) và hệ thống hang động kỳ thú như là tiên cảnh (hang Dong - xã Điền Hạ, hang Anh Rồ - xã Hạ Trung). Bá Thước cũng đang dần hình thành một số sản phẩm du lịch mới như tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng... thưởng thức các danh thắng và đặc sản của địa phương.

 
 
Bá Thước còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Kinh... với các di chỉ khảo cổ học, nơi cư trú của người Việt cổ như: Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, hang Làng Tráng xã Lâm Xa... Trong đó di chỉ Mái Đá Điều đã được xếp hạng Di tích khảo cổ học từ năm 2004; di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật: Chùa Mèo, đền thờ Lê Lợi, Tống Duy Tân... đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông, hệ thống nhà sàn của đồng bào Mường, Thái; văn hóa ẩm thực phong phú: cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím, canh uôi, măng chua, măng đắng, canh đắng, hoa chuối rừng nộm, lợn rừng, rượu ngô, rượu cần, xôi hấp gà Kho Mường, vịt thác Hiêu Cổ Lũng... Rượu cần ở Điền Hạ, Ban Công có hương thơm đặc trưng, vị ngọt, đậm và những món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng.

Miền non cao Bá Thước hãy còn lưu giữ và thực hành nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng gắn với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); lễ hội Mường Khô, lễ hội đua thuyền độc mộc; phiên chợ Phố Đòn và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đa sắc màu với các làn điệu dân ca, dân vũ đắm say lòng người với các thiếu nữ Thái, Mường xinh đẹp trong trang phục dân tộc, rộn ràng và đắm say trong âm nhạc cồng chiêng, khèn bè và luống khua rộn rã.

Đến với Bá Thước, du khách sẽ được chứng kiến nghề dệt thổ cẩm ở xã Lũng Niêm, nghề thêu ren ở xã Cổ Lũng,... Với bàn tay khéo léo và thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, đồng bào đã tự dệt nên trang phục cho mình và các đồ dùng khác như: chăn, gối, đệm, túi, khăn... do những người phụ nữ Thái tạo nên vừa tài khéo, đa sắc màu và các họa tiết hoa văn, mang đậm sắc thái văn hóa tộc người và là món quà lưu niệm cho du khách làm quà cho người thân.

Cùng với các tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú và đặc sắc, Bá Thước còn là cội nguồn và in dấu nhiều địa danh gắn với huyền thoại và các tích truyện thơ cổ tích làm đắm say lòng người. Bá Thước là quê hương của sử thi Đẻ đất đẻ nước, của trường ca Khăm Panh, của truyền thuyết Nàng Ờm - chàng Bông Hương... quê hương của “Cây chu đá, lá chu đồng; Bông thau quả thiếc”..., một vùng non nước đẹp như tranh.

Từ Đồng Tâm ngược “dốc năm cây” lên phía Quan Sơn hẳn phải đến với làng Cha, từ nơi đây nhìn dòng sông Mã ngỡ như đó là dải lụa trắng tinh khôi uốn lượn chảy ngang trời. Phía Tây Bắc là dãy núi hùng vĩ, cao ngất, nơi đó có “Cây chu đá lá chu đồng...” mà dấu tích còn lưu lại ở đồi Chu xã Thiết Ống. Cây Chu là biểu tượng cho sự phồn thịnh cực đỉnh của bản Mường...

Núi thiêng Lai Li Lai Láng nơi có cây Chu khổng lồ ở Mường Ống, xã Kỳ Tân và Thiết Kế, theo GS.TS, NGND Phan Hữu Dật cho rằng: “Chu là cây dâu gia đất. Nhưng ở đây nghĩa là cội nguồn của cây rừng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Cây Chu là cây thần, tượng trưng cho sự tôn kính, cây lâu năm đã được coi như con người”. Đồi Lai Li Lai Láng trong mo Mường là cả hệ thống núi đồi nằm dọc hai bên bờ sông Mã. Đồi Lai Li Lai Láng có cây chu kỳ vĩ, dấu tích đó hiện nay thuộc làng Cha, có vụng nước cây Chu đổ xuống. Vụng nước này rất sâu, to như một chiếc hồ tròn, ngay bên bờ sông Mã, đứng trên Quốc lộ 15A có thể nhìn thấy. Có lẽ gốc cây Chu là phiến đá khổng lồ, khá bằng phẳng, độ cao khoảng 1.010m so với mực nước biển và hành trình vĩ đại ấy bắt đầu từ vụng nước lớn này thông với dòng Mã giang chính là vết kéo cây đi hãy còn hiện hữu.

Nơi phát tích cây Chu đá lá đồng, bông thau, quả thiếc chính là địa điểm được người Pháp đã từng xây dựng Mỏ Gang. Khu vực này có nhiều khoáng sản là các kim loại, người dân làng Hiềng, xã Kỳ Tân cho biết, từ xa xưa, địa danh miền đất này liên quan đến quá trình khai thác vàng như khu Hu Khăm, nghĩa là Hố đào vàng, hang Khăm (nơi cô vàng). Gò đất cao có sức chứa hàng trăm người, gọi là Đon Cơm (Gò ăn cơm). Khu làng Đon Mặn (Kho chứa muối), quanh đó là bãi chợ. Dấu tích nơi khai thác vàng xa xưa, từng tập trung rất đông người và hoạt động trong một thời gian dài; vàng sa khoáng hiện vẫn còn. Núi thiêng Lai Li Lai Láng nơi có cây Chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc... được Mo Đẻ đất, đẻ nước mô tả: Trông đi, ngó lại - Thấy sáng cả trời... Hoa vàng bảy, trái vàng ba - lá và hoa kêu ra nhạc ngựa - Rõ là cây bằng đá - lá bằng đồng - bông bằng thau - quả thì bằng thiếc...” địa danh này cần được khám phá và trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Theo dân gian trong vùng, phiến đá khổng lồ và bằng phẳng này vào thế kỷ XV, Bình Định vương Vua Lê Lợi đã ngồi quan sát doanh trại của giặc Minh ở đồn Quan Da và cùng các tướng lĩnh bàn mưu tiến đánh. Dưới ngọn đồi Lai Li Lai Láng có ngôi đền cổ Pù Đền, thờ đức Vua Lê Thái tổ. Tương truyền, có lần, vào ban trưa, chủ tướng Lam Sơn đi qua khu ruộng ven đồi, gặp ông Ban đang cày ruộng. Ông Ban thấy khách đói, bèn giở ép cơm nếp, ống canh uôi ra mời khách cùng ăn. Đồ ăn thì ít, chỉ đủ cho một người mà khách lại nhiều, ông Ban bèn thịt tiếp con chó của mình theo ra ruộng, thui lên mời khách cùng ăn. Khách khen bữa cơm ngon và đa tạ chủ ruộng, trước khi đi còn dặn: “Sau này nghiệp lớn thành công, mọi người cùng nhớ bữa cơm tình nghĩa này và vào ngày giỗ kỵ, lễ vật dâng cúng cho ta chỉ là các món ăn như bữa nay là đủ”. Về sau Vua Lê mất, tưởng nhớ công đức của người anh hùng dân tộc, hàng năm đến ngày giỗ kỵ, người trong vùng có lệ cúng tế nhà vua đúng theo lời ngài dặn. Trong thung Buốc Bo, chỗ ông Ban cày ruộng khi xưa, hiện còn một chiếc lán đơn sơ, bà con đặt lễ vật cúng Lê Lợi trong ngày lễ hội Căm Mương (cúng cơm mới). Lễ vật dâng cúng có canh uôi, cơm nếp và thịt chó thui. Đồi Lai Li Lai Láng và ngôi đền cổ Pù Đền... phải được nghiên cứu, tạo dựng và phát huy để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Tổng hợp nhiều nguồn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC