THÔNG TIN DU LỊCH 25/9
Phú Quốc lùi ngày đón khách quốc tế đến cuối tháng 11
Phú Quốc xuất hiện ca nhiễm F0 nhà chức trách cho hay không ảnh hưởng tới việc thí điểm đón khách quốc tế, nhưng có thể lùi sang tháng 11. Đảo Ngọc cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, càng chi tiết, cụ thể càng tốt.
Sẵn sàng để gỡ tình huống bất ngờ
Tính đến trưa ngày 23/9, Phú Quốc đã có 62 ca F0. Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khẳng định, việc xử lý khoanh vùng, truy vết ca F0 tại rất kịp thời nên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vẫn triển khai bình thường.
Tuy nhiên, theo ông Trung, việc phát sinh các ca nhiễm thời điểm này là thử thách đầu tiên đối với địa phương. Tỉnh sẽ điều chỉnh bổ sung thêm kế hoạch xét nghiệm cho Phú Quốc, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, băn khoăn hai điều, đó là việc khách nếu bị nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, nhưng tâm lý nhiều khách Âu lại không muốn chữa trị, vậy xử lý các trường hơp này như thế nào? Chưa kể, nếu nhiễm bệnh, họ sẽ được điều trị theo quy định của Bộ Y tế, vậy chi phí chi trả ra sao cũng chưa thấy đề cập đến.
Còn ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist, thắc mắc, Thái Lan đón khách quốc tế bằng các chuyến bay thương mại, trong khi Việt Nam ban đầu sử dụng các chuyến bay thuê chuyến (charter), nếu có ca mắc thì cách ly cá nhân, cả nhóm, cả đoàn hay cả máy bay?
Ngoài ra, khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng tại khách sạn, họ có được đi các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí không, nếu có thì tổ chức như thế nào?. Bình thường thì đơn giản, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để triển khai nên cần có phương án rõ ràng.
“Chúng ta đặt vấn đề an toàn lên đầu tiên, vậy nên trong tình huống khách nhiễm bệnh, việc lên phương án xử lý càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Khách rất lo ngại, do dự nếu trong quá trình sử dụng dịch vụ có sự thay đổi”, ông Thắng nói.
Chưa kể, do liên quan đến công tác phòng chống dịch, giá tour rất cao, như tour Phuket hơn 2.000 USD/người chưa kể vé máy bay và các chi phí khác như xét nghiệm, điều trị nếu không may mắc Covid. Thái Lan quy định, khi đến Phuket khách phải ở ít nhất 14 ngày, sau đó rút còn 7 ngày rồi mới chuyển tới các địa điểm khác, còn Việt Nam không thấy quy định này.
"Nếu không chốt ngày thì sẽ khó xử lý khi khách đang ở Phú Quốc, muốn bỏ tour giữa chừng thì khi đó chúng ta có phải trả lại tiền không, hay họ phải mất toàn bộ chi phí mua tour như Thái Lan quy định”, ông Thắng đặt vấn đề.
Bà Dương Mai Lan, Giám đốc công ty Ascend Travel, cho rằng, từ kinh nghiệm của Thái Lan khi mở cửa Phuket, để đón khách tới Phú Quốc đạt hiệu quả, phải tính hết tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, không bị lúng túng. Ngay cả du khách, họ cũng cần biết trước và được chia sẻ về các tình huống đó, để nếu có xảy ra tất cả đều bình tĩnh thực hiện theo kế hoạch biết trước, không bối rối.
Lùi thời gian thí điểm
Trong Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, hiện đã quy định cụ thể quy trình, tiêu chuẩn đón khách quốc tế; phương án xử lý các tình huống phát sinh; kế hoạch truyền thông; kế hoạch tập huấn cho người lao động, nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ về những biện pháp đón khách an toàn, quy trình dịch vụ,... trong đón khách.
Ngoài các điểm tham quan dự kiến, các khu vui chơi trong khu lưu trú, khách quốc tế cũng được tham gia các khu vui chơi của VinGroup, SunGroup và các đảo phía Nam An Thới. Khách tham quan ở các khu riêng biệt với các khung giờ cụ thể, chỉ dành cho khách quốc tế.
Đến nay, có 19 cơ sở lưu trú với hơn 7.800 phòng, 5 đơn vị lữ hành, 7 khu vui chơi giải trí... đã được lựa chọn đón khách. Dự kiến, có 3 tuyến chính từ sân bay Phú Quốc tới các khu lưu trú, quãng đường từ 10-30km.
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP. Phú Quốc ngày 23/9, các đại biểu cho rằng, việc lo ngại nhất hiện nay là chưa có vắc xin để tiêm cho người dân. Mặc dù Bộ Y tế đã đồng ý phân bổ cho Phú Quốc 300.000 liều, nhưng đến nay vắc xin vẫn chưa về tới đảo do chờ kiểm định.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, tiêu chí và quy trình đón khách rất quan trọng nên phải cụ thể, rõ ràng và thông báo rộng rãi tới doanh nghiệp, du khách. Kế hoạch truyền thông cũng cần phải xây dựng và triển khai một cách toàn diện.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), để đón khách quốc tế theo quy trình khép kín, có kiểm soát, cần phải có các tiêu chí rất chi tiết. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt thị trường, làm việc với các công ty lữ hành, kết nối với các TA (đơn vị gửi khách) và TO (đơn vị điều hành tại điểm đến), yêu cầu có hồ sơ đăng ký tham gia, trong đó cam kết việc có khách đến.
Căn cứ vào tình hình tiêm vắc xin hiện nay ở Phú Quốc và những diễn biến mới của dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt kết luận: thống nhất xác định thời gian thử nghiệm thí điểm đón khách từ trung tuần tháng 11, chính thức thí điểm từ cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 vì đây là thời điểm đông khách quốc tế đi du lịch.
"Việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc sẽ quyết định giai đoạn hồi phục tiếp theo của Du lịch Việt Nam. Việc chuẩn bị cho Phú Quốc thực ra là chuẩn bị cho các địa phương khác trên cả nước”, ông nói và đề nghị Phú Quốc, Kiên Giang chủ động hơn với những tình huống phát sinh và có phương án xử lý cụ thể, đảm bảo việc mở cửa an toàn, hiệu quả.
Theo VietNamNet