Thông tin du lịch

THÔNG TIN DU LỊCH 28/8


Những điểm check in cực chất cho kỳ nghỉ 2/9 tại Buôn Ma Thuột và Pleiku

Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi tĩnh lặng và vẫn còn mang nguyên vẻ đẹp hoang sơ, chưa có sự tác động nhiều từ bàn tay con người, hãy ghé thăm vùng đất Tây Nguyên vào dịp nghỉ lễ 2/9 này nhé. Còn nếu thời gian của bạn không quá nhiều, chắc chắn nên ghé thăm Buôn Ma Thuột và Pleiku.

Buôn Ma Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, là thành phố lớn nhất của vùng Tây Nguyên và là một đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Thành phố được phân ra là 3 khu: trung tâm, cận trung tâm và ven nội. Đóng vai trò là điểm du lịch chủ chốt của Đắk Lắk, thành phố này thhus hút rất nhiều khách du lịch hằng năm bởi nét hoang sơ quyến rũ cùng phong cảnh núi rừng vùng vĩ. 

Pleiku thủ phủ của tỉnh Gia Lai, là thành phố lớn thứ 3 và cũng là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên. Pleiku nổi tiếng bởi cảnh hồ thơ mộng, vẻ cổ kính của những di tích lâu đời cfung với màu sắc văn hóa phong phú của các lễ hội dân tộc độc đáo.

Nếu ghé thăm hai nơi này, bạn đừng bỏ qua 9 điểm check in cực chất dưới đây nhé!

1. Chùa Minh Thành

Là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Gia Lai, nó không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến đây. 
 
 
Nằm cách Pleiku 12km, chùa Minh Thành thu hút với lối kiến trúc hoài cổ ảnh hưởng từ phong cách Trung Hoa, không gian thanh tịnh và đã trở thành điểm dừng chân rất nhiều du khách. Từ xa bạn đã có thể chiêm ngưỡng bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên là tượng Phật Di Đà uy nghiêm. Chính điện chùa cao tới 16m, được làm bằng gỗ pơ mu rất bền và chắc. Sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, hồ nước, cây xanh tạo nên một bức tranh hài hòa, tươi mát. Bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng đặc biệt khiến bạn cảm giác an nhiên khi ở nơi này!

2. Thác Dray Nur

Cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30km theo hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, thác Dray Nur có chiều dài 250m, nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Từ độ cao hơn 30m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu.  
 
 
Từ thác Dray Nur, du khách yêu thiên nhiên có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn, hoặc khám phá những hang động kì thú, hay đợi hoàng hôn buông xuống để ngắm đàn dơi hàng ngàn con bay vào hang trú ẩn.
 
Dray Nur cũng níu giữ, lôi kéo bước chân du khách đến với cuộc sống thuần phác tại các buôn Kuốp, buôn Nui, buôn Tua của đồng bào Êđê sinh sống gần thác. Đến đây, du khách sẽ được xem giã gạo chày đôi, ngắm những chiếc váy thổ cẩm được dệt tinh xảo và những dụng cụ săn bắt độc đáo của người Êđê, cùng uống chút rượu cần, thưởng thức những món ngon của người địa phương. Cũng từ thác Dray Nur, du khách có thể dễ dàng vượt sông để đến chiêm ngưỡng thác Dray Sáp và thác Gia Long, những ngọn thác kỳ vĩ và đẹp bậc nhất Tây Nguyên.

3. Chùa Khải Đoan

Tọa lạc tại số 117 đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ngôi chùa mang tên Sắc Tứ Khải Đoanhay còn được gọi với cái tên thân thuộc là chùa Lớn hay chùa Tỉnh luôn là điểm dừng chân đầy yên bình của khách hành hương khắp nơi. 
 
 
Chùa được xây dựng từ năm 1951 dưới sự chỉ đạo của Đoan Huy hoàng thái hậu - mẹ vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công cùng một số Phật tử phát tâm cống hiến. Ngôi chùa cũng vì thế mang tên Khải Đoan, là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu. 
 
Quá trình xây dựng chùa Sắc Tứ Khải Đoan vô cùng công phu, tỉ mỉ trên khu đất rộng gần 7 mẫu 8 sào 28m2, từ trụ trì đầu tiên, cho đến phần hậu tổ, nhà giảng và chính điện. Đây cũng chính là ngôi chùa lớn nhất và cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến

4. Biển hồ Tơ Nưng

Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 6km về hướng Bắc, biển Hồ nguyên là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, với diện tích mặt nước là 240ha, độ sâu trung bình 16 - 19m, nơi sâu nhất có thể tới 40m, Ðây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá.
 
 
Đứng bên hồ, du khách có thể thăm những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả; Ghé thăm thành phố Pleiku - phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút.Trong vòng bán kính 6km về hướng nam là núi Hàm Rồng. Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên và là một điểm du lịch quan trọng của địa phương này.

5. Thủy điện Yaly

Công trình thuỷ điện Ialy thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sêsan.Với diện tích trên 20km2, công trình Nhà máy thủy điện Ialy nằm giáp ranh giữa 2 huyện Chưpăh (Tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (Tỉnh Kon Tum).
 
 
Nhà máy thủy điện Ialy là nhà máy thủy điện trên dòng Krông B'Lah ở ranh giới huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum và huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Thác Ialy là một trong những thác nước lớn nhất Việt Nam với độ cao 42 mét. Bạn sẽ có bức ảnh check in độc đáo khi ghé thăm điểm đến này!

6. Làng Du lịch cà phê Trung Nguyên

Nằm ở phường Tân Lợi – Tp Buôn Ma Thuột, làng cà phê Trung Nguyên rộng khoảng 2 hecta, là một cụm công trình kiến trúc gồm nhiều khu, phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế. 
 
 
Làng cà phê Trung Nguyên không chỉ là nơi giới thiệu về cà phê. Nơi đây còn trưng bày hàng trăm hiện vật mang tính lịch sử của các dân tộc Tây Nguyên. Hiện vật có thể là công cụ sản xuất, nhạc cụ của người bản địa nơi đây. 
 
Kiến trúc của làng cà phê là sự kết hợp độc đáo của ý tưởng sáng tạo của con người cùng quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Các khu nhà mang phong cách nhà cổ Huế với nét chạm khắc tinh xảo cũng mang lại cảm giác hưởng thụ đặc biệt cho du khách. 
 
Làng cà phê Trung Nguyên chia thành nhiều khu nhỏ. 
 
Khu thưởng thức gồm 3 gian nhà cổ Cherry, Arabica, Robusta được xây dựng theo phong cách Huế. Du khách có thể thưởng thức cà phê tại đây. Các loại cà phê phục vụ du khách gồm cà phê chồn, cà phê tươi... 

7. Bản Đôn
 
 
Bản Ðôn đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung. Tới đây, du khách không thể không đi một vòng cầu treo bắc qua sông Sêrêpốk - con sông duy nhất của Việt Nam chảy ngược về phía Tây; ngắm những cây si cổ thụ và nhìn dòng nước sùng sục cuồn cuộn chảy. Bên kia cầu là Vườn Quốc gia Yok Đôn điệp trùng, ẩn chứa nhiều sự kỳ thú.

8. Bảo tàng dân tộc Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (một di tích lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, nằm tại số 02 đường Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột). Bảo tàng là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Công trình được xây dựng có sự hợp tác của các chuyên gia người Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ Dự án FSP “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam”. Bảo tàng chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/11/2011.
 
 
Bảo tàng có quy mô xây dựng trên 9.200m2, gồm 2 tầng với chiều dài khoảng 130m, rộng 65m. Không gian trưng bày được tổ chức thành ba phòng với ba phần nội dung lớn: Đa dạng sinh học, Văn hoá dân tộc và Lịch sử với lối trưng bày theo quan niệm của bảo tàng học tiên tiến và phương pháp hiện đại, với 1.000 hiện vật hình ảnh, phim tư liệu có giá trị về văn hóa của hơn 44 dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk.

9. Bảo tàng thế giới Cà phê

Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng của tương lai sống động trong cách trưng bày, triển lãm; có Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan cùng những trải nghiệm tham quan với ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm); Là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống không đóng mình vào với khái niệm “bảo tàng” theo cách tư duy cũ. Ở đây có không gian triển lãm mang tính Mở: mở rộng cho các hoạt động về Thân - Tâm - Trí với giá trị cốt lõi là Tinh thần Cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.
 
 
Bảo tàng Thế giới Cà phê là sự kết hợp giữa cảm hứng bản địa và triết lý kiến trúc của Trung Nguyên – thiết kế tối ưu các cấu phần của sự sống, được định hình trên nền tảng xây dựng hướng đến là bảo tàng di sản văn hóa cà phê toàn cầu, điểm khác biệt và đặc sắc của bảo tàng chính là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu và một bảo tàng ảo giới thiệu hình ảnh hiện vật liên quan đến cà phê của thế giới.

Sự tổ hợp của các khối nhà dài tựa như sự giao thoa của những tiếng chuông góp phần định hình không gian trưng bày bảo tàng, không gian triển lãm, không gian thư viện ánh sáng, không gian thưởng lãm cà phê, không gian hội thảo và đào tạo về chuyên ngành về cà phê. Các không gian này được nối kết với các không gian mang tính mở trong công viên cà phê.

Theo Đức Hoài
VnMedia
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC